SearchNews

Đầu tư bất động sản ở đâu lãi nhất thế giới?

24/04/2012 09:51

Trong danh sách những thị trường địa ốc "nóng" nhất thế giới trong 5 năm qua vừa được hãng tin CNBC "điểm mặt" có nhiều đại diện đến từ châu Á với những vị trí ấn tượng.

Trong danh sách những thị trường địa ốc "nóng" nhất thế giới trong 5 năm qua vừa được hãng tin CNBC "điểm mặt" có nhiều đại diện đến từ châu Á với những vị trí ấn tượng. Tuy nhiên, Việt Nam lại không hề có tên trong danh sách này.

bat dong san the gioi

Năm 2011 là một năm không may mắn đối với giới đầu tư bất động sản toàn cầu nói chung, vì giá nhà đất trên toàn thế giới chỉ nhích có 0,5%. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế kém tươi sáng, thị trường địa ốc toàn cầu năm 2012 được dự báo sẽ còn èo uột hơn.

Nhưng nếu nhìn lại 5 năm qua, giá nhà đất trên thế giới đã tăng bùng nổ, thậm chí đã tăng gấp vài lần ở những thị trường có dấu hiệu bong bóng. Với dữ liệu từ hãng nghiên cứu Knight Frank, hãng tin CNBC điểm qua 10 thị trường nhà đất có mức tăng giá “nóng” nhất trong 5 qua, tính từ quý 4/2006 đến quý 4/2011.

10. Thụy Sỹ

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 27,5%

Không có gì là khó hiểu khi Thụy Sỹ góp mặt trong danh sách này, bởi đây là quốc gia có những thành phố vào hàng đắt đỏ nhất và nhiều công trình bất động sản hàng đầu thế giới. Ngoài ra, mức lãi suất siêu thấp của đồng Franc Thụy Sỹ cùng hoạt động cho vay mua nhà ồ ạt của các ngân hàng cũng góp phần tạo sốt nhà đất tại nước này. Trong quý 4/2011, chỉ số bong bóng địa ốc của Thụy Sỹ mà ngân hàng UBS thực hiện đã lên tới mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ. Số liệu của Knight Frank cho thấy, trong một cuộc điều tra mà hãng này thực hiện vào năm 2011, các thành phố St. Moritz, Gstaad và Geneva của Thụy Sỹ nằm trong nhóm 10 địa điểm có giá nhà đất tính trên mỗi m2 “cắt cổ” nhất thế giới.

9. Malaysia

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 28,5%

Giá nhà đất liên tục leo thang buộc Chính phủ Malaysia phải tính đến nhiều biện pháp “hạ sốt” bất động sản, trong đó phải kể tới biện pháp tăng gấp đôi giá nhà tối thiểu mà người nước ngoài được mua ở nước này từ 162.972 USD/căn lên 325.944/căn. Theo số liệu của Knight Frank, giá nhà tại Malaysia trong quý 3 năm ngoái cao hơn 6,6% so với cùng kỳ năm trước.Giá bất động sản cao cấp ở thủ đô Kuala Lumpur trong năm ngoái là 5.000 USD/m2. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Malaysia, đạt hơn 5% trong năm ngoái, số người có nhu cầu mua chung cư cao cấp ở nước này đang tăng mạnh.

8. Nauy

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 28,7%

Thụy Sỹ và Nauy là hai quốc gia châu Âu góp mặt trong danh sách 10 thị trường nhà đất “nóng” nhất thế giới. Giữa lúc toàn châu Âu đang vật lộn với khủng hoảng nợ công và suy giảm tăng trưởng, thì Nauy lại là một ngoại lệ, với mức tăng trưởng GDP dự báo đạt 2,7% trong năm nay. Tương tự như ở Thụy Sỹ, lãi suất thấp là một nhân tố tạo cơ hội cho giá nhà đất ở Nauy tăng mạnh, với mức tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 3 vừa qua. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng cảnh báo, giá bất động sản ở Nauy đang bị thổi phồng 20% so với giá trị thực tế.

7. Canada

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 28,7%

Trong khi thị trường bất động sản Mỹ “đổ đèo” suốt 5 năm qua và tới giờ vẫn chưa phục hồi vững, thì thị trường địa ốc nước láng giềng Canada lại diễn biến theo chiều ngược lại. Doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Canada trong tháng 2 vừa qua đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, số nhà mới khởi công xây dựng ở nước này tăng lên 215.600 căn so với mức 205.300 căn trong tháng 2, một phần do hoạt động xây dựng các toàn nhà chung cư diễn ra mạnh mẽ. Ontario và Vancouver hiện là hai thị trường bất động sản sôi động nhất tại Canada.

6. Đài Loan

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 30,1%

Đài Loan là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất thế giới. Quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt đã khiến nhiều người dân ở thủ phủ Đài Bắc phải sống trong điều kiện chỗ ở chật chội. Trong thời gian 2006-2011, giá nhà đất ở Đài Loan đã tăng hơn 30%, nhưng trong năm ngoái, giá bất động sản ở đây hạ 4,1% do nhà chức trách áp dụng các biện pháp thắt chặt. Các bất động sản bị mua đi bán lại trong vòng 2 năm ở Đài Loan hiện sẽ chịu mức thuế 10%. Thuế suất này tăng lên 15% nếu giao dịch diễn ra trong vòng 1 năm để tránh đầu cơ.

5. Colombia

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 39,4%

Khu vực Nam Mỹ chỉ có Columbia là quốc gia duy nhất có tên trong danh sách này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lên tới gần 6% trong năm ngoái, cao nhất trong gần 4 năm, đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà của người dân Columbia, nhất là trong tầng lớp trung lưu. Vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào Columbia cũng là một nguyên nhân khiến giá nhà đất ở nước này tăng mạnh hơn. Trong quý 1 năm nay, vốn FDI vào Columbia tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 4,2 tỷ USD. Riêng trong năm ngoái, giá nhà đất ở Columbia tăng 3,2%.

4. Singapore

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 50,5%

Riêng ở khu vực Đông Nam Á, không nơi nào giá nhà lại cao chót vót như ở Singapore. Số liệu của Knight Frank cho thấy, giá nhà cao cấp ở đảo quốc sư tử vào quý 4 năm ngoái là 25.600 USD/m2. Còn theo hãng nghiên cứu ECA International, giá thuê căn hộ cao cấp tại nước này trong quý 4 năm ngoái đứng thứ ba tại châu Á, sau Hồng Kông và Tokyo. Singapore là trung tâm tài chính của khu vực, với số lượng người nước ngoài đổ vào nước này ngày càng tăng, nên việc giá nhà đất leo thang cũng là điều dễ hiểu. Người nước ngoài hiện chiếm hơn 1/3 dân số 5,2 triệu người của Singapore. Để hạn chế giá nhà leo thang, Chính phủ Singapore đã áp dụng thuế tem tương đương 10% giá trị bất động sản đánh vào người nước ngoài mua nhà ở nước này.

3. Israel

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 54,5%

Suốt từ năm 2009 tới nay, Israel luôn giữ vị trí thị trường nhà đất sôi động thứ 3 thế giới. Năm 2009, giá nhà tại nước này tăng 21%, năm 2010 tăng 16%, là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của người dân đòi Chính phủ có biện pháp can thiệp vào thị trường bất động sản. Năm 2011, giá nhà đất ở Israel đã giảm 1,2%, nhưng với việc lãi suất ở nước này giảm từ 3,25% xuống 2,5% vào tháng 2 vừa qua, nhu cầu mua nhà có thể tăng vọt trở lại.

2. Hồng Kông

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 93,7%

Vùng lãnh thổ Hồng Kông luôn có tên trong nhóm những thị trường địa ốc đắt nhất trên thế giới, một phần bởi đây là một trung tâm tài chính toàn cầu. Theo Knight Frank, năm ngoái, Hồng Kông đã “soán ngôi” London, trở thành thị trường văn phòng cho thuê đắt nhất thế giới. Quý 4/2011, giá nhà cao cấp ở Hồng Kông bình quân vào khoảng 47.500 USD/m2, cao thứ 4 trên thế giới. Các nhà đầu tư giàu có từ Trung Quốc đại lục đã góp phần đáng kể vào sự leo thang của giá nhà đất tại Hồng Kông trong những năm qua. Để tránh tình trạng đầu cơ, nhà chức trách Hồng Kông áp dụng quy định yêu cầu người mua nhà mà nguồn thu nhập chính không xuất phát từ vùng lãnh thổ này phải tăng tiền đặt cọc thêm 10% giá trị căn nhà. Nhờ đó, mức tăng giá nhà ở Hồng Kông trong mấy tháng qua đã giảm xuống từ mức 11,2% trong năm 2011 và 20,1% trong năm 2010.

1. Trung Quốc đại lục

bat dong san the gioi

Mức tăng giá nhà đất trong 5 năm: 110,9%

Trung Quốc chính là thị trường địa ốc “nóng” nhất thế giới. Giá nhà tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đã tăng hơn 110% trong 5 năm qua, quãng thời gian mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt. Vào quý 4 năm ngoái, giá nhà thuộc các khu cao cấp tại Thượng Hải vào khoảng 19.400 USD/2, ở Bắc Kinh là 17.400 USD/m2. Lo ngại tình trạng bong bóng địa ốc, trong 2 năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp như hạn chế việc một nhà đầu tư mua cùng lúc nhiều căn hộ, tăng lãi suất, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại… Giá nhà tại Trung Quốc vì thế đã giảm 5 tháng liên tục tính đến tháng 2 vừa qua, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức hợp lý. Theo dự báo của hãng tin Reuters, giá nhà trung bình tại Trung Quốc có thể giảm 10-20% trong năm nay.

Các bài đọc nhiều:

> "Điểm mặt" loạt dự án địa ốc vốn ngoại chậm triển khai

> Hà Nội huy động 4.000 tỷ đồng xây khu giãn dân phố cổ

> Hà Nội: Thiếu thiết bị chữa cháy cho hàng trăm nhà cao tầng

> Mở tín dụng cho bất động sản

> Cao ốc Việt Nam rung lắc do ảnh hưởng động đất ở Indonesia

> Biệt thự liền kề giá liệu đã chạm đáy?

(Theo Dân Trí)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu