SearchNews

Cò nhà đất khốn đốn trong tháng cô hồn

27/08/2014 08:58

Dù thị trường có dấu hiệu tốt lên nhưng dường như tháng cô hồn vẫn là một nỗi ám ảnh với dân bất động sản vì họ không “dính” phải chuyện này thì lại mắc vào chuyện kia.

Khi thị trường BĐS năm nay khác với các năm trước đó và có phần sôi động hơn thì nỗi ám ảnh về tháng cô hồn trong giới kinh doanh nhà đất cũng dần bớt đi. Tuy vậy, nhưng mới chỉ đầu tháng 7 âm lịch mà đã có không ít chuyện rắc rối xảy ra với họ.

Mai Lan, nhân viên kinh doanh của một sàn BĐS có trụ sở tại Mỹ Đình (Hà Nội) đang rơi vào hoàn cảnh rối như gà mắc tóc. Sau cả tháng trời săn đón, chăm sóc, vị khách của chị mới gật đầu xuống tiền để lấy căn hộ tại dự án mà sàn BĐS mình đang phân phối. Mới bước vào nghề nên Lan rất phấn khởi khi có được khách hàng đầu tiên. Đó vừa là động lực để chị tự tin với nghề mà mình chọn và cũng vừa để chị "ghi điểm" trong thời gian thử việc.

Khách hàng vẫn kiêng mua nhà trong tháng cô hồn
Khách hàng vẫn kiêng mua nhà trong tháng cô hồn. Ảnh minh họa

Nhưng trường hợp của Lan lại rơi vào tình cảnh trớ trêu khi mà "đầu xuôi" nhưng "đuôi" lại "không lọt". Theo thỏa thuận, sau khi đặt cọc, khách sẽ chuyển sang thực hiện hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và nộp đợt đầu tiên với 25% tổng số tiền của căn nhà. Nhưng do người mua muốn chọn ngày đẹp để xuống tiền và vào tên nên đã tránh tháng 7 âm lịch.

Dùng mọi cách để đốc thúc khách hàng nhưng vẫn không được, hợp đồng của Lan có nguy cơ lỡ dở. Trong khi người mua nhà nằng nặc từ chối vào tên trong tháng Ngâu thì giám đốc sàn lại yêu cầu chị phải chốt hợp đồng, nếu không sẽ hủy số tiền đặt cọc.

Đứng giữa khách hàng và sàn, dù “đã nói gẫy cả lưỡi” nhưng câu chuyện của Lan dường như không ai thấu hiểu và không bên nào chịu bên nào. Phía sàn thì cho rằng, khi hết thời hạn đặt cọc, nếu khách hàng không vào tên thì hợp đồng sẽ tự động bị hủy đúng như cam kết vì không thể chờ đợi. Và sàn cũng chỉ là đơn vị phân phối, vì vậy, không thể có quyền can thiệp vào tiến độ đóng tiền của chủ đầu tư được. Về phía người mua thì vẫn nhất quyết đòi chờ ngày đẹp vì "thầy đã phán" vậy rồi.

Theo chia sẻ của Lan, tình huống này thực sự làm chị rất khó xử, vì bên nào cũng có lý do riêng và đều hợp tình hợp lý cả. Trao đổi qua trao đổi lại, cuối cùng khách hàng của Lan phải nhờ đến người quen ở bên chủ đầu tư.

Sự việc mà Lan gặp phải chỉ là một trong những rắc rối nhỏ mà nhân viên kinh doanh địa ốc gặp phải trong tháng Ngâu. Như trường hợp của một công ty BĐS có trụ sở tại Trung Hòa Nhân Chính cũng đang phải đôn đáo gọi điện để mời khách đến nhận nhà vì dự án bàn giao nhà sớm hơn so với thời hạn trong hợp đồng. Bình thường, điều này sẽ khiến người mua nhà vô cùng hồ hởi, nhưng tại dự án này, số người đến nhận nhà rất thưa thớt.

Tháng cô hồn vẫn là nỗi ám ảnh của các chủ đầu tư.
Tháng cô hồn vẫn là nỗi ám ảnh của các chủ đầu tư.

Tháng Ngâu lại trở thành một trở ngại lớn nhất khiến khách không mấy mặn mà với việc nhận nhà. Anh Tuấn, nhân viên phân phối sản phẩm của sàn cho hay, anh đã liên tục gọi điện giục khách đến nhận nhà suốt cả tuần nay, song, câu trả lời nhận được đều là lời từ chối với những lý do như: đi công tác hay bận việc gia đình,...

Theo con số thống kê sơ bộ thì từ khi dự án được ban giao, mới chỉ có 1/3 khách đến nhận nhà. Còn đa phần đều xin nhận nhà trước thời điểm được chủ đầu tư bàn giao cách đó vài tháng nhằm tránh tháng cô hồn.

Ông Nguyễn Anh Đức, nguyên phụ trách mảng Maketing của địa ốc Bình Thiên cho biết: Doanh nghiệp này buộc phải đẩy mạnh tốc độ bán hàng trong tháng 6 âm lịch thông qua hàng loạt các chương trình như hỗ trợ vay lãi suất thấp, vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tặng nội thất hay giảm giá nhà,... Nhân viên bán được nhà cũng sẽ nhận được tiền thưởng theo hệ số lũy tiến đối với từng căn hộ được giao dịch. Đây là tháng buộc phải tăng doanh số vì lượng giao dịch ở tháng sau rất có thể sẽ giảm vì nhiều người vẫn kiêng tháng Ngâu.

Thời điểm tháng 6 âm lịch, lượng khách hàng đến sàn thực hiện giao dịch khá đông, thậm chí, có những ngày còn khách đặt mua 2-3 căn. Có những vị khách chưa đủ tiền nhưng vẫn đặt cọc, giữ chỗ trước nhằm tránh tháng 7 âm lịch, theo một nhân viên môi giới nhà đất.

Dù đã có thâm niên trong nghề, nhưng anh Hùng, trưởng phòng Kinh doanh của một công ty BĐS tại Linh Đàm cũng không dám "mạnh miệng" trong tháng cô hồn. Xuất phát từ quan niệm kiêng cữ mua nhà đất trong tháng 7 âm lịch vì là tháng “cô hồn” nên ngay cả những dự án được đánh giá là "hot" trên thị trường cũng ở trong tình trạng “dẫm chân tại chỗ”. Tệ nhất là có những trường hợp thực hiện đặt cọc mua nhà trong tháng Bảy, nhưng phải sang tháng sau mới chịu nhận nhà và trả đủ tiền, anh Hùng cho hay.

Nhằm khích lệ nhân viên kinh doanh trong tháng làm ăn có vẻ khó khăn này, nhiều sàn BĐS đã áp dụng hình thức tăng khoản hoa hồng. Về phía chủ đầu tư thì rầm rộ tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Vậy nên, với ông, chỉ cần thấy có khách tìm đến sàn thôi là đã thấy mừng rồi dù chưa biết có mua bán gì được hay không.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu