SearchNews

Bất động sản cuối năm: Chưa rõ “cháy hàng” hay sốt ảo

22/12/2014 09:42

Thị trường BĐS năm 2016 đang trong những tuần cuối cùng của năm. Dù Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đưa ra đánh giá thị trường khu vực phía Nam đang chững lại nhưng đa số các chủ đầu tư lại đưa ra con số giao dịch luôn “cháy hàng” ở các dự án. Thị trường đang thực sự sôi động hay chỉ là chiêu trò tạo cơn sốt ảo là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

thị trường BĐS cuối năm 2016
Thị trường không thể dàn hàng ngang cùng tiến mà vẫn có sốt, có lạnh
(Ảnh: Gia Huy)

Chưa rõ “cháy hàng” hay sốt ảo

HoREA cho biết, từ quý I tới quý III/2016, giao dịch BĐS có dấu hiệu chững lại, nhất là giao dịch tại phân khúc BĐS hạng sang. Thị trường quý IV/2016 đến Tết Nguyên đán 2017, HoREA đánh giá sẽ có sự bứt phá từ những dự án tầm trung đang rầm rộ mở bán. Qua báo cáo từ chủ đầu tư trong tháng 10 và 11, dự án mở bán có thanh khoản rất tốt.

Thực tế, nhiều dự án đắt hàng thật bởi đánh trúng nhu cầu người tiêu dùng với giá cả, chất lượng tốt. Tuy nhiên, thị trường “dàn hàng ngang cùng tiến” là điều khó xảy ra. Sức cầu trên thị trường là hữu hạn, nếu thanh khoản đổ về dự án này thì những dự án khác, nhất là dự án lân cận sẽ có nguy cơ bị hút mất khách.

Ngày 12/11, Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh thông báo mở bán dự án Bien Hoa Riverside tại xã Tân Hạnh, TP. Biên Hòa với 268 nền đất. Chỉ sau 1 giờ mở bán, chủ đầu tư thông báo đã bán hết sạch hàng. Công ty Kim Oanh giới thiệu, dự án có vị trí đắc địa khi nằm cạnh quốc lộ 1K, quốc lộ 1A, đường vành đai 3, đường sắt Bắc Nam… và nhiều tiện ích về y tế, văn hóa, giáo dục. Vì vậy, từ khi mới công bố, dự án đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người có nhu cầu mua để ở hoặc đầu tư.

Mới đây, Dream Home Palace do Công ty cổ phần Nhà Mơ và Tập đoàn The Global Group Nhật Bản làm chủ đầu tư đã công bố mức tiêu thụ khá thành công. Theo đó, chỉ trong một buổi sáng, 450 căn hộ thuộc giai đoạn 2 của dự án đã được khách hàng đặt mua hết.

Thị trường hiện đang đón nhận hàng loạt dự án BĐS mới bung hàng như Công ty Địa ốc HimLam Land đầu tháng 12 đưa ra thị trường dự án Him Lam Phú An với hơn 1.000 căn hộ. Công ty HungThinhLand  đưa ra 3 dự án với gần 2.000 căn hộ tại các quận khác nhau. Tập đoàn Novaland rầm rộ bung hàng, mở bán tiếp những dự án mới. Các chủ đầu tư nói trên thông báo sau khi giới thiệu hoặc mở bán thì giao dịch thực hiện tại mỗi dự án đều lên tới trên 80% con số mở bán.

Thực tế, ngoài những chủ đầu tư có thương hiệu tốt nói trên thì còn không ít chủ đầu tư khá lạ lẫm trên thị trường, thậm chí dự án đã có “tiền sử” khó bán nhưng vẫn công bố con số thanh khoản rất cao.

Một dự án đang được chủ đầu tư thông báo “cháy hàng” là Centana Thủ Thiêm tại quận 2, Tp.HCM do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư. Theo thông tin chủ đầu tư này công bố ra thị trường, có hơn 400 căn hộ đã được khách hàng đặt mua hết trong đợt mở bán đầu tiên. Khi mức giá chủ đầu tư này đưa ra tương đối cao từ 28 triệu đồng/m2 cho một dự án còn chưa thi công xong móng cọc thì điều này đã gây ngạc nhiên lớn cho thị trường.

Tại khu Nam Tp.HCM, dự án River City do liên doanh 3 công ty trong đó có Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư chính với 8.000 căn hộ được chủ đầu tư thông báo mở bán rầm rộ, quảng bá về sự thu hút khách hàng. Trái ngược với quảng cáo là sự vắng người thăm quan ở các sàn giao dịch giới thiệu dự án. 

Mông lung với thông báo của chủ đầu tư

Báo cáo của HoREA và những thông báo của nhiều chủ đầu tư về độ nóng sốt khi các dự án mở bán có độ chênh lệch khá cao. Thực tế này khiến người dân và giới chuyên gia lăn tăn đâu mới là sự thật của thị trường BĐS Tp.HCM hiện nay?

Một con số đáng kinh ngạc từ Sở Xây dựng Tp.HCM đưa ra là năm 2016, TP có khoảng hơn 45.000 căn hộ mới được các chủ đầu tư đưa ra thị trường. Trong khi đó, lượng tồn kho thị trường này năm 2015 là 14.490 căn hộ.

Đại diện HoREA chi biết, lệch pha cung - cầu đang diễn ra phổ biến hiện nay. Thị trường đang khan hiếm các dự án nhà ở thu nhập thấp, chủ đầu tư chủ yếu phát triển dự án BĐS tầm trung và cao cấp với giá tiền từ 1,5 tỷ đồng/căn hộ trở lên. Trong khi đó, nhu cầu thực của bộ phận lớn của người dân lại ở căn hộ giá rẻ.

Tại các dự án thông báo “cháy hàng” trong thực tế, ngoài những dự án nóng sốt thực sự thì có những dự án chỉ là “cháy ảo”. Dự án ở vùng ven Tp.HCM sau đây là một ví dụ. Gần một tháng kể từ khi công bố đã bán xong toàn bộ dự án, phóng viên vẫn được nhân viên sale nhiệt tình tư vấn khi có nhu cầu mua đất nền tại đây với mức giá không đổi là 6,2 triệu đồng/m2 cho những nền còn sót lại. Lý do được đưa ra là “có khách đặt mua nhưng đổi ý, trả lại hàng”.

Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, năm 2016, TP có khoảng hơn 45.000 căn hộ mới được các chủ đầu tư đưa ra thị trường, trong khi lượng tồn kho thị trường này năm 2015 là 14.490 căn hộ.

Tại dự án Centana Thủ Thiêm, phóng viên được một nhân viên sale cho biết hiện vẫn còn nhiều căn hộ chưa bán được. Do đó, nếu có nhu cầu, khách hàng vẫn có thể đặt mua với giá gốc và chiết khấu như ngày mở bán đầu tiên.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Đất Xanh tại quận 2, đó chỉ là chiêu tung sốt ảo của chủ đầu tư. Chiêu này cũ nhưng vẫn được các chủ đầu tư thực hiện đó là khi mở bán thì cho nhân viên giả khách hàng thi nhau tung tiền đặt cọc mua nhà để tạo sự hiểu lầm cho khách hàng về độ nóng sốt của dự án. Sau đó, chủ đầu tư công bố số lượng bán thành công lớn và khi mở bán đợt 2 dự án thì tăng giá.

Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản HungThinhLand, thị trường đúng là có những dự án “cháy hàng” thực sự và cũng có dự án chỉ là “cháy ảo”. Là một chủ đầu tư,ông  Hiền khuyên khách hàng trước khi mua căn hộ dự án cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, vị trí dự án, uy tín chủ đầu tư hơn là những con số thanh khoản được công bố rầm rộ.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu