SearchNews

Sổ hồng căn hộ đang thế chấp có được bổ sung thêm tên người khác?

16/11/2019 15:32

Hỏi: Tôi cùng anh trai được bố mẹ hỗ trợ mua cho 1 căn hộ trả góp vào năm 2015. Sổ hồng do anh trai đứng tên và ngân hàng đang nắm giữ. Vậy xin hỏi, tôi có thể bổ sung thêm tên của mình vào sổ hồng hay không? Thủ tục, chi phí ra sao?

Xin cảm ơn!

thêm tên vào sổ hồng đang thế chấp ngân hàng
Vẫn có thể thêm tên người khác vào sổ hồng căn hộ đang thế chấp tại ngân hàng.

Luật sư tư vấn:

Dựa theo thông tin mà bạn cung cấp thì sổ hồng căn hộ đang do ngân hàng nắm giữ. Thế nên, căn hộ này là tài sản thế chấp tại ngân hàng. Để có thể bổ sung tên của bạn vào sổ hồng, anh trai bạn cần làm thủ tục tặng cho một phần căn hộ cho bạn. Thế nhưng, quyền của anh trai bạn đối với căn hộ hiện bị hạn chế hơn do tài sản đang thế chấp ngân hàng.

Nghĩa vụ của bên thế chấp được quy định tại Khoản 8, Điều 320, Bộ Luật Dân sự năm 2015 như sau:

"Điều 320. Nghĩa vụ của bên thế chấp

8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này."

Trong khi đó, Khoản 4, Khoản 5, Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định rõ:

"4. Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

5. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật."

Căn cứ theo các quy định nêu trên, anh trai bạn chỉ có thể tặng cho bạn một phần căn hộ khi được ngân hàng đồng ý. Theo đó, bạn, anh trai và ngân hàng nhận thế chấp căn hộ có thể lập thỏa thuận 3 bên liên quan tới việc thanh toán tiền nợ vay của anh bạn với ngân hàng. Sau đó, ngân hàng sẽ xóa thế chấp, đồng thời trả lại giấy tờ nhà cho anh trai bạn.

Kế đến, anh trai bạn có thể lập hợp đồng tặng cho một phần quyền sử dụng căn hộ và thực hiện công chứng hợp đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 122, Luật Nhà ở năm 2014, cụ thể:

"Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, Thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng."

Về đăng ký biến động, việc công chứng hợp đồng tặng cho này là bắt buộc. Để được bổ sung tên vào sổ hồng căn hộ, bạn phải thực hiện đăng ký biến động đất đại tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Về hồ sơ đăng ký biến động, Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (bổ sung, sửa đổi bởi Thông tư 33/2017/TT-BTNMT) quy định các loại giấy tờ sau:

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

- Hợp đồng tặng cho một phần quyền sở hữu căn hộ có công chứng;

- Đơn đăng ký biến động đất đai và tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.

Ngoài ra, khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động nói trên, bạn phải nộp các loại phí, lệ phí đúng theo quy định hiện hành.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu