SearchNews

Quảng cáo dự án: Nghề chơi cũng lắm công phu

05/09/2014 10:02

Am hiểu thị trường và nắm bắt được đúng điểm rơi của thị trường để phát triển, tiến hành xây dựng dự án và bung hàng là điểm mấu chốt đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thành bại bài toán kinh doanh của các chủ đầu tư chuyên nghiệp. Nhất là trong bối cảnh thị trường địa ốc có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây.

Để tăng độ hấp dẫn của dự án, khâu marketing tiếp thị trở nên tối quan trọng.

Hiện tại, quỹ đất nội đô khan hiếm, trong khi đó các địa bàn mới lên cấp đô thị như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm đã nhanh chóng được các “ông lớn” địa ốc cũng như các nhà băng “đặt chỗ”. Tại Hà Nội, hiện đang tồn tại hàng loạt dự án nhà ở cao tầng nằm chờ hoàn thiện năm này qua năm khác, trong khi dự án mới chào đời không vì thế mà giảm tốc. Tuy nhiên, các chủ đầu tư phải tính đến phương án "xây cho những ngôi nhà cao cao mãi".

Tranh ngôi vị chiều cao

Vinaconex đã sớm khẳng định thương hiệu "dự án cao nhất" Hà Nội từ thời điểm 2005 tại Trung Hòa - Nhân Chính với tòa nhà cao 34 tầng. Khi thị trường nhà đất “sốt nóng”, Hà Nội chào đón người khổng lồ KeangNam LandMark Tower chính thức tuyên bố khởi công với chiều cao 72 tầng trên địa bàn huyện Từ Liêm cũ.

Từ cuối 2010, thị trường chứng kiến làn sóng dịch chuyển trụ sở cơ quan, văn phòng làm việc về phía Tây và vô khối các dự án tòa nhà văn phòng lẫn trung tâm thương mại ra đời, chẳng hạn như CrownPlaza, FLC LandMark Tower, GrandPlaza…
Thời gian qua, tai tiếng liên quan tới ông chủ của tòa nhà cao nhất Hà Nội dần cho thấy năng lực tài chính cũng như kinh doanh không tương xứng với những mỹ từ dành cho công trình cao chọc trời. Trước đó, chủ nhân của Keangnam Vina đã bị đưa vào tầm ngắm của cơ quan thuế ngay từ cuối năm 2012.

Không lâu sau đó, Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Không chỉ là những lùm xùm xoay quanh tai nạn lao động công trường, hay "va chạm" với cư dân xoay quanh vận hành căn hộ mà hồi tháng 5/2015 đại gia xứ Hàn tiếp tục được báo giới, dư luận mổ xẻ nghi vấn lừa đảo rao bán tòa nhà 72 tầng để giảm bớt khó khăn tài chính cho Tập đoàn.

quảng cáo dự án
Để tăng độ hấp dẫn của dự án, khâu marketing tiếp trở nên tối quan trọng.

Một thương hiệu Hàn Quốc khác là Lotte khai trương tòa nhà cao thứ 2 Hà Nội vào đúng dịp Quốc khánh năm 2014. Đó là tòa Lotte Center Hà Nội. Vậy nhưng, cao ốc văn phòng thương mại hỗn hợp 65 tầng có số phận hẩm hiu khi rơi đúng điểm rơi bão hòa của thị trường bán lẻ. Vì thế, tình trạng vắng khách, ế ẩm là điều dễ nhận thấy ở khu trung tâm mua sắm hiện đại bậc nhất Việt Nam nhiều tháng sau đó. Được biết, vào tháng 12/2014,  trung tâm thương mại này ế tới 75% diện tích văn phòng.

Khi xét về chức năng hỗn hợp văn phòng- chung cư thương mại, Hà Nội hiện có 2 dự án đang ganh đua nhau về tốp 3 chiều cao. Tại lễ khởi công FLC Twin Towers, chủ đầu tư dự án này cho hay: "Công trình sẽ là 1 trong 3 tòa tháp cao nhất Hà Nội". Theo thiết kế, dự án 265 Cầu Giấy gồm 2 tòa tháp, cụ thể: 1 tòa căn hộ cao 50 tầng và 1 tòa văn phòng cao 38 tầng.

Hà Nội Landmark 51 (51 tầng) vội xưng danh "cao thứ 3 Hà Nội" sau đó không lâu. Như vậy, dự án 265 Cầu Giấy được nhào nặn bởi đại gia mới nổi trong làng địa ốc nhưng đã có tiếng trong giới chứng khoán, trong khi Hà Nội Landmark 51  ở vùng lõi Hà Đông do liên danh chủ đầu tư Vinafor - Sông Đà 1.01 - công ty CP TM Hoàng Vương xây đắp.

Theo đó, ngay từ giai đoạn công bố, khởi công dự án, cuộc cạnh tranh truyền thông để hút khách, tăng độ hấp dẫn cho dự án, thu hút nhà đầu tư góp vốn đã nổ ra quyết liệt.

Đã rõ lợi - hại

Thực tế cho thấy, quy mô dự án lớn với nhiều hạng mục hoành tráng (hệ thống căn hộ, các tiện ích đi kèm và bố trí không gian quần thể) đã thể hiện sức mạnh tài chính cùng độ chuyên nghiệp của chủ đầu tư. Tuy nhiên, đây là cách hiểu mang tính kỹ thuật. Nếu hiểu theo bài toán kinh doanh địa ốc, một khi đã chiếm được vị trí đẹp thì dự án càng nhiều sản phẩm (chiều cao, căn hộ) sẽ mang lại tỷ lệ lợi nhuận gia tăng cho doanh nghiệp.

Xưng danh là tòa nhà cao thứ 3 Hà Nội, hiện dự án FLC Twin Tower đang "cháy" suất ngoại giao trên chợ thứ cấp với mức giá khoảng từ 34-40 triệu đồng/m2. Còn với Hà Nội LandMark 51, tuy chủ đầu tư mới chỉ công bố chuẩn bị mở bán, nhưng trên thực tế đã có nhiều cá nhân "phao tin" rầm rộ về pháp nhân độc quyền bán hàng dự án với đầy đủ chi tiết nhất về tiến độ thi công cũng như đóng tiền mua căn hộ tại dự án này.

Một số nhà đầu tư địa ốc đã theo sát thị trường phía Bắc từ thời còn “sốt ảo” cho biết, việc các chủ đầu tư "tranh nhau soán ngôi cao thứ 3 Hà Nội chỉ là cái cớ để 2 dự án này đánh vào tâm lý tò mò của khách mua. Bởi xưa nay thị hiếu của người mua nhà chủ yếu vẫn chưa thoát khỏi tâm lý đám đông, do đó chiêu thức marketing này vẫn phát huy tác dụng triệt để.

Dự án nào cao hơn, là 50 hay 51, điều đó không cần phải mổ xẻ bởi chẳng pháp luật nào cấm doanh nghiệp tự phong danh hiệu cho dự án. Tương tự như tình trạng công trình nhà ở thương mại “loạn mác cao cấp”.

Trong những năm 2013-2014, nhà đầu tư lẫn người mua bị “bội thực” dự án tự nhận cao cấp và dĩ nhiên giá của nó sẽ cao hơn mức giá chung của thị trường. Khi dự án được bàn giao cho khách hàng, đi vào hoạt động, xuống cấp nhanh chóng đã không còn là chuyện xa lạ.

Đơn cử là, mới đây cư dân Nam Đô Complex bức xúc về chất lượng nước hoặc Golden Land Nguyễn Trãi đã bong tróc nhiều hạng mục trong và ngoài căn hộ. Điều đó cho thấy, giá trị đích thực của bất động snar không nằm ở những lời PR truyền thông thời dự án mới khai sinh.

Chính vì vậy, đối với nhà đầu tư “lướt sóng”, những suất căn hộ kiểu này là "vàng". Trong khi với khách hàng mua để ở, thì việc mải mê chạy đua để chen chân vào những tổ hợp hiện đại nhất, "cao nhất nhì Thủ đô", chỉ giúp bài toán kinh doanh của giới đầu tư tạo lập địa ốc cũng như dân truyền thông thêm dễ giải.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu