SearchNews

TP HCM: “Loạn“ xây nhà trái phép

09/03/2012 08:24

Các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) vài năm trở lại đây là “điểm nóng” của việc xây nhà không phép.

Các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) vài năm trở lại đây là “điểm nóng” của việc xây nhà không phép. Đất đai ở đây được các “đầu nậu” gom lại phân lô sau đó bán giấy tay cho người có nhu cầu và sẵn sàng “bao xây nhà ở” với giá 50-60 triệu đồng/căn tùy quy mô. Nhiều khu vực vùng ven cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Giấy tay “bao xây”

Nhiều người kháo nhau, tiền ít muốn có nhà ở cứ về Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B là có. Quả thật, với số tiền 200-250 triệu đồng có thể lựa chọn mua ngay một lô đất khoảng 40-50m2 tùy khu vực bằng hình thức mua bán giấy tay. Trên các tuyến đường Quách Điêu, Võ Văn Vân, Nguyễn Thị Tú… dày đặc các bảng rao bán nhà đất.

Đâu đâu cũng gặp môi giới nhà đất. Khi thấy chúng tôi có nhu cầu mua đất, cất nhà nhỏ ở tạm, một nhân viên môi giới sốt sắng cho biết giá đất 2 - 2,5 triệu đồng/m2. Muốn xây nhà phải có “đường dây” chứ chủ đất không tự xây được, chi phí giá vật tư riêng còn tiền chung chi “chạy” 50 - 60 triệu đồng tùy quy mô căn nhà.

xây nhà sai phép

Anh Tân, một công nhân từ miền Trung vào đây lập nghiệp, sau bao năm để dành được ít tiền, nghe bạn bè giới thiệu về đây mua một lô đất. Tuy nhiên hơn 2 năm nay anh vẫn chưa cất nhà được vì “cò” đòi chung chi quá cao. Anh muốn bớt và tự mình xây dựng vào ban đêm cho đỡ tốn kém nhưng không được vì “cò” cảnh báo sẽ không đảm bảo được an toàn, hoặc nếu xây xong cũng bị tháo dỡ.

Mỗi năm trên địa bàn Bình Chánh xảy ra hàng trăm vụ xây dựng nhà không phép, sai phép, cưỡng chế hàng chục vụ nhưng tình trạng vẫn không có chiều hướng giảm. Được biết, ngoài lực lượng xã như công an, địa chính, thanh tra xây dựng… huyện Bình Chánh còn cử thanh tra viên về hỗ trợ mỗi xã 30 người. Thế nhưng tình trạng xây dựng nhà không phép vẫn tràn lan.

Theo ông Phan Ngọc Lẫm, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, mỗi vụ cưỡng chế, UBND xã phải chi 8 triệu đồng cho lực lượng và máy móc tham gia. Ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B nhiều vụ cưỡng chế nên vừa tốn kém ngân sách vừa thiệt hại kinh tế của người dân.

Ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, khẳng định: “Phải xử lý dứt điểm 100% nhà xây dựng trái phép, phải quán triệt chỉ thị tăng cường quản lý đất đai xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh”.

Tuy nhiên, với việc không kiểm soát nổi, “trên bảo, dưới không nghe”, biết đến bao giờ Bình Chánh mới chấm dứt được tình trạng xây dựng nhà không phép.

Loay hoay xử lý

Tình trạng xây nhà không phép không phải cá biệt mà xảy ra rất phổ biến ở các quận huyện vùng ven. Có cầu tức có cung, bởi hầu hết đất vùng ven là đất nông nghiệp nên giá rẻ. Người mua đa phần là dân nhập cư không có điều kiện kinh tế nên chấp nhận rủi ro để có một chỗ ở.

Hơn nữa, tình trạng quy hoạch tràn lan ở những nơi này khiến người có đất cũng muốn bán, bởi nếu đợi bồi thường giá sẽ không cao. Một cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) chia sẻ có dự án quy hoạch treo hàng chục năm nhưng không thấy triển khai. Người dân có đất trong khu vực này nhưng không được chuyển nhượng, nhà hư không được xây mới nên rất bức xúc.

Khi chúng tôi đi tìm hiểu thực tế tại đường 24, phường Tam Phú, quận Thủ Đức nhiều người dân ở đây bức xúc chỉ cho xem những căn biệt thự to kiên cố vừa được xây dựng. Đem điều này phản ánh với Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thủ Đức, chúng tôi được lãnh đạo phòng cho biết khu vực này quy hoạch cây xanh, trung tâm thương mại nên chỉ được xây nhà tạm.

xây nhà sai phép

Tại kỳ họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2012, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã “truy” Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng: “Quan điểm của Sở Xây dựng TP như thế nào đối với hiện tượng xây dựng không phép, sai phép? Cho tồn tại nhà không phép để thu tiền hay kiên quyết xử lý lập lại trật tự? Những thiếu sót hiện tại do năng lực yếu hay có tiêu cực?”.

Trả lời những câu hỏi này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng khẳng định không có nhân nhượng, kiên quyết tháo dỡ những phần vi phạm xây dựng, không cho tồn tại. Vừa qua Sở Xây dựng đã kiểm tra 112 công trình, phát hiện những vi phạm đã chuyển về quận, huyện xử lý đối với 29 công trình, còn cấp sở xử lý 26 công trình.

Trong số này có 5 công trình vi phạm xây dựng phải cưỡng chế tháo dỡ. Ông Đỗ Phi Hùng cũng khẳng định đến nay chưa phát hiện tiêu cực.

Bài đọc nhiều:

Năm 2030: Việt Nam có đường cao tốc Bắc - Nam

> TP.HCM: Đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng xây cầu Sài Gòn 2

> Chùm ảnh: Đường vành đai 3 Hà Nội "chạy đua" với thời gian

> TP.HCM: Cháy lớn thiêu rụi kho vật liệu hàng chục tỷ đồng

> Đất đai hết hạn không cưỡng chế thu hồi

(Theo ĐTTC)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu