SearchNews

"Sân chơi" bất động sản hấp dẫn các "ông lớn" ngoài ngành

27/07/2014 07:39

Nhiều “ông lớn” trong các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, cầu cảng, hạ tầng… không ngại dốc “hầu bao” đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản khiến thị trường này trở thành “cuộc chiến” ngày càng khốc liệt hơn.

Thông tin Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen rót tiền đầu tư 1.200 tỷ đồng vào dự án khu Trung tâm thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái rộng khoảng 1,5ha tại tỉnh Yên Bái đã khiến giới bất động sản không khỏi bất ngờ.

Trước đây, “ông chủ ngành tôn” đã đầu tư vào phân khúc khu căn hộ nhưng thất bại và nay khi đầu tư trở lại thì “ông lớn” lại có tham vọng trở thành đại gia bất động sản nghỉ dưỡng. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hiện đang có khá nhiều “ông lớn” đổ tiền đầu tư và chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ thời gian tới. Liệu đây có phải hướng đi đúng, hợp thời điểm của tập đoàn này hay chỉ là hướng đi theo “phong trào”?

Được biết, hiện Hoa Sen cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng khác ở Bình Định. Trong đó có một tổ hợp khách sạn, thương mại trên đường An Dương Vương, TP. Quy Nhơn và khu du lịch nghỉ dưỡng Hội Vân (Phù Cát).

bất động sản
"Sân chơi" bất động sản đang hấp dẫn các "ông lớn" ngoài ngành
(ảnh minh họa)

Thị trường bất động sản cũng ghi nhận sự tham gia của những cái tên mới mẻ như Tập đoàn Đồng Lực vốn được biết đến ở lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế vừa ra mắt dự án ở vị trí đắc địa khu vực Tây Hồ có tên Hanoi Aqua Central.

Ngoài việc đầu tư vào một số dự án bất động sản Tập Đoàn này còn đầu tư vào các dự án BOT giao thông, thiết bị y tế, khách sạn dưới hình thức thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết.

Hay Tập đoàn Hoành Sơn, công ty chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng ở Hà Tĩnh cũng chi hàng trăm tỷ đồng thâu tóm mảnh “đất vàng” Cao Su Sao Vàng trên đường Nguyễn Trãi – Hà Nội.

Hay như Chủ tịch của ThaiGroup Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) vốn là một doanh nhân nổi tiếng ở lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và bóng đá nhưng gần đây cũng chi hàng nghìn tỷ đồng thâu tóm nhiều khu “đất vàng” ở Hà Nội như khách sạn Kim Liên 3,5ha, hợp tác với tập đoàn khách sạn Hyatt đầu tư dự án khách sạn 165 triệu USD ngay trung tâm Thủ đô, chuẩn bị đầu tư khu nghỉ dưỡng quy mô hàng trăm héc-ta ở Phú Quốc…

Thậm chí, có những doanh nghiệp tưởng như chỉ chuyên tâm đầu tư vào lĩnh vực thương mại sản xuất như Tập đoàn FPT hay Alphanam cũng đã bỏ vốn đầu tư vào những dự án bất động sản quy mô lớn. Với FPT là Khu đô thị FPT Đà Nẵng, còn Alphanam là Tổ hợp khách sạn, căn hộ Four Points by Sheraton và Luxury Apartment tại đường Võ Nguyên Giáp, TP. Đà Nẵng…

Thực tế cho thấy rằng, bất động sản không phải là “sân chơi” cho mọi đối tượng. Từng có rất nhiều ông lớn nếm “trái đắng” vì sân chơi này.

Điển hình như ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã phải bán tháo các dự án và rút lui khỏi thị trường này.

Hay mới đây là Tập đoàn Mai Linh chuyên taxi cũng đã rơi vào cảnh nợ nần, mất thanh khoản khi đầu tư vào bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp phải nhìn nhận rằng, thị trường bất động sản mang nặng tính may rủi mà sự thành công chưa chắc đến từ năng lực tài chính mà quan trọng là cách làm thương hiệu, đối diện và xử lý khủng hoảng.

Những “ông lớn” ngoài ngành đi sau đầu tư vào bất động sản nên có những cái nhìn, hướng đầu tư, chiến lược khác để không rơi vào “vết xe đổ” như vài “ông lớn” đã từng dính trước đây.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu