SearchNews

Quy tắc thiết kế và ý tưởng sử dụng tầng áp mái hiệu quả

19/12/2018 18:33

Tầng áp mái không chỉ giúp gia chủ mở rộng không gian sinh hoạt mà còn tạo điểm nhấn độc đáo, riêng biệt cho ngôi nhà. Chính vì vậy, việc thiết kế và bài trí khu vực chức năng này ngày càng được nhiều gia đình chú trọng.

Trong phạm vi bài viết dưới đây, Dothi.net giới thiệu tới quý độc giả những quy tắc thiết kế cơ bản, ý tưởng sử dụng hiệu quả và một số lưu ý đối với tầng áp mái trong nhà ở.

Tầng áp mái là gì?

Theo quy chuẩn được Bộ Xây dựng ban hành, tầng áp mái được định nghĩa là tầng nằm bên trong không gian của mái dốc mà toàn bộ hoặc một phần mặt đứng của nó được tạo bởi bề mặt mái nghiêng hoặc mái gấp. Trong đó, tường đứng (nếu có) không cao quá mặt sàn 1,5m.

Kiến trúc châu Âu và các vùng lãnh thổ thuộc khí hậu hàn đới hoặc ôn đới từ nhiều thế kỷ trước đã rất chuộng mẫu biệt thự, nhà ở có tầng áp mái. Khoảng không gian áp mái thường được làm bằng gỗ rất hữu dụng với mái dốc giúp tuyết trôi nhanh. Trong khi đó, gian phòng dưới mái đón nhận tối đa nguồn sáng tự nhiên và khá ấm áp nên thường được sử dụng để làm phòng ngủ, góc làm việc, thư giãn...

Tầng áp mái giúp mở rộng không gian sinh hoạt
Tầng áp mái giúp mở rộng không gian sinh hoạt, nhất là tại các đô thị lớn hiện nay.

Theo thời gian, mô hình nhà ở có tầng áp mái đã lan rộng sang các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do kết cấu nhà tương đối khác, tính chất khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều cùng những hạn chế trong xử lý kỹ thuật nên tầng áp mái ít được dùng tới, nếu có cũng chỉ làm tầng kỹ thuật hoặc kho chứa đồ. Tại Việt Nam, khu vực chức năng này thường được làm bằng bê tông cốt thép, có thể xen lẫn thêm vật liệu gỗ. 

Hiện nay, xu hướng sử dụng tầng áp mái đã trở nên phổ biến, không chỉ giúp gia tăng không gian sử dụng cho những ngôi nhà mà còn tạo nên nét độc đáo về mặt kiến trúc. Do vậy, nếu sở hữu một căn nhà có tầng áp mái, bạn hãy cân nhắc bài trí nơi đây thành một không gian đa năng ấn tượng, ngập tràn ánh sáng. 

Quy tắc thiết kế tầng áp mái

Tầng áp mái thường khá chật hẹp, thiếu vuông vắn nên sẽ là bài toán khó đối với các gia chủ muốn cải tạo không gian đặc biệt này. Nếu muốn sở hữu một căn phòng tiện ích, ấn tượng trên tầng áp mái, bạn không nên bỏ qua những quy tắc thiết kế cơ bản dưới đây:

Nhất định phải có cửa sổ

Bạn hoàn toàn có thể cắt bỏ một khoảng tường mái kiên cố để bố trí cửa sổ kính chịu lực và trang trí nó theo phong cách mà mình yêu thích. Tuy nhiên, khung cửa sổ đó phải đón được tối đa ánh sáng tự nhiên, có khả năng lưu thông không khí tốt. Mặt khác, bạn cũng có thể lắp đặt cửa sổ ở bức tường bằng phẳng trên tầng áp mái và bố trí thêm rèm cửa để điều tiết ánh sáng linh hoạt cũng như đảm bảo sự riêng tư cần thiết. 

trang trí tường phòng áp mái
Ánh sáng tự nhiên vừa giúp không gian phòng trở nên thoáng rộng hơn, vừa xua tan cảm giác tù túng, chật chội vốn có của tầng áp mái.  ​

Tạo điểm nhấn cho tường

Để các bức tường trống bớt đơn điệu, nhàm chán, bạn nên trang trí bằng tranh treo nghệ thuật, sử dụng màu sắc tương phản để tạo điểm nhấn, thêm các hiệu ứng ánh sáng bắt mắt hoặc sử dụng giấy dán tường phù hợp với từng không gian chức năng. Chẳng hạn, sử dụng giấy dán tường tông màu nhẹ, họa tiết nhỏ xinh cho không gian phòng ngủ; màu trung tính như be, xám, ghi cho phòng làm việc, góc đọc sách… Tạo điểm nhấn cho tường là cách làm vô cùng đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc bài trí tầng áp mái. 

Không nên bỏ qua điểm nhấn từ mái

Thay vì che khuất phần mái hoặc cố gắng quên đi việc mình đang sống trên tầng áp mái chật chội, bạn hãy "can đảm" đối diện với thực tế và biến điểm yếu thành điểm mạnh. Phần mái của tầng này thường có nhiều cột kèo bằng bê tông hoặc gỗ tạo cảm giác bí bức, khó chịu. Bạn có thể sơn trắng các chi tiết này để tạo độ thoáng rộng hơn cho không gian hoặc sơn chúng bằng những tông màu mình yêu thích. Để khiến phần mái trở nên nổi bật và hút mắt hơn, gia chủ có thể ốp gỗ màu sáng, ốp trần trắng hoặc tăng cường thêm nhiều mảng sáng.

Tùy vào gu thẩm mỹ và khả năng tài chính, bạn có thể dán giấy, sơn hoặc thi công bằng thạch cao để tạo điểm nhấn cho mái. Tuy nhiên, bạn nên tránh chọn những tông màu quá rực rỡ, lòe loẹt bởi chúng sẽ khiến tầng áp mái thêm nhỏ chật, rối mắt.

bài trí các khu vực chức năng trên tầng áp mái
Các khu vực chắc năng trên tầng áp mái cần được bài trí gọn gàng, riêng biệt để giúp căn phòng luôn thoáng đẹp.

Phân chia không gian rành mạch

Dù sống trong căn hộ rộng rãi hay phòng áp mái chật hẹp, bạn cũng phải phân chia không gian chức năng thật rõ ràng, khoanh vùng hợp lý để giúp nội thất được sắp xếp gọn gàng. Nếu không phân vùng, phòng áp mái sẽ lộ nhược điểm góc cạnh và trở nên chật chội hơn. Bạn có thể phân tách các khu vực bằng màu sơn tường, thảm trải sàn, rèm cửa, bình phong hoặc dùng tường gỗ dạng lửng cỡ nhỏ, tường thạch cao, gờ tường nổi... 

Lưu ý là, gia chủ nên bố trí khu vực sinh hoạt chủ yếu ở không gian chính của tầng áp mái. Trong khi đó, hãy tận dụng tối đa những góc chết trong phòng để thiết kế tủ kệ lưu trữ hoặc trang trí.

Trang trí không quá cầu kỳ, phức tạp

Về vật liệu trang trí tầng áp mái, các gia đình thường sử dụng vật liệu gỗ tự nhiên mộc mạc. Tuy nhiên, bạn nên chọn loại gỗ có hệ số giãn nở nhỏ để phù hợp với điều kiện thời tiết lạnh giá trong mùa đông và nóng nực khi hè tới. Nếu muốn bài trí căn phòng theo phong cách mới lạ, bạn có thể cân nhắc tới chất liệu đá trang trí bề mặt tường nhà nhưng phải đảm bảo hài hòa với tổng thể chung. 

Về màu sắc, đặc điểm chung của hầu hết tầng áp mái là có một đầu hoặc cả hai đầu đều thấp nên các chuyên gia nội thất khuyến khích gia chủ sử dụng các tông màu nhẹ nhàng, tươi sáng như màu trắng, xanh nhạt, vàng chanh,... Những gam màu đậm như đen, cà phê sẽ tạo cảm giác buồn tẻ, bí bức cho căn phòng. 

phòng ngủ trên tầng áp mái
Cùng với ánh sáng tự nhiên, tông màu trắng tạo cảm giác rộng thoáng hơn cho phòng ngủ trên tầng áp mái.

Để giúp tầng áp mái luôn gọn gàng và quy củ, chủ nhân nên thiết kế tủ kệ lưu trữ ở các góc nhọn, góc chết trong phòng. Tủ kệ là nơi bạn cất gọn đồ đạc và bày đồ trang trí tạo điểm nhấn cho không gian. Trong khi đó, một tấm thảm trải sàn nhỏ xinh, họa tiết vui nhộn không chỉ giúp phân tách tương đối các khu vực chức năng mà còn góp phần tạo nên sức hút cho căn phòng. Mặt khác, sự hiện diện của rèm cửa làm bằng chất liệu vải, tông màu nhẹ nhàng sẽ khiến căn phòng trở nên mềm mại và duyên dáng hơn. 

Ngoài ra, việc tạo mảng xanh cho tầng áp mái cũng rất cần thiết. Một vài chậu cây có kích thước vừa phải đặt ở góc phòng hay lọ hoa nhỏ xinh trên bàn hoặc bệ cửa sổ sẽ mang đến bầu không khí tươi vui, tràn đầy sức sống cho không gian này.

Ý tưởng sử dụng tầng áp mái hiệu quả

Với những ưu điểm riêng về thiết kế, thay vì sử dụng tầng áp mái làm phòng giặt là hoặc kho chứa đồ như trước, gia chủ có thể sắp xếp và bài trí khéo léo để biến nơi đây thành không gian sinh hoạt như phòng ngủ, phòng tắm, phòng làm việc, đọc sách, giải trí, phòng thờ...  

Thậm chí, nếu diện tích đủ rộng, bạn hoàn toàn có thể thiết kế tầng áp mái thành một không gian đa năng gồm phòng khách, nơi ngủ nghỉ, phòng làm việc, bếp, nhà vệ sinh... tựa như một căn hộ thu nhỏ. Ý tưởng này đặc biệt phù hợp với những người độc thân trẻ tuổi và năng động.

phòng làm việc, đọc sách trên tầng áp mái
Thiết kế tầng áp mái thành phòng làm việc, đọc sách đang là lựa chọn của nhiều gia đình.
phòng tắm gác mái đẹp
Những chậu cảnh xanh mát mang đến sức sống tràn đầy cho phòng tắm gác mái.

Những lưu ý khi thiết kế tầng áp mái

Để có thể sở hữu một tầng áp mái như ý, gia chủ và kiến trúc sư cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi tiến hành thiết kế. Bạn không nên bỏ qua những lưu ý sau đây:

- Tiến hành cùng giai đoạn lên phương án thiết kế nhà: Gia chủ nên tránh tách biệt việc thiết kế ngôi nhà với thi công tầng áp mái mà nên thực hiện cùng lúc để tạo sự thống nhất, đồng điệu cho tổng thể kiến trúc chung.

- Xác định rõ ràng chức năng: Tầng áp mái dùng làm phòng ngủ, phòng làm việc, phòng tắm... sẽ được thiết kế và bài trí khác nhau. Do đó, trước khi thi công, bạn cần xác định rõ chức năng của căn phòng.

- Xác định kích thước phù hợp: Đây là khâu rất quan trọng bởi kích thước của tầng áp mái sẽ ảnh hưởng đến những nội dung khác như vật liệu, nội thất, chi phí hoàn thiện...

- Lựa chọn phong cách bài trí nội thất: Nếu đã xác định được phong cách bài trí cụ thể thì cả gia chủ lẫn kiến trúc sư không còn bị động trong việc lựa chọn đồ nội thất, lắp đặt và trang trí sao cho phù hợp. Căn phòng sẽ trở nên hoàn mỹ hơn khi bạn có sự chuẩn bị kỹ càng.

- Chú ý tới vấn đề lấy sáng: Tầng áp mái là nơi đón sáng tự nhiên dễ dàng nhất. Tuy nhiên, để ánh nắng mặt trời không ảnh hưởng tới người sử dụng phòng và đồ đạc, gia chủ nên tìm vị trí thích hợp để trổ cửa sổ. Đồng thời, rèm cửa cũng là chi tiết không thể thiếu để giúp chống nóng, điều tiết ánh sáng vào phòng và làm đẹp không gian sống.

thiết kế tầng áp mái làm phòng ngủ
Nếu thiết kế tầng áp mái làm phòng ngủ, gia chủ cần đặc biệt chú ý tới giải pháp chống nóng cho căn phòng.

- Cần có giải pháp chống nóng: Là khu vực trên cùng của ngôi nhà nên tầng áp mái sẽ chịu ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Người sống trong phòng sẽ rất khó chịu nếu không có hoặc hệ thống chống nóng chưa đạt yêu cầu. Dưới đây là một số giải pháp chống nóng cho tầng áp mái:

+ Sử dụng tấm trần bằng nhựa có khả năng cách nhiệt, chống thấm cao;

+ Đóng trần thạch cao, tường thạch cao kết hợp bông thủy tinh: Trần chìm gồm 1 lớp khung trần chìm, 1 lớp tấm thạch cao dày từ 9-15,8mm và lớp bông thủy tinh có bạc dày 50mm. Trần nổi gồm 1 hệ thống khung trần nổi, 1 lớp tấm thạch cao dày từ 9-15,8mm và 1 lớp bông thủy tinh có có bạc dày 50mm.

+ Sử dụng tôn chống nóng hoặc ngói Thái đều giúp giảm nhiệt cho tầng áp mái;

+ Sơn cách nhiệt: Theo các nhà sản xuất, sơn cách nhiệt có thể giúp giảm từ 35ºC, 30ºC xuống còn 20ºC. Bạn có thể kết hợp sơn chống nóng với tôn cách nhiệt và trần thạch cao cho tầng áp mái.

+ Sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa, máy làm mát không khí.

Những lưu ý về mặt phong thủy:

Nếu bạn đã thiết kế tầng áp mái thành không gian sinh hoạt cụ thể thì khó tránh khỏi những mối quan tâm về phong thủy. Bài trí căn phòng đảm bảo cả về công năng, tính thẩm mỹ và yếu tố phong thủy là bài toán khó đối với gia chủ lẫn kiến trúc sư.

Theo giới chuyên môn, "diện tường" nghiêng của tầng áp mái, chính xác hơn là mái nhà kiêm luôn phần tường có ảnh hưởng nhất định về mặt phong thủy. Nguyên khí của người ngủ, người làm việc trong phòng sẽ bị mái dốc nghiêng chèn ép. Điều này sẽ ảnh hưởng tới quá trình tái tạo năng lượng của người ngủ hoặc khả năng sáng tạo trong công việc. Mặt khác, trần nghiêng còn khiến tầm nhìn bị lệch.

Có nhiều kiêng kỵ phong thủy cho không gian trên tầng áp mái. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, một số kiêng kỵ không còn phù hợp.

Bạn có thể hóa giải điểm bất lợi này bằng cách sử dụng ánh sáng đèn hoặc gương để tạo cảm giác độ nghiêng của mái được nâng lên. Việc quét sơn cũng mang lại hiệu quả tương tự. Bên cạnh đó, chủ nhân có thể biến mái dốc thành tủ kệ lưu trữ. Nếu trổ cửa sổ mái thì phải đảm bảo cung cấp tầm nhìn thoáng rộng thay vì chỉ là một khoảnh nhỏ. Ngoài ra, bạn nên cải tạo căn phòng lớn có bức tường nghiêng thành phòng nhỏ hơn có hình dáng bình thường.

Tầng áp mái do nằm sát mái nhà nên không gian bên trong thường để lộ hệ thống dầm, xà, kèo cột. Phong thủy học cho rằng, dầm, kèo và xà nhà ở phía trên đầu sẽ khiến người sống bên dưới có cảm giác bị đè nén và chèn ép. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng tới cà sức khỏe và tinh thần của người dùng. Tuy nhiên, bạn có thể hóa giải bằng cách làm trần thạch cao, trần giả để che đi hệ thống xà, dầm, đồng thời giúp không gian phòng trở nên thoáng rộng hơn.

Có thể nói, trong bối cảnh "đất chật người đông" như hiện nay, tầng áp mái là thiết kế rất khả thi giúp các gia đình mở rộng không gian sinh hoạt, đặc biệt là ở các đô thị lớn - nơi mà diện tích sử dụng là vấn đề quan tâm hàng đầu của họ. 

Hy vọng rằng, với những kiến thức cơ bản mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ nắm được quy tắc thiết kế, ý tưởng sử dụng cùng một số lưu ý đối với tầng áp mái trong kiến trúc nhà ở hiện nay.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu