SearchNews

Vẫn nhiều vướng mắc trong đầu tư xây đô thị mới Việt Hưng

30/05/2014 10:16

Khu đô thị mới Việt Hưng có quy mô 210,5ha, hiện đã giải phóng mặt bằng đạt 91%...

Dự án Khu đô thị mới Việt Hưng nằm trên địa bàn quận Long Biên của Hà Nội mặc dù được triển khai xây dựng từ năm 2004, nhưng đến nay, qua thực tế kiểm tra của các ngành chức năng Hà Nội cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, tồn tại.

Theo Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (chủ đầu tư dự án), Khu đô thị mới Việt Hưng có quy mô 210,5ha, hiện đã giải phóng mặt bằng đạt 91% và triển khai thi công đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khớp nối với hệ thống hạ tầng chung của quận, thành phố. Chủ đầu tư đang tiếp tục đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 7.660 m3/ngày, đêm, với tổng vốn đầu tư khoảng 118 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2015.

Dự án đã hoàn thành các lô đất nhà ở thương mại với tổng diện tích 682.436m2 sàn, không kể các lô đất thuộc quỹ 20% bàn giao lại cho thành phố và các lô đất phục vụ giãn dân phố cổ. Đồng thời, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 1 trường mầm non quy mô 300 cháu, kêu gọi đầu tư 3 trường tiểu học và mầm non khác, hiện đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Hiện quận Long Biên đã tiếp nhận 7 ô đất hạ tầng xã hội, trong đó đã đầu tư 3 dự án trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non. Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư, quá trình triển khai dự án Khu đô thị mới Việt Hưng chậm so với tiến độ phê duyệt do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trong ranh giới khu đô thị còn tồn tại nhiều hạng mục cần giải phóng mặt bằng nguyên là đất thổ cư, đất cơ quan nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động ổn định, đất nghĩa trang, đô thị.

Phần lớn những diện tích đất này không nhận được sự đồng thuận của nhân dân và các cơ quan đang quản lý sử dụng. Trong khi đó, cơ chế chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều điều chỉnh dẫn đến chi phí bồi thường rất lớn; thị trường bất động sản biến động, trầm lắng, chủ đầu tư đang phải từng bước khắc phục, thực hiện theo giai đoạn để đảm bảo tính khả thi.

Ông Nghiêm Xuân Bang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị cho biết, do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, để có đủ cơ sở hoàn thành mục tiêu của dự án, Tổng công ty đề nghị các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thẩm định và trình phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị N10 tỷ lệ 1/2000 (liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giữ nguyên hiện trạng khu tập thể Diêm Gỗ).

Về việc bồi thường giải phóng mặt bằng hai trận pháo C72, C73 (diện tích khoảng 5,22ha) của Quân chủng Phòng quân-Không quân, mặc dù chủ đầu tư đã rất nỗ lực thực hiện giải phóng đất đầu đến cùng với tổng vốn bồi thường hơn 49 tỷ đồng, nhưng theo yêu cầu của đơn vị này thì chủ đầu tư tiếp tục phải hoàn trả vốn đầu tư xây dựng công trình trên đất khoảng 129 tỷ đồng. Đây là khó khăn rất lớn với chủ đầu tư vì đơn giá đặc thù không nằm trong cơ chế giải phóng mặt bằng của Nhà nước và Thành phố.

Vì vậy, chủ đầu tư kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện hoàn thành bồi thường về đầu tư xây dựng công trình hai trận pháo này. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đề nghị được xem xét khấu trừ tiền bồi thường hai trận pháo này vào các khoản nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư phải thực hiện với thành phố.

Về hoàn trả suất đầu tư hạ tầng, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị cũng đề nghị liên ngành thành phố sớm xem xét xác định suất đầu tư hoàn trả hạ tầng và bố trí vốn hoàn trả hạ tầng các lô đất đã bàn giao cho quận Long Biên (97.582m2 với tổng vốn đầu tư khoảng 324,11 tỷ đồng, tạm tính tương đương với suất đầu tư hoàn trả hạ tầng của dự án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm) để chủ đầu tư chủ động sắp xếp nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đặc biệt, với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thành phố và các ngành sớm xem xét chấp thuận về chủ trương đầu tư để chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Chủ đầu tư cũng kiến nghị thành phố xem xét lại việc tính tiền thuê đất các bãi đỗ xe trong khu đô thị; xác định cơ chế, kế hoạch tiếp nhận bàn giao lô đất công viên CV2 (168.632m2). Trong trường hợp có thể xem xét giao chủ đầu tư khai thác cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể để phục vụ nhân dân đô thị.

Ghi nhận những đóng góp hiệu quả của chủ đầu tư trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở đô thị, đặc biệt là việc triển khai, chấp hành các quy định của pháp luật, không có tình trạng tồn kho nhà ở thương mại, thực hiện đúng các nghĩa vụ tài chính về đất đai, song các ngành chức năng của thành phố cũng chỉ rõ những hạn chế của dự án cần sớm khắc phục để đảm bảo tiêu chuẩn khu đô thị kiểu mẫu.

Thời gian tới, thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thoát nước, xử lý nước thải và các công trình trường học phục vụ cư dân. Đối với các căn nhà đã hoàn thành, bàn giao cần phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đáng lưu ý, trong tổng số 42 tòa nhà trong khu đô thị này hiện mới thành lập được 3 Ban quản trị nhà chung cư, trong khi theo quy định phải có 25 Ban quản trị nhà chung cư. Nếu chủ đầu tư làm tốt công tác này sẽ cơ bản giải quyết được những bức xúc của cư dân trong quá trình sinh sống./.

Theo Vietnam+

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu