SearchNews

8 lưu ý khi thiết kế phòng học cho trẻ ở nhà

18/09/2020 14:10

Bên cạnh các phương pháp, chương trình giáo dục ở trường thì không gian phòng học ở nhà cũng đóng vai trò rất quan trọng tới kết quả học tập của trẻ. Do đó, thiết kế và bài trí phòng học luôn là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19, khi thời gian ở nhà nhiều hơn.

Các khảo sát cho thấy, đối với trẻ em và việc học ở nhà trong đại dịch Covid-19, kết quả không khả quan. Một trong những lý do chính là khó có thể khiến trẻ tập trung trong một khoảng thời gian dài trước màn hình máy tính hoặc iPad. Thiếu sự tương tác thể chất với những đứa trẻ khác cũng là một yếu tố góp phần. Tuy nhiên, cho đến khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu được cải thiện, nhiều khả năng việc quay trở lại trường học sẽ tiếp tục bị hoãn lại đối với các vùng dịch.

Với tình huống này, bài viết dưới đây chia sẻ tới bạn đọc các chiến lược hiệu quả để chuyển đổi, cải tạo phòng học tại nhà thành không gian học tập tốt hơn.

Mỗi đứa trẻ và mỗi lứa tuổi sẽ có yêu cầu những nhu cầu cụ thể mà cha mẹ hoặc người giám hộ phải quan sát hàng ngày. Tuy nhiên, có thể xác định các thông số chung, tạo ra ba điều kiện cần thiết cho việc dạy học ở nhà cho mọi lứa tuổi gồm: học lực, nhận thức và sức khỏe thể chất, tình cảm của mỗi trẻ.

1. Tạo không gian thuận lợi cho việc học tập, nghiên cứu

Nên bắt đầu bằng việc lựa chọn và tạo không gian học tập ở khu vực có nhiều ánh sáng tự nhiên và yên tĩnh. Nếu có nhiều hơn một tùy chọn, điều quan trọng là để trẻ chọn nơi mà chúng thích nhất. Trong trường hợp phòng học của trẻ không nhận đủ ánh sáng tự nhiên, bạn nên bổ sung thêm các loại đèn chiếu sáng phù hợp, tốt cho mắt.

phòng học cho bé ngập tràn ánh sáng
Ánh sáng tự nhiên là yếu tố không thể thiếu khi thiết kế phòng học cho trẻ.

2. Chọn kích thước bàn học phù hợp với không gian và chiều cao của trẻ

Các mẫu bàn học hiện có trên thị trường rất đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã cho bạn thỏa sức lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đặt đóng riêng. Chiều rộng tối thiểu của bàn nên là 80cm để cánh tay có thể tựa thoải mái xung quanh máy tính xách tay. Sẽ tốt hơn nếu bàn rộng 1,2m bởi giúp trẻ sẽ dễ dàng thao tác, di chuyển và cho phép sử dụng màn hình lớn hơn.

Chiều cao bàn khoảng 50cm được khuyến nghị đối với trẻ mẫu giáo, khoảng 60cm đối với trẻ tiểu học và trên 70cm đối với những năm cuối cấp. Tuy vậy, kích thước này có thể thay đổi tùy theo chiều cao của từng học sinh. 

bàn ghế thấp cho trẻ mầm non
Bàn ghế với kích thước, chiều cao phù hợp sẽ tốt cho hệ xương của bé.

3. Đầu tư một chiếc ghế ngồi thoải mái 

Công thái học là điều cần thiết. Đối với trẻ nhỏ hơn, hãy đảm bảo rằng các số đo phù hợp với chiều cao và nhu cầu cụ thể của chúng. Chiều cao ghế từ 25-30cm được khuyến nghị đối với mẫu giáo, từ 35-40cm đối với học sinh tiểu học và trên 40cm đối với những năm cuối cấp. Chiều cao lý tưởng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào người sử dụng.

Những mẫu ghế có thể điều chỉnh độ cao tùy thích là lựa chọn lý tưởng cho phòng học ở nhà. Bởi lẽ, trẻ có thể sử dụng chúng lâu hơn và nhiều người trong nhà cũng có thể dùng được.

phòng học của trẻ với bàn đặt cạnh cửa sổ, băng ghế thư giãn ngay cạnh
Với trẻ tiểu học, bạn nên chọn ghế cao 35-40cm.

4. Bài trí không gian học tập khoa học

Khoa học đã chứng minh rằng, cách bài trí, sắp xếp phòng học phù hợp sẽ trực tiếp có lợi cho sự phát triển thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Ngoài việc kết hợp không gian lưu trữ sách và các tài liệu khác, có thể hữu ích khi kết hợp lịch với lịch học, đặt ở tầm mắt của học sinh.

Nếu trẻ chưa thể đọc và viết, nên sử dụng các ký hiệu hoặc hình ảnh. Bảng từ tính, bảng ghim hoặc bảng nút chai cũng có thể hữu ích để ghi lại và lưu ý tưởng.

Không gian học tập được bài trí khoa học và ấn tượng.
Không gian học tập được bài trí khoa học và ấn tượng.

5. Thích ứng không gian với các khu vực chung khác

Nếu phòng học tại nhà không ở trong một môi trường khép kín và độc lập (có thể ở khu vực chung, chẳng hạn như trong nhà bếp hoặc trong phòng khách), có thể sử dụng các vách ngăn để tránh nhiễu âm thanh, hình ảnh trong giờ học.

Các giải pháp di động, kính mờ hoặc rèm che linh hoạt có thể giúp trẻ thoải mái, tập trung học hơn. Trong đó, rèm cửa là một trong những lựa chọn vừa hiệu quả, vừa kính tế nhất mà bạn có thể áp dụng.

phòng bếp thoáng sáng, bàn học tròn đặt cạnh giá kệ màu trắng
Có thể sử dụng rèm che, vách ngăn nếu phòng học được tích hợp trong các khu vực chức năng khác như bếp, phòng khách.

6. Khuyến khích tính tự giác và làm chủ bản thân của trẻ

Để tài liệu học tập trong tầm với của trẻ (ví dụ trên giá/kệ thấp) để bé có thể tham khảo ngay cả trong giờ giải trí. Môi trường thoải mái và dễ chịu hơn cũng có thể được cung cấp để làm bài tập về nhà hoặc đọc sách ngoài giờ học. Có thể sử dụng túi đựng, ghế đẩu, thảm và bàn thấp.

phòng học của bé với giá kệ gắn tường
Giá kệ đựng tài liệu nên thiết kế và lắp đặt vừa tầm với của trẻ.

7. Chọn màu sắc theo sở thích của trẻ

Điều quan trọng là chọn màu sắc theo sở thích của từng đứa trẻ, khiến chúng cảm thấy vui vẻ và có động lực trong môi trường học tập ở nhà, kết hợp với các yếu tố khác liên quan đến sở thích cá nhân của chúng. Sau đây là một số màu sắc cơ bản mà các chuyên gia khuyến khích sử dụng để trang trí phòng học cho bé.

  • Màu xanh lam: Giúp bé bình tĩnh, tập trung để tăng năng suất học tập.

  • Màu xanh lá cây: Xua tan mệt mỏi, truyền cảm hứng cho trẻ.

  • Màu vàng: Sắc màu tươi vui, truyền cảm hứng cho sự lạc quan và sáng tạo.

Góc học tập với tủ và ghế màu vàng nổi bật
Sắc vàng giúp kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ.

8. Phân biệt không gian học tập với vui chơi 

"Chơi mà học, học mà chơi" được công nhận có hiệu quả đối với việc giáo dục trẻ em trong giai đoạn phát triển sớm. Tuy nhiên, ở độ tuổi tiểu học trở lên, nếu có thể, bạn nên chuyển không gian vui chơi sang một nơi khác để không ảnh hưởng tới các hoạt động học tập. Thậm chí, bạn có thể chuyển đổi hoặc điều chỉnh không gian phòng học cho các hoạt động thư giãn, vui chơi vào cuối tuần hoặc ngày lễ.

phòng vui chơi của trẻ ngập tràn màu sắc tươi vui
Nên có sự tách biệt nhất định giữa phòng học và khu vui chơi, thư giãn.

 

Lam Giang

>> 10 mẫu phòng học truyền cảm hứng dành cho trẻ tuổi teen

>> Nên đặt bàn học cho bé tuổi Giáp Ngọ 2014 ở hướng nào?

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu