SearchNews

Tôn thép hẹp đường sang ASEAN

12/04/2017 14:35

Đường đi của tôn thép Việt Nam sang các thị trường xuất khẩu ASEAN ngày càng gập ghềnh hơn bởi các vụ áp thuế chống bán phá giá dồn dập.

Thuế chống bán phá giá cản đường

Tôn mạ màu và tôn lạnh là 2 sản phẩm mới nhất của Việt Nam vừa bị Thái Lan áp thuế chống bán phá giá trong thời hạn lên tới 5 năm, với mức thuế lần lượt là 4,3 - 60,26% và 6,2 - 40,49%. Như vậy, tổng số vụ sắt thép Việt Nam bị vướng kiện đã vượt con số 30, báo hiệu con đường xuất khẩu của các sản phẩm sắt thép sang các thị trường bị áp thuế sẽ trầy trật hơn.

Năm 2016, ngành thép gặp khó khăn trước các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường nhập khẩu chính, nhưng sản lượng xuất khẩu thép vẫn tăng 36% so với năm 2015, đạt 3,48 triệu tấn, trị giá 2,03 tỷ USD. Kết quả này có được là do sự tăng trưởng mạnh sang các thị trường ngoài ASEAN, như Hoa Kỳ (tăng 328%); Hàn Quốc (tăng 147,7%); Đài Loan (tăng 269,7%), Pakistan (tăng 221,5%).

xuất khẩu thép Việt sang ASEAN
Tỷ trọng xuất khẩu thép Việt sang ASEAN năm 2016 giảm còn 52%

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, những năm gần đây, xuất khẩu thép của Việt Nam chủ yếu sang các quốc gia ASEAN, do các thị trường này có nhu cầu lớn về số lượng, nhưng không quá khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia ASEAN đang áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại, xuất khẩu sang khu vực này đã có xu hướng giảm.

Số liệu thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng ghi nhận sự sụt giảm của xuất khẩu thép sang ASEAN. Năm 2016, xuất khẩu thép sang khu vực này chỉ đạt 1,81 triệu tấn, giảm 7,3% về lượng và 18% về trị giá so với năm 2015. Tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN năm 2016 là 52%, giảm so với mức 76% của năm 2015.

Từ năm 2007 đến nay, thép Việt Nam xuất khẩu phải đối mặt với khoảng 30 vụ kiện, trong đó, có 18 vụ kiện chống bán phá giá, 4 vụ kiện chống trợ cấp và 4 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ từ Hoa Kỳ, Canada, EU, Australia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ  Kỳ, Ấn Độ. Điều này khiến xuất khẩu sản phẩm thép sang một số nước đã giảm.

Chẳng hạn, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đinh thép Việt Nam khiến giá trị xuất khẩu mặt hàng này giảm từ mức 36 triệu USD năm 2014 xuống còn 800.000 USD năm 2015. Việc Hoa Kỳ áp thuế lên thép chịu lực không gỉ của Việt Nam vào năm 2013 cũng khiến giá trị xuất khẩu giảm từ mức 178 triệu USD năm 2013 xuống còn 81 triệu USD năm 2015.

Khó cạnh tranh hơn

Trong khi Thái Lan vừa quyết định áp thuế tôn mạ màu và tôn lạnh của Việt Nam 5 năm, thì tại thị trường Malaysia, một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước như Hoa Sen (HSG) hay Đại Thiên Lộc (DTL) đang phải chịu thuế chống bán phá giá tôn phủ màu xuất khẩu lên tới 34,85%. Chưa hết, sản phẩm thép cuộn cán nguội Việt Nam cũng đang chịu thuế 5 năm vào Malaysia với mức thuế 3,06-13,68% kể từ tháng 5/2016.

Năm 2016, xuất khẩu thép sang ASEAN chỉ đạt 1,81 triệu tấn, giảm 7,3% về lượng và 18% về trị giá so với năm 2015.
Tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN năm 2016 là 52%, giảm so với mức 76% của năm 2015.

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu tôn mạ lớn nhất của Việt Nam hiện là ASEAN, với tỷ trọng 43,8%, tiếp đến là Mỹ 35,15%. Top 5 doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam, China Steel Sumiki Việt Nam và Thép Nam Kim.

Việc bị áp thuế khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khó cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia khác. Được biết, tôn lạnh và tôn mạ màu là hai trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành tôn thép Việt Nam trong những năm gần đây. Khi nguồn cung trong nước vẫn tiếp tục được bổ sung, thị trường nội địa không tiêu thụ hết, thì xuất khẩu chính là đầu ra quan trọng của ngành tôn thép.

Trước thực trạng phòng vệ thương mại tăng cao tại các thị trường trong khu vực ASEAN,  một số doanh nghiệp đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đơn cử, Tôn Phương Nam đã xuất khẩu trên 6.000 tấn tôn mạ kẽm, tôn nhôm kẽm, tôn mạ màu sang Hoa Kỳ, giảm thiểu sự rủi ro và phụ thuộc khi quá tập trung vào các thị trường ASEAN. Tuy nhiên, nguy cơ bị các thị trường xuất khẩu mới dựng rào cản thương mại cũng rất cao, do xu hướng phần lớn các nước đều tận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu