SearchNews

Thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ cần lưu ý gì?

16/07/2019 14:35

Trong kiến trúc nhà ở hiện đại, phòng vệ sinh khép kín trong phòng ngủ được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhằm tiết kiệm diện tích và tạo sự tiện lợi cho sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, để thiết kế này mang lại hiệu quả như mong đợi, đảm bảo phong thủy tốt, gia chủ nên lưu ý một số vấn đề sau đây.

Có nên thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ?

Mẫu phòng ngủ khép kín (có nhà vệ sinh, phòng tắm nằm bên trong phòng) thường được thiết kế cho nhà cao tầng, căn hộ chung cư hoặc nhà dân dụng phong cách hiện đại. Tuy nhiên, việc có nên bố trí nhà vệ sinh trong phòng ngủ luôn nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người quan niệm, phòng vệ sinh là nơi âm khí nặng nề, sản sinh ra nhiều không khí uế tạp, ảnh hưởng tới giấc ngủ, không tốt cho sức khỏe của người sống trong phòng. 

Mặt khác, nếu thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ thì trong quá trình sử dụng, hơi nước, hơi ẩm bốc lên bay ra ngoài có thể khiến đồ đạc (đệm, chăn, màn...) bị ẩm ướt, nấm mốc, không có lợi cho sức khỏe. Thế nên, gia chủ tuyệt đối tránh đặt khu vực vệ sinh trong phòng ngủ.

thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ
Mẫu thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ hiện đại, đủ rộng để đặt bồn tắm nằm. Rèm cửa dày màu tối cao sát trần giúp phân tách hai không gian chức năng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc bố trí nhà vệ sinh trong phòng ngủ mang lại nhiều tiện lợi và được ưa chuộng tại các thành phố lớn hiện nay. Cách thiết kế này có nhiều ưu điểm như sau:

- Đảm bảo tính riêng tư: Trong cuộc sống hiện đại, sự tự do, riêng tư và thoải mái của cá nhân được đề cao, nhất là đối với các gia đình trẻ, vợ chồng mới cưới. Do đó, bố trí nhà vệ sinh trong phòng ngủ là rất cần thiết.

- Sự tiện lợi: Nhà vệ sinh trong phòng ngủ giúp gia chủ giải quyết nhu cầu vệ sinh một cách nhanh chóng, an toàn nhất là với người già, người mắc các căn bệnh về thận.

- Tiết kiệm diện tích: Khi bố trí vệ sinh khép kín trong phòng ngủ, đồng nghĩa với tổng diện tích phòng sẽ lớn hơn thông thường nhưng lại không chiếm nhiều không gian nhà như trường hợp thiết kế thêm một phòng vệ sinh riêng biệt. Nhờ đó, hành lang, lối đi lại, thậm chí cả khu vực sinh hoạt chung như phòng khách, khu bếp ăn có thể sẽ rộng rãi hơn.

Tóm lại, nếu diện tích nhà đủ rộng và thực sự có nhu cầu, bạn nên thiết kế phòng ngủ có vệ sinh khép kín.

Những lưu ý khi thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ

Nhà vệ sinh nói chung, vệ sinh khép kín trong phòng ngủ nói riêng là không gian chức năng có tần suất sử dụng nhiều nhất. Do đó, việc thiết kế và bài trí phòng tắm dạng này cần được chú trọng bởi nó liên quan mật thiết tới việc cấp thoát nước, nhất là trong điều kiện diện tích có hạn. Để có một căn phòng tiện nghi, hợp phong thủy, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:

Diện tích, cấu trúc phù hợp

Bạn nên căn cứ vào tổng diện tích mặt sàn phòng ngủ để quyết định dành bao nhiêu không gian cho phòng vệ sinh. Thông thường, kích thước tối thiểu của nhà vệ sinh khoảng 2,5-3m2 với những vật dụng thiết yếu như chậu rửa mặt, bồn cầu, vòi tắm sen. Nếu WC có kích thước nhỏ hơn sẽ khiến không gian trở nên tù túng, chật chội, khó sử dụng.

phòng vệ sinh trong phòng ngủ
Sử dụng tông màu trắng chủ đạo từ sơn tường, gạch ốp lát tới thiết bị nội thất tạo cảm giác rộng thoáng hơn cho không gian phòng tắm nhỏ hẹp.

Phòng vệ sinh vừa rộng từ 4-6m2. Với diện tích này, bạn hoàn toàn bố trí được chậu rửa mặt, bồn cầu, vòi hoa sen, bồn tiểu cho nam hoặc thêm một tủ nhỏ đựng đồ. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết kế phòng tắm nhỏ tách biệt bởi vách kính cường lực hoặc bồn tắm nằm có rèm che. Phòng tắm kính có kích thước chuẩn khoảng 900x900, 1000x1000mm (hình vuông) hoặc 900x1200mm (hình chữ nhật).

Cấu trúc nhà vệ sinh khép kín gồm 3 khu vực chính là chậu rửa (lavabo), bồn cầu và khu tắm đứng. Chẳng hạn, với phòng dài 2,7m và rộng 1,4m, chia 3 khu, mỗi khu 0,9m. Tốt nhất, bạn nên tách biệt hai không gian khô, ướt bằng vách kính lửng, rèm che... để giúp phòng không bị ẩm ướt và dễ dàng vệ sinh làm sạch.

Thực tế cho thấy, nếu không được bố trí hợp lý, bồn rửa có thể gây khó khăn cho việc lưu thông trong phòng tắm. Do đó, bạn nên tận dụng không gian góc để bố trí khu tắm đứng hoặc bồn rửa mặt. 

Lưu ý, nếu phải thiết kế hai phòng vệ sinh trên cùng một tầng thì nên thiết kế chúng quay lưng với nhau để thuận tiện lắp đặt hệ thống kỹ thuật.

Độ dốc nền nghiêng từ ngoài vào trong

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng khi thiết kế nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ. Nền của nhà vệ sinh phải có độ dốc nghiêng nhẹ từ ngoài vào trong nhằm thoát nước một cách nhanh nhất, đảm bảo căn phòng luôn khô thoáng, không bị ẩm ướt, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi gây bệnh.

mẫu thiết kế phòng ngủ khép kín hiện đại
Nền nhà vệ sinh cần phải thấp hơn nền phòng ngủ là nguyên tắc quan trọng khi thiết kế phòng ngủ khép kín.

Về mặt phong thủy, nếu nền nhà vệ sinh cao hơn bên ngoài thì phòng ngủ sẽ bị nước "tưới tắm", khí xấu lan ra ngoài, không tốt cho sức khỏe của người sống trong phòng, lâu dài có thể sinh các bệnh về nội tiết. 

Trong trường hợp nền nhà vệ sinh cao hơn nền phòng ngủ, rất đơn giản, bạn chỉ cần tôn cao nền phòng ngủ lên. Để tiết kiệm hơn, bạn có thể "gọt" bớt nền nhà vệ sinh sao cho thấp hơn nền phòng ngủ là được.

Cần bố trí cửa thông gió hoặc lắp quạt thông gió

Việc thiết kế cửa thông gió hoặc quạt thông gió cho nhà vệ sinh nói chung và nhà vệ sinh trong phòng ngủ nói riêng là nguyên tắc tối quan trọng. Bởi lẽ, không gian chức năng này là nơi các thành viên gia đình tắm rửa, vệ sinh hàng ngày nên không tránh khỏi sự ẩm thấp, thậm chí là hôi hám, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Trường hợp nhà vệ sinh không được thiết kế thông thoáng thì mỗi lần bước vào phòng ngủ, bạn sẽ cảm thấy rất ngột ngạt, khó chịu và đây cũng là nguyên nhân chính tạo ra các luồng khí xấu tác động tới môi trường xung quanh.

quạt thông gió trong phòng vệ sinh
Nhà vệ sinh trong phòng ngủ nhất định phải có quạt thông gió để giúp không gian chức năng này thoáng sạch hơn.

Chính vì vậy, trong quá trình thiết kế phòng ngủ khép kín, gia chủ nên nhớ thiết kế ô thoáng cho nhà vệ sinh nhằm đẩy bớt những mùi khó chịu ra ngoài. Đồng thời, ô thông gió này còn giúp lấy sáng tự nhiên cho căn phòng, tạo cảm giác tươi mới, tràn đầy năng lượng. Cùng với đó, bạn cũng có thể lắp thêm quạt thông gió để góp phần giúp không gian này luôn được khô ráo, thoáng sạch hơn.

Chọn gạch lát nền màu sáng, có độ ma sát cao

Thông thường, việc chọn gạch lát nền nhà vệ sinh tùy thuộc vào sở thích, tính cách của gia chủ. Tuy nhiên, phòng vệ sinh được xem là nơi có nhiều khí âm nên nguyên tắc chung là chọn gạch có tông màu tươi sáng để giúp cân bằng âm dương, tạo sự hài hòa cho tổng thể ngôi nhà. Gạch ốp lát màu sáng còn tạo cảm giác thoáng rộng hơn cho phòng vệ sinh nhỏ hẹp. Gia chủ có thể chọn gạch màu trắng làm chủ đạo, tiết chế tối đa hoa văn rườm rà, không cần thiết.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, bạn cũng nên chọn gạch lát nền có độ ma sát cao thay vì gạch trơn. Lý do là, khu vực vệ sinh được sử dụng thường xuyên, dễ ẩm ướt, có thể khiến bạn bị trượt ngã, nhất là vào buổi tối. Gạch lát nền có độ ma sát cao sẽ giúp bạn khắc phục hiệu quả vấn đề này.

gạch lát nền phòng tắm
Đối với phòng vệ sinh, nhất là vệ sinh khép kín trong phòng ngủ, gia chủ cần chọn loại gạch lát nền có độ ma sát cao để chống trơn trượt.

Nên có một vài chậu cây xanh 

Sự hiện diện của một vài chậu cảnh xanh mướt trong nhà vệ sinh không chỉ tạo điểm nhấn trang trí sinh động mà còn có tác dụng hiệu quả trong việc hút ẩm, khử mùi, làm sạch không khí trong phòng. Cây xanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc hút bớt những tạp khí, khí uế tác động tiêu cực tới phong thủy phòng ngủ.

Phòng tắm thường có độ ẩm cao, ít sáng tự nhiên nên loại cây cảnh đặt tại đây cần phải đáp ứng những yêu cầu như không cần nhiều nắng, dễ chăm sóc, sức sống dẻo dai, khử mùi tốt, ít rụng lá... Theo các chuyên gia, bạn nên chọn cây có kích thước nhỏ, cây bụi khum tròn hoặc nhánh lẻ như nha đam, lưỡi hổ, vạn niên thanh, bạc hà, thủy tiên...

Gia chủ nên đặt cây trên bồn rửa tay, cạnh gương soi, kệ đồ, bậu cửa sổ, góc phòng (cây lớn). Cây xanh trong phòng tắm sẽ trở thành điểm nhấn trang trí bắt mắt hơn với hiệu ứng ánh sáng. Do đó, bạn có thể đặt cây gần đèn hoặc lắp đèn riêng cho cây. 

cây xanh trong phòng tắm
Sự có mặt của chậu cảnh xanh tốt giúp cân bằng bảng màu cho phòng tắm, đồng thời tạo điểm nhấn sinh động.

Đảm bảo nhà vệ sinh luôn gọn gàng, sạch sẽ

Đây là nguyên tắc chung và đặc biệt quan trọng đối với nhà vệ sinh khép kín trong phòng ngủ. Nếu căn phòng luôn trong tình trạng ẩm ướt, hôi hám, bừa bộn, quần áo bẩn lưu trữ lâu ngày là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Thậm chí, nơi đây sẽ trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho muỗi, gián, chuột... Và tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phòng ngủ, không tốt cho sức khỏe của chủ nhân căn phòng. 

Bạn nên dọn dẹp và làm sạch nhà vệ sinh ít nhất một tuần một lần. Tốt nhất, sau mỗi lần sử dụng bạn dành khoảng 5-7 phút làm sạch sơ những khu vực cơ bản như chậu rửa mặt, bồn cầu, khu tắm đứng. Ngoài ra, bạn cần tập thói quen đóng cửa nhà vệ sinh lại ngay sau khi bước ra ngoài để hạn chế không khí, vi khuẩn từ đây khuếch tán ra không gian phòng ngủ.

Để tiết kiệm diện tích và giúp phòng tắm luôn gọn gàng, bạn nên hạn chế tối đa việc đặt vật dụng hoặc thiết bị dưới sàn. Nếu có thể hãy treo tất cả các vật dụng lên cao. Nhà vệ sinh trong phòng ngủ thường có diện tích hạn chế, do đó bạn có thể sử dụng một tấm gương lớn để tạo cảm giác rộng rãi, thoáng sáng hơn. Vách ngăn bằng kính hoặc gỗ, một tấm bình phong, tủ rộng, bức tường thạch cao kiên cố không chỉ giúp phân tách giữa phòng vệ sinh với khu vực ngủ nghỉ mà còn gia tăng tính thẩm mỹ cho không gian. 

Một số lưu ý phong thủy

Thứ nhất, bạn không nên đặt nhà vệ sinh ở hướng Nam, Tây Nam hoặc Đông Bắc. Bởi lẽ, phòng vệ sinh là nơi có Thủy khí nặng nên nếu đặt ở 2 phương vị Thổ khí là Đông Bắc, Tây Nam sẽ khiến "Thổ khắc Thủy", ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cũng nhà tài vận của gia chủ. Phòng chức năng này cũng nên tránh đặt ở hướng Nam do đây là hướng có Hỏa khí nặng, gây xung khắc với Thủy khí của nhà vệ sinh.

Thứ hai, kỵ đặt nhà vệ sinh ở vị trí trung tâm của phòng ngủ vì vừa gây mất mỹ quan, vừa khiến toàn bộ căn phòng bị ô nhiễm khí uế, ảnh hưởng tới vận khí, sức khỏe của chủ nhân.

Thứ ba, tránh bố trí cửa phòng vệ sinh đối diện cửa phòng ngủ bởi tạp khí sẽ ảnh hưởng tới những luồng khí tốt, thậm chí ngăn chặn khí vượng vào phòng.

Thứ tư, kỵ đặt đầu giường tựa vào nhà vệ sinh, nhất là quay vào bức tường đặt bồn cầu. Nếu vi phạm cấm kỵ này, người ngủ trong phòng sẽ có cảm giác bứt rứt, dễ bị đau đầu, hoa mắt.

Thứ năm, bồn cầu nên đặt ở vị trí kín đáo, hướng chéo hoặc vuông góc với cửa nhà vệ sinh, đảm bảo sao cho khi đứng ở cửa phòng ngủ không nhìn thấy. 

Ngoài ra, bạn có thể đặt bình phong hoặc cây cảnh trước cửa nhà vệ sinh để che chắn khí uế nếu phòng ngủ đủ rộng. Đá thạch anh trong phòng tắm có thể giúp hóa giải một phần khí xấu, giúp cải thiện sức khỏe, tài lộc...

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu