SearchNews

Thúc đẩy phát triển công trình xanh ở Việt Nam

19/04/2013 06:41

Việc xây dựng các công trình năng lượng hiệu quả sẽ đồng thời đảm bảo một môi trường sống đô thị lành mạnh gần với thiên nhiên cho người dân

Xây dựng các công trình năng lượng hiệu quả, giảm thiểu và tái chế chất thải, sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và hoạt động của tòa nhà là giải pháp đúng đắn nhằm hạn chế phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, góp phần ứng phó tích cực với tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH)… Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo như vậy tại hội thảo về công trình xanh (CTX) do Bộ Xây dựng và Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ngày 16/4, tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam hiện nay đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Cả nước có 765 đô thị với dân số đô thị chiếm 32,45% dân số toàn quốc. Hàng năm, có khoảng 1 triệu người trở thành cư dân đô thị. Theo dự báo, đến năm 2025, dân số đô thị ở Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị của cả nước. Do vậy, nhu cầu về xây dựng tăng nhanh chóng trong khu vực đô thị. Điều này đồng nghĩa với việc tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xả rác thải ra môi trường. Các tòa nhà hiện đang chịu trách nhiệm khoảng 30 - 40% năng lượng sử dụng, 19% lượng nước sạch tiêu thụ, 29% gỗ khai thác, 40 - 50% nhiên liệu thô được sử dụng...

“Việc xây dựng các công trình năng lượng hiệu quả sẽ giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguyên liệu, nước...), làm giảm năng lượng tiêu thụ, giảm áp lực lên hệ thống điện, giao thông, sản xuất điện quốc gia, xử lý chất thải và các chất gây ô nhiễm môi trường..., đồng thời đảm bảo một môi trường sống đô thị lành mạnh gần với thiên nhiên cho người dân” – Bộ trưởng nói.

Minh chứng cho nhận định của Bộ trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường Bộ Xây dựng Trần Đình Thái cho biết: Theo điều tra, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ thì có thể tiết kiệm khoảng 30 - 40%. Còn đối với các công trình đang hoạt động, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp TKNL thì cũng có thể TKNL từ 15 - 25%.

Mới phát triển sơ khai

Câu hỏi đặt ra là CTX, công trình TKNL mang lại nhiều lợi ích như vậy nhưng vì sao việc ứng dụng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu? Hơn nữa, ngay từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Năm 2005, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Năm 2010, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2011?

Câu trả lời của ông Trần Đình Thái là do năng lực, kiến thức về CTX của cán bộ quản lý các cấp, các ngành còn thiếu, kinh nghiệm của tư vấn ít. Và nhất là Việt Nam hạn chế rất nhiều về công nghệ và nguồn vốn đầu tư.

Tương tự, Giám đốc điều hành Hội đồng CTX Việt Nam Yannick Millet, cho rằng: Những rào cản cho phát triển CTX ở Việt Nam là các bên liên quan thiếu kỹ năng và hạn chế về năng lực. Việt Nam thiếu các quy định pháp luật. Việc thi hành luật chưa toàn diện trong lĩnh vực xây dựng. Và nhất là Việt Nam chưa nhận thức đúng về chi phí xây dựng CTX…

Đứng ở vai nhà tư vấn, Phó tổng giám đốc TCty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) Trần Bình Trọng thừa nhận: Ngoài các giải pháp kiến trúc truyền thống thì các nhà tư vấn Việt Nam mới có kinh nghiệm thiết kế công trình sử dụng TKNL vào khoảng 15 năm trở lại đây và thường là qua các dự án hợp tác quốc tế, các nhóm công trình hạng A mà chủ đầu tư chấp nhận đầu tư tương xứng cho các giải pháp TKNL. Còn tại thị trường BĐS nói chung, trong khoảng 10 năm qua là thời kỳ thiết kế nhanh - xây nhanh - bán nhanh - thu hồi vốn nhanh. Phần lớn các chung cư cao tầng là những tòa nhà “béo”, tận dụng tối đa diện tích sàn. Thậm chí, một số chung cư giống như nhà ống trên cao. Trong các tòa nhà “béo” rất khó thiết kế và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. “Rất ít chung cư có quy hoạch không gian thông thoáng, bền vững môi trường. Suất đầu tư các thể loại công trình chưa tính đến chi phí đầu tư ban đầu để TKNL lâu dài” - ông Bình nhận định.

Thúc đẩy phát triển CTX

Đề cập đến giải pháp thúc đẩy phát triển CTX và sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành Xây dựng, ông Trần Đình Thái cho biết: Trong thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển CTX, đồng thời sẽ đẩy mạnh nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, chủ đầu tư, cộng đồng… về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các tòa nhà, hướng tới xây dựng các CTX. Bộ cũng sẽ hoàn thiện tiêu chí đánh giá và xây dựng quy trình xét duyệt, cấp chứng chỉ công trình xanh; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Ông Trần Bình Trọng thì đề xuất: Các quy chuẩn, hướng dẫn phải dễ hiểu, dễ đo đếm. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích đối với chủ đầu tư như giảm thuế cho công trình đạt tiêu chuẩn cao về TKNL và không cấp phép cho công trình quá tốn năng lượng. Đối với tư vấn thiết kế, Nhà nước nên có chính sách thưởng, tăng thiết kế phí cho các thiết kế được thẩm định đạt chuẩn cao về TKNL.

Còn ông Yannick Millet cũng cho rằng: Cùng với việc củng cố và thi hành khuôn khổ luật pháp, để phát triển CTX, Chính phủ cần đi tiên phong. Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và đưa CTX vào giáo trình giảng dạy trong các trường đại học.

Thông qua dự án Chương trình năng lượng sạch Việt Nam (USAID), Hoa Kỳ hỗ trợ Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương của Việt Nam ở 3 lĩnh vực: Tăng cường năng lực thu thập, quản lý, phân tích và sử dụng dữ liệu về năng lượng trong việc ra các quyết định quản lý Nhà nước ngành; nâng cao hiệu quả năng luợng các tòa nhà; nâng cao đầu tư công – tư và thí điểm các dự án năng lượng tái tạo.

Riêng đối với Bộ Xây dựng, USAID cũng đang tiếp tục hỗ trợ trong việc sơ thảo các tiêu chuẩn trong “Quy chuẩn các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, hỗ trợ thực hiện quy chuẩn xây dựng mới, xây dựng năng lực cho các cơ quan Nhà nước về quy chuẩn TKNL và xúc tiến các tiêu chuẩn tòa nhà TKNL với các tiêu chí cao hơn quy chuẩn quy định…


Theo Baoxaydung

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu