SearchNews

Bộ GTVT sẽ giảm phí lưu hành xe cá nhân?

14/03/2012 08:28

Bộ GTVT đang xem xét điều chỉnh giảm mức phí lưu hành xe cá nhân so với đề xuất ban đầu, đồng thời cân nhắc lại đề xuất thu phí đối với xe máy.

Thủ tướng chỉ đạo việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân

> Đi xe máy phải đóng phí hàng năm 1 triệu, ô tô là hàng chục triệu?

Bộ GTVT đang xem xét điều chỉnh giảm mức phí lưu hành xe cá nhân so với đề xuất ban đầu, đồng thời cân nhắc lại đề xuất thu phí đối với xe máy.

Việc Bộ GTVT đưa ra phương án thu phí lưu hành xe cá nhân và phí lưu thông vào trung tâm TP chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Về việc này, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng đây chỉ mới là khởi thảo của Bộ GTVT, chưa đi tới thống nhất.

Xe cá nhân chở quá nhiều phí

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc thu phí lưu hành xe cá nhân sẽ khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thêm điêu đứng, bởi ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế sẽ rất khó tiêu thụ.

Theo ông Hùng, việc áp dụng thu phí lưu hành phương tiện đối với các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống cũng cần phải xem lại bởi dòng xe này gồm cả các xe sử dụng vào mục đích vận tải hàng hóa, taxi. “Doanh nghiệp kinh doanh loại xe này sẽ đẩy phí đó cho người tiêu dùng” - ông Hùng lập luận.

phí lưu hành

Hiện có khoảng hơn 30.000 xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống hoạt động kinh doanh vận tải taxi ở Hà Nội và TPHCM. Việc thu khoản phí này sẽ tác động ít nhiều tới đời sống của 30.000 lái xe và cả gia đình của họ. Theo tính toán của ông Hùng, ô tô lưu hành ở Việt Nam đang phải chịu trên dưới 10 loại phí, thuế. Chỉ riêng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (tùy theo từng loại xe) đã khiến giá ô tô ở Việt Nam đắt hơn từ 2-2,5 lần so với giá trung bình của các nước trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, ô tô còn phải chịu hàng loạt loại phí khác đã tăng rất cao trong thời gian vừa qua như phí trước bạ 20%, phí biển số 20 triệu đồng/xe, phí kiểm định, bảo hiểm… và sắp tới là phí bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ (có thể tính trên đầu phương tiện hoặc thu qua giá xăng dầu) sắp được Chính phủ phê duyệt.

“Nếu trưng cầu dân ý về các loại phí này thì chắc chắn người dân đều không đồng tình. Riêng các trường hợp kinh doanh vận tải đã phải đóng các khoản phí GTGT, thuế doanh nghiệp nên nếu tiếp tục phải đóng phí lưu hành phương tiện xe cá nhân hằng năm với mức hàng chục triệu đồng thì sẽ rất không công bằng với họ” - ông Hùng nói.

Đối với phương tiện cá nhân là xe máy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng bảo lưu quan điểm không ủng hộ thu phí, bởi chưa phù hợp với đời sống của đại bộ phận nhân dân hiện nay. “Lãnh đạo Bộ GTVT nói rằng khoản thu nhỏ và nằm trong khả năng của người dân nhưng thử hỏi hàng loạt khoản nhỏ như thế đánh vào túi tiền của người dân thì họ sẽ khốn khổ như thế nào. Nhiều người chỉ có chiếc xe máy cũ để đi lại, vài chục ngàn đồng với họ cũng đã quý lắm rồi” - ông Hùng bày tỏ.

Cân nhắc kỹ để không bị “tuýt còi”

Theo phương án xây dựng từ cuối năm 2011, Bộ GTVT đề xuất mức phí lưu hành đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả xe vừa chở người vừa chở hàng) loại dung tích từ 2.000 cm3 trở xuống là 20 triệu đồng/năm; loại có dung tích trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 là 30 triệu đồng/năm; loại có dung tích trên 3.000 cm3 là 50 triệu đồng/năm. 

Mô tô (hai, ba bánh) của các TP Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng có dung tích dưới 175 cm3 phải chịu mức phí 500.000 đồng/năm; loại có dung tích từ 175 cm3 trở lên là 1 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, việc thu phí lưu hành vào trung tâm TP giờ cao điểm sẽ được thực hiện qua các trạm thu phí và chỉ thu chiều vào với mức thu 30.000 đồng/lượt đối với ô tô chở người đến 7 chỗ ngồi và 50.000 đồng/lượt đối với các loại ô tô còn lại (xe tải, xe chở người lớn hơn 7 chỗ ngồi…).

phí lưu hành

Trước phản ứng của dư luận, theo một nguồn tin, Bộ GTVT đang tính toán, xây dựng lại mức phí lưu hành xe cá nhân theo hướng thấp hơn mức phí đề xuất nói trên. Thêm vào đó, việc có nên thu phí đối với xe máy tại 5 TP trực thuộc Trung ương hay không cũng sẽ được cân nhắc, xem xét.

Phương án của Bộ GTVT đụng đến vấn đề dân sinh và chắc chắn sẽ được Chính phủ, Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cho ban hành. Tuy nhiên, cần nhắc lại là trước khi Bộ GTVT có phương án, vào năm 2008, TP Hà Nội và TPHCM cũng đã đề xuất thu phí lưu hành xe cá nhân.

Theo đó, người sử dụng xe máy phải đóng 500.000 đồng/năm, ô tô 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đóng 10 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính đã không đồng ý với đề xuất của hai địa phương này. Bộ Tài chính cho rằng chưa thể đồng ý với đề xuất thu phí lưu hành xe hằng năm vì loại phí này chưa có trong nghị định của Thủ tướng Chính phủ, nếu Bộ Tài chính đồng ý sẽ bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” ngay.

Chưa có trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí

Theo ông Ngô Hữu Lợi, hai loại phí do Bộ GTVT đề xuất chưa có trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí hiện hành. Chính vì thế, sau khi xây dựng xong, Bộ GTVT sẽ gửi dự thảo xin ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

“Nếu đồng ý với dự thảo phương án của Bộ GTVT, Chính phủ sẽ lập đề án thu phí chuyển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị bổ sung vào danh mục các loại phí hiện nay. Chỉ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận mới chính thức ban hành” - ông Lợi nói.

(Theo NLĐ)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu