SearchNews

Vạch trần "chiêu" mới làm giá nhà đất của môi giới

27/09/2014 14:09

Hiện nay, tình trạng nói sai sự thật, tâng bốc đến mức lừa dối người mua nhà, miễn sao bán cho bằng được, dù dự án chưa đầy đủ pháp lý… đang xảy ra tại không ít dự án BĐS.

Để bán được hàng, ngoài những "chiêu thức" cổ điển, hiện nay trên thị trường nhiều "cò" nhà đất đang áp dụng một số cách thức mới để nâng giá bán khi "săn" khách hàng. 

Theo một nhân viên môi giới nhà đất, khi có dự án mới, chuẩn bị mở bán, các sàn giao dịch đều áp chỉ tiêu, yêu cầu nhân viên môi giới phải mời ít nhất 10-15 khách hàng đến tham dự. Nhiều môi giới hành nghề lâu năm, sẵn có lượng nhà đầu tư quen thuộc thì việc dẫn khách không khó. Song có nhiều môi giới mới vào nghề đã phải huy động người thân đến để tham dự.

Ngoài việc áp chỉ tiêu cho môi giới, để cho buổi mở bán thêm phần sôi động, nhiều sàn còn yêu cầu nhân viên buộc phải xây dựng chiến thuật “gài người" vào để đặt cọc tạo không khí giao dịch.

môi giới bđs
Thị trường nhà đất càng sốt, những dự án “hot” càng nhiều càng nằm ở vị trí
đắc địa, người mua nhà càng nhiều thì “cò” nhà đất càng có
cơ hội kiếm được nhiều tiền. Ảnh minh họa

Một môi giới cho biết, thường khách hàng có thể đặt cọc từ 5 đến 10 triệu đồng/căn hộ. Khi dự án chính thức mở bán, nếu khách hàng không có nhu cầu mua căn hộ đó thì môi giới sẽ trả lại tiền. Nhiều khi môi giới "bí người" nên phải nhờ cả ông bà, bố mẹ đến.

Không chỉ có thế, một môi giới tên Lợi còn tiết lộ: "Tại các lễ mở bán, nhiều môi giới thường huy động tối đa người thân đến tham gia vào cuộc quay số may mắn để giành được các suất ưu đãi từ chủ đầu tư".

Anh Lợi đưa ra ví dụ, tại một buổi lễ mở bán dự án, chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: dành 10 suất ưu tiên cho 10 khách hàng đầu tiên đặt cọc giữ chỗ bóc thăm trúng 10 căn hộ góc đẹp, giá được giảm đến 30% so với giá niêm yết, trúng Iphone 6s plus... Nhờ huy động tối đa người thân, cuối cùng, trong số 10 người trên thì cũng có được 2 người là bà con thân thuộc của nhân viên môi giới. Sau đó, nhân viên này đã bán lại các quyền trên cho khách hàng vào vị trí căn hộ đó để hưởng chênh lệch.

Cũng theo anh Lợi, khi vừa cầm cái biển chứng nhận trúng căn hộ giá ưu đãi bước xuống hàng ghế hội trường, lập tức có nhiều môi giới "bu" lại đòi mua lại căn hộ của anh. Nếu sang tay ngay lúc đó anh có thể kiếm được ít nhất từ 50-100 triệu!

bđs
Nhiều môi giới "tung hỏa mù" bằng cách huy động cả người thân đến
tham gia buổi mở bán nhà. Ảnh minh họa

Theo anh Hồng, quản lý một nhóm sale tại đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2, Tp. HCM, ngoài việc các nhàn viên phải huy động người nhà càng nhiều càng tốt để tạo "cơn sốt" cho mỗi lễ mở bán, thường thì có từ 3-5 nhân viên môi giới góp tiền lại với nhau đặt cọc một căn hộ hay nền đất nào đó rồi "tung chiêu" chốt khách hàng. Theo đó, nhóm môi giới này cũng lập ra danh sách những khách hàng ảo đã muốn đặt cọc căn hộ nhóm đã mua để khách hàng tiềm năng lo lắng mà xuống tiền ngay.

Ngoài ra, anh Hồng cũng đưa ra một cách làm mà theo kinh nghiệm của anh nó rất hiệu quả là trong lúc đang trao đổi với khách hàng muốn mua nhà thì giả vờ có một cuộc điện thoại gọi đến. Từ đó "cò" tạo ra một câu chuyện khá hoàn hảo là khách hàng đang nói chuyện qua điện thoại sẽ đến gặp mặt "xuống tiền" mua nhà luôn. Nếu khách hàng nào không vững tâm chắc chắn họ đồng ý mua căn hộ ngay với mức giá có thể cao hơn 1-2 triệu đồng/m2.

Một chiêu thức khác cũng được các cò đất đang áp dụng hiện nay là tạo sốt ảo để "hù doạ" khách hàng. Song song đó, môi giới thường "dụ" khách hàng là cứ mua căn hộ dự án nhanh chóng, gửi lại sàn để họ trực tiếp bán lại cho người khác kiếm lời. Ngoài phần trăm khách hàng "boa" của khách hàng, môi giới nếu bán được hàng nhanh cũng hưởng được chênh lệch giá khá tốt.

Mỗi lần mở bán, giới môi giới địa ốc thường tung tin là thị trường đang khan hàng, căn hộ sẽ tăng giá để đẩy mức chênh lệch kiếm lời đã trở thành chiêu trò được áp dụng rất phổ biến trong giới “cò” đất thời gian gần đây. Trong khi đó, khách hàng lại có tâm lý cho rằng những dự án có giá chênh là đang hút hàng, không mua ngay sẽ lỡ nên thường tìm đến những dự án có dạng này để mua.

Mới đấy nhất là tình trạng đẩy giá nhà đất một cách vô tội vạ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trước đó, vào năm 2015, thị trường đất nền Đồng Nai từng chứng kiến cơn sốt giá khi hàng loạt dự án “ăn theo” cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây hay sân bay Long Thành. Giá đất bị đẩy lên liên tục, dự án mới mở đã tung tin bán hết sạch, nhưng đến nay, khi cơn sốt đất qua đi không ít nhà đầu tư “ôm hận” do dự án bị “trùm mền”. Ngay ở trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch, không ít dự án cũng "chết yểu" vì chủ đầu tư bỏ đi sau khi đẩy được hết hàng cho nhà đầu tư.

Theo chuyên gia Phan Công Chánh, khách hàng sau khi tiềm hiểu thông tin ở nhân viên cần gặp trực tiếp đơn vị phân phối trực tiếp của chủ đầu tư để đối chiếu. Như vậy mới có thể tránh được việc bị mất tiền oan bởi "bức tranh đẹp" về căn hộ tương lai, thị trường BĐS tươi sáng do môi giới "vẽ" ra.

Đồng thời, trong quá trình giao dịch, khách hàng nên tìm hiểu người môi giới đó đang chịu sự quản lý của đơn vị, sàn giao dịch nào. Sau đó, kiểm tra tính pháp lý, điều kiện hoạt động của sàn. Khi yêu cầu môi giới cung cấp các thông tin về hồ sơ pháp lý của sản phẩm xong, người mua nhà nên tự mình đến tận nơi để xác minh, tìm hiểu thông tin.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu