SearchNews

Ba khu đất đắt nhất Hà Nội trong tương lai

22/12/2006 18:15

Ba khu vực thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản cũng như người dân Hà Nội trên sơ đồ quy hoạch tổng thể đến năm 2020 là Hoàn Kiếm, Mỹ Đình - Mễ Trì và Tây Hồ.

Ba khu vực thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư bất động sản cũng như người dân Hà Nội trên sơ đồ quy hoạch tổng thể đến năm 2020 là Hoàn Kiếm, Mỹ Đình - Mễ Trì và Tây Hồ.

Theo bản quy hoạch do UBND Thành phố Hà Nội và cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện, những khu vực trên sẽ là trung tâm đô thị Hà Nội trong tương lai. Mặc dù mới chỉ là phương án đề xuất, nhưng trên thực tế, đất đai tại những khu vực này đang trở nên có giá hơn bao giờ hết, bởi đây là những khu vực được quy hoạch một cách bài bản và được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt nhất thành phố.

Theo quy hoạch, khu vực Hoàn Kiếm (tâm điểm là Hồ Hoàn Kiếm) tiếp tục là trung tâm hành chính, văn hóa của Hà Nội và của cả nước. Khu đô thị mới Tây Hồ Tây sẽ là Trung tâm tài chính, ngân hàng, giao dịch quốc tế. Khu vực Mỹ Đình - Mễ Trì sẽ là trung tâm hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại, nhà ở cao cấp và công nghệ cao.  

Hồ Gươm - Biểu tượng văn hóa Hà Nội

Đã có rất nhiều phương án đề xuất di dời trung tâm hành chính (UBND Thành phố, Thành ủy và các sở, ngành) về phía tây hồ Tây và một phần về khu vực Láng - Hòa Lạc hoặc khu vực phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đô thị Hà Nội cũng như người dân thành phố thì Hồ Gươm là biểu tượng chính trị - văn hóa không thể thay thế của Hà Nội và của cả nước. Cơ quan hành chính của thành phố đặt kề bên tượng đài Lý Thái Tổ và nhìn ra Hồ Gươm được hiểu như sự tiếp nói truyền thống lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Với mật độ dân cư dày đặc sẽ rất khó khăn để kiếm được một khu đất trống tại khu vực này. Tuy nhiên, với những địa lợi được nhìn thấy một cách rõ ràng, nhiều công ty, nhà hàng, khách sạn sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi để có được một mảnh đất đặt văn phòng đại diện ở đây.

Tây hồ Tây: Trung tâm tài chính - ngân hàng

Khu đô thị mới Tây hồ Tây thuộc địa phận các quận Cầy Giấy, Tây Hồ và huyện Từ Liêm. Theo quy hoạch, khu đô thị này có tổng diện tích 847,4 ha, dân số dự kiến khoảng 80.000 người, với các chức năng tài chính, giao dịch quốc tế, văn hóa, du lịch tiêu biểu của Hà Nội. Điểm nhấn của khu đô thị mới Tây hồ Tây là Trung tâm Tài chính Ngân hàng Hà Nội (Hanoi Financial Banking Center FBC) rộng 25 ha ở khu vực trung tâm. Đây chính là cơ sở để Hà Nội phát triển mạng lưới các tổ chức tài chính, ngân hàng và phi ngân hàng, tổ chức dịch vụ tư vấn (tư vấn, kiểm toán, tư vấn pháp lý...), tăng cường năng lực tài chính, hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại và đội ngũ chuyên gia có trình độ tương ứng, phát triển mạnh và đa dạng hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng, tạo nền tảng đến năm 2010 xây dựng được hệ thống tài chính, tín dụng hiện đại đạt trình độ tiên tiến trong khu vực châu Á.

Theo quy hoạch, mạng lưới hạ tầng giao thông của khu đô thị mới Tây hồ Tây được quy hoạch đồng bộ, khớp nối với hạ tầng giao thông có, đảm bảo giao thông thuận tiện với các trung tâm hành chính, thương mại, sân bay quốc tế Nội Bài và các trung tâm khác trong thành phố.

Mỹ Đình - Mễ Trì: Trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại

Với tâm điểm là Trung tâm hội nghị quốc gia, SVĐ và hàng loạt khu đô thị cao cấp mới được xây dựng, Mỹ Đình - Mễ Trì sẽ là trung tâm văn hóa- thể thao - thương mại, nhà ở cao cấp. Khu vực này cũng được kết nối với hàng loạt khu đô thị mới khu vực xung quanh, như Trung Hòa- Nhân Chính, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Xuân Phương... tạo nên chuỗi đô thị cao cấp và các văn phòng của các công ty, doanh nghiệp tập trung tại đây.

Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì cũng là nơi gần nhất để kết nối với khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc theo trục đường cao tốc Láng - Hòa Lạc đang được mở rộng giai đoạn II. “Siêu” đô thị Bắc Sông Hồng cũng được dự báo là khu vực phát triển trong tương lai. Khu đô thị Bắc sông Hồng dự kiến sẽ được quy hoạch chi tiết thành 30 dự án nhỏ với nhiều chức năng khác nhau. Các xã Xuân Trạch và Phương Trạch (huyện Đông Anh) sẽ được đầu tư thành trung tâm tài chính và thanh toán quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 30 tỷ USD thì việc xây dựng Thành phố bên bờ sông Hồng vẫn là câu chuyện của “thì tương lai”.

(Theo Đầu Tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu