SearchNews

Cuộc "đổ bộ" vào BĐS của nhà đầu tư ngoại

31/08/2014 08:02

Nhờ vào sự phục hồi nhanh của thị trường và những điều luật thông thoáng của chính sách, hiện đang có hàng loạt các doanh nghiệp ngoại cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài
Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặc biệt quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam.

Thị trường BĐS Việt có nhiều tiềm năng

Sở dĩ, các thương vụ rót vốn vào dự án BĐS ngày càng nhiều trên thị trường trong thời gian gần đây là do sức ảnh hưởng của việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào thời điểm cuối năm, đồng thời, thanh khoản của thị trường BĐS cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Trong đó, điển hình là thương vụ chuyển nhượng dự án Celadon với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 24.758 tỉ đồng của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và Công ty CP Đầu tư Thành Công cho Gamuda Land Vietnam, thuộc tập đoàn bất động sản hàng đầu của Malaysia.

Vào quý I/2015 trước đó, Công ty Địa ốc Nam Long đã thông báo chính thức hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hợp tác với 2 nhà đầu tư của Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để thực hiện thương vụ mua lại toàn bộ Dự án Flora Anh Đào ở quận 9, Tp.HCM với chi phí phát triển dự án là khoảng 500 tỉ đồng.

Mới nhất là việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư toàn diện giữa Creed Group của Nhật Bản với Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia của An Gia Investment có tổng giá trị đầu tư ban đầu là 200 triệu USD.

Theo đó, 20% cổ phần của An Gia Investment sẽ được Creed Group mua lại để đầu tư vào các dự án công ty triển khai theo tỷ lệ 50/50. Bên cạnh đó, Creed Group cũng cung cấp cho An Gia các khoản vay để thực hiện việc mua các dự án tiếp tục phát triển.

Về kế hoạch phát triển thị trường từ sự kết hợp như trên, Tổng giám đốc An Gia Investment Nguyễn Bá Sáng cho hay: An Gia sẽ phát triển xây dựng và cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ trung, cao cấp mỗi năm. Và mục tiêu đến năm 2020, doanh nghiệp sẽ tung ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ.

Hiện đơn vị này đang triển khai 4 dự án với gần 2.000 căn hộ, được đầu tư với số vốn là gần 3.000 tỷ đồng. Không chỉ được đầu tư về mặt tài chính, An Gia còn được quỹ Creed chuyển giao công nghệ phát triển dự án BĐS cũng như kinh nghiệm và cơ hội.

Với sự đánh giá cao về thị trường BĐS Việt Nam, Tập đoàn Creed Group trước đó cũng đã rót gần 60 triệu USD vào dự án City Gate Towers của Công ty NBB tại Tp. HCM. Ngoài ra, quỹ đầu tư này còn ký thỏa thuận tham gia phát triển 2 dự án khác của NBB là NBB Garden II và NBB Garden III, với tỷ lệ góp vốn 50%, trị giá hơn 26 triệu USD.

Được đánh giá là đơn vị có nhiều Dự án BĐS mang tính khả thi cao, nên Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) hiện đang lọt vào “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư ngoại. Từ nhiều nguồn tin cho hay, các dự án của công ty này đã được một số quỹ đầu tư nước ngoài có buổi gặp gỡ, tham quan tìm hiểu để thực hiện kế hoạch rót vốn.

Phó tổng giám đốc KDH Nguyễn Đình Bảo cho hay, có đến 49% cổ phiếu KDH đang được các quỹ đầu tư nước ngoài nắm giữ. Trong đó, có 16% cổ phiếu, tương đương với giá trị thị trường hơn 20 triệu USD là do Dragon Capital sở hữu; 21% cổ phiếu, tương đương 26 triệu USD thuộc quyền sở hữu của VinaCapital.

Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số quỹ đầu tư khác vào KDH như: Vietnam Holding, Mutual Fund Elite, SAM… Dù công ty đã mở hết room bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư ngoại, nhưng vẫn còn không ít quỹ đầu tư nước ngoài muốn “bắt tay” với KDH với mục đích gia tăng tỷ lệ sở hữu tại đây trong trường hợp KDH có nhu cầu huy động vốn để gia tăng quỹ đất và phát triển kinh doanh.

Ngay từ đầu năm 2015, tuy không rầm rộ như những tháng gần đây nhưng thị trường BĐS cũng ghi dấu được những mốc son đáng nhớ trong việc thu hút vốn ngoại như: việc mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp Diamond Plaza và khách sạn Legend ở Tp.HCM của Lotte (Hàn Quốc) 

Còn tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam, Keangnam Landmark (Hà Nội) với mức định giá 770 triệu USD, đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority nhăm nhe mua lại.

Cơ hội thu hút đầu tư

Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/7, có tất cả 479 dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký là 50,39 tỉ USD còn hiệu lực. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, BĐS đứng thứ 2 trong việc thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,69 tỉ USD, chiếm 19,3% tổng vốn của cả nước.

Đáng chú ý, hiện không chỉ có các nhà đầu tư cùng khu vực ASEAN như: Malaysia, Thái Lan hay Singapore đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, mà đang có một số nước ngoài khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…cũng đang tìm hiểu để đầu tư phát triển các dự án.

Nguồn vốn đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông đang là các hướng chính của dòng tiền ngoại “đổ” vào BĐS Việt Nam, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho hay.

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, thành phố hiện có 1.407 dự án phát triển bất động sản, trong đó, có đến 689 dự án đang tạm ngừng triển khai, 85 dự án bị thu hồi. Có thể xem đây là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động mua bán và chuyển nhượng (M&A) trong thời gian tới.

Sẽ có một phần hàng tồn kho được giải quyết thông qua hoạt động M&A. Khi đó, sẽ có 59% hàng tồn kho với 8.501 căn của 36 dự án trên thị trường BĐS thành phố được giảm, mà trong đó, có sự đóng góp lớn từ dòng vốn nước ngoài.

Chủ tịch Quỹ Đầu tư Creed Group Toshihiko Muneyoshi đánh giá, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, vì thế, quỹ đã quyết định đầu tư vào thị trường BĐS của Việt Nam.

Không chỉ vậy, khi Việt Nam trở thành thành viên của khu vực TPP, sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư lớn từ quốc tế đến với Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc Điều hành Quỹ Jen Capital, thị trường BĐS hiện nay khác trước. Doanh thu có được từ BĐS đang dần tăng lên, vậy nên, các nhà đầu tư ngoại cũng lên kế hoạch đổ vốn vào các thị trường có sự phát triển dài hơi. “Nhà đầu tư bỏ ra một lượng thời gian khá dài để quan sát, tìm hiểu thị trường và đón nhận những chuyển biến mới về chính sách. Giờ là cơ hội tốt nhất để họ thâm nhập thị trường”, ông Nguyễn Vĩnh Trân khẳng định.

Giám đốc công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Tiến Phát Võ Minh Hoàng nhận định: Thị trường BĐS đang dần thu hút được các dòng vốn chất lượng nhờ sức phục hồi tốt đi kèm với nhiều chính sách thông thoáng.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường muốn kết hợp góp vốn cùng doanh nghiệp trong nước vì họ cần có một đối tác Việt Nam am hiểu về thị trường, tính pháp lý và nhất là đã có sẵn quỹ đất. Còn các doanh nghiệp nội lại cần nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý và mô hình phát triển dự án để nâng cao tính cạnh tranh.

Nhìn chung, đây là cơ hội hợp tác cùng có lợi cho cả 2 phía và là điều kiện để thúc đẩy nguồn vốn ngoại tiếp tục rót mạnh vào thị trường BĐS thời gian tới.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, ông Lê Hoàng Châu

Không thể để hiện tượng “bong bóng” BĐS xảy ra: Dù BĐS cao cấp đang có chiều hướng phát triển rất nhanh, nhưng hiệp hội cho rằng, sự phát triển này vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Hiện các giao dịch BĐS vẫn diễn ra bình thường, hiện tượng đầu cơ chưa xuất hiện nổi cộm, đẩy thị trường vào cơn giá ảo. Trong năm 2015 và cả 2016 sẽ không thể xảy ra hiện tượng "bong bóng" BĐS, bởi, kinh tế nước ta chỉ mới trên đà hồi phục, tăng trưởng tín dụng không quá cao.

Đặc biệt, tín dụng cũng như nợ xấu đang là vấn đề được quan tâm kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu