SearchNews

Cách giảm thiểu tác hại của khí formaldehyde trong nhà ở

04/11/2020 06:26

Formaldehyde là một chất khí phổ biến, tồn tại trong nhà ở của chúng ta và gây bất lợi cho sức khỏe con người. Vậy làm thế nào để giảm thiểu tác hại của nó?

Khi mọi người ngày càng dành nhiều thời gian trong nhà, văn phòng và các khu vực khép kín khác, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng những không gian này an toàn, lành mạnh, đặc biệt là các khu vực trong nhà được thiết kế cho trẻ em, người già. 

Trong những năm gần đây, một số vật liệu xây dựng và thiết kế nội thất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí chúng ta hít thở hàng ngày. Chúng chứa nhiều hợp chất hóa học tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe con người, tiêu biểu như formaldehyde.

Formaldehyde là gì?

Formaldehyde (HCHO) là một hợp chất hữu cơ không màu, dễ bay hơi có công thức hóa học là H2CO. Ở điều kiện bình thường là một chất khí có mùi hăng mạnh. Chất khí này còn có khá nhiều tên khác nhau như formol, fomanđêhit, methyl aldehyde, methylene oxide, metana,…

Trong thực tiễn, fomaldehyde được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như làm thuốc bảo quản trong phòng thí nghiệm, sử dụng trong các sản phẩm gia dụng, keo, vải chống nhăn, thuốc trừ sâu, thuốc sát trùng và diệt trùng. Đặc biệt, fomaldehyde có trong các sản phẩm gỗ công nghiệp.

Tiếp xúc với khí này có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp, mắt và da. Các triệu chứng phổ biến nhất là kích ứng (ở mắt, mũi và cổ họng), chảy nước mắt, bỏng mũi, ho, co thắt phế quản, kích ứng phổi, viêm da. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ung thư.

Formaldehyde được tìm thấy ở đâu?

Formaldehyde là sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy và các quá trình tự nhiên khác. Nó có thể được tìm thấy trong các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là các sản phẩm gỗ composite cũng như vật liệu cách nhiệt.

hình ảnh cô gái đứng ở sân hiên ngập tràn cây xanh, ánh sáng, dầm gỗ lộ thiên
Để giảm thiểu tác hại của khí formaldehyde trong nhà ở, bạn nên hạn chế sử dụng các sản phẩm có hàm lượng formaldehyde cao.

Đặc biệt, trong nội thất nhà ở, nó có thể được tìm thấy trong:

  • Ở thể khí, thông qua khí thải từ các thiết bị không thông gió đốt nhiên liệu, chẳng hạn như bếp ga, củi hoặc dầu hỏa.

  • Chất kết dính, sơn, sơn mài, vải ép, một số loại sơn phủ và hoàn thiện.

  • Chất bảo quản được sử dụng trong một số loại thuốc, mỹ phẩm, các sản phẩm tẩy rửa như nước rửa bát và chất làm mềm vải.

  • Các loại phân bón và thuốc trừ sâu.

  • Khói thuốc lá. Do đó, điều cần thiết là tránh hút thuốc trong nhà.

  • Sản phẩm gỗ ép, được làm bằng chất kết dính có chứa nhựa urê-formaldehyde (UF).

  • Sản phẩm gỗ kết khối, được sử dụng dưới sàn nhà hoặc trên kệ, tủ và đồ nội thất.

  • Tấm ván ép, được sử dụng để trang trí tường, trong tủ và đồ nội thất.

  • Ván sợi hoặc MDF mật độ trung bình, được sử dụng cho mặt trước ngăn kéo, tủ và mặt bàn đồ nội thất. Những tấm ván này chứa tỷ lệ nhựa cao hơn bất kỳ sản phẩm ép UF nào khác, do đó có thể thải ra lượng formaldehyde cao hơn.

hình ảnh cận cảnh phòng ngủ trong khối gỗ ép, cạnh đó là khu vực bàn làm việc thoáng sáng
Nội thất làm từ gỗ ép với chất kết dính có chứa nhựa urê-formaldehyde (UF) không tốt
cho sức khỏe con người.

Nguy cơ của formaldehyde đối với sức khỏe con người phụ thuộc trực tiếp vào mức độ tập trung của nó trong không khí, thời gian tiếp xúc và tình trạng sức khỏe của người tiếp xúc với nó. Nồng độ trung bình thường dưới 0,1 (ppm), trong khi trên 0,3 (ppm) được coi là một lượng đáng kể. Điều này xảy ra khi các sản phẩm gỗ mới được sản xuất gần đây hoặc mới được ép, vì mức khí giảm dần theo thời gian.

 

Làm thế nào để bảo vệ ngôi nhà và không gian nội thất khỏi formaldehyde?

Gia chủ nên cân nhắc sử dụng các sản phẩm gỗ composite đã được chứng nhận hoặc các sản phẩm làm từ gỗ nguyên khối. Các chứng nhận hạn chế phát thải formaldehyde, cung cấp các lựa chọn an toàn hơn. Bạn nên sử dụng các sản phẩm gỗ làm từ nhựa phenol-formaldehyde (PF) vì chúng thải ra formaldehyde với tỷ lệ thấp hơn đáng kể so với các sản phẩm làm từ nhựa urê-formaldehyde (UF).

Ngoài ra, điều quan trọng là phải xác minh rằng các vật liệu không nên có thêm formaldehyde. Theo CARB (California Air Resources Board), phân loại NAF (No Add Formaldehyde) là một tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong việc đo lường lượng khí thải formaldehyde trong ngành.

Ban nên cân nhắc các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn bất cứ khi nào có thể. Chẳng hạn, gia chủ nên chọn đồ nội thất bằng gỗ cứng và tránh các loại vải ép, sơn phủ có chứa formaldehyde.

hình ảnh minh họa cho việc thông gió tự nhiên tối đa, thông qua khung cửa sổ kính
Thông gió tự nhiên là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu khí formaldehyde trong nhà ở.

Mức độ phát thải formaldehyde có thể tăng lên trong môi trường nóng và ẩm ướt. Do đó, việc kiểm soát các yếu tố này có thể góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu rủi ro.

Thông gió tự nhiên luôn được khuyến khích và là một giải pháp vô cùng quan trọng trong việc thiểu tác động của việc phát thải khí formaldehyde trong môi trường đóng kín.

Nếu việc thông gió tự nhiên không khả thi, giải pháp tối ưu hơn là kết hợp điều hòa không khí và máy hút ẩm. Tuy nhiên, chúng phải được làm sạch và thoát nước thường xuyên để tránh sự phát triển của nấm, ẩm mốc - những thứ cũng rất bất lợi cho chất lượng không khí trong nhà.

Việc loại bỏ khí formaldehyde trong nhà đòi hỏi nhiều công sức. Máy lọc không khí hiệu quả sẽ giúp loại bỏ formaldehyde và các chất gây ô nhiễm không khí khác, giúp cải thiện chất lượng không khí đáng kể.

Than hoạt tính dạng hạt là một tron những lựa chọn tối ưu để lọc hóa chất và mùi trong nhà ở. Than hoạt tính được làm từ các chất tự nhiên như than hoặc vỏ dừa, được xử lý bằng oxy để làm xốp. Than hoạt tính có thể hấp thụ các hóa chất, khí và mùi từ khí hoặc chất lỏng như formaldehyde. Càng có nhiều than hoạt tính, nó sẽ càng hấp thụ hiệu quả formaldehyde. 

Than hoạt tính hấp thụ tốt khí formaldehyde trong nhà ở.
Than hoạt tính hấp thụ tốt khí formaldehyde trong nhà ở.

Không chỉ là một "phụ kiện" làm đẹp nhà, tạo điểm nhấn sinh động cho không gian sống, cây xanh còn được xem là máy lọc không khí hiệu quả. Cùng với đó là những tác dụng phong thủy tốt nếu chọn cây trồng phù hợp. 

Theo nghiên cứu của NASA, nhiều loại cây trồng trong nhà giúp loại bỏ benzen, formaldehyde, tricloetylen, xylen và ammoniac có trong không khí. Cơ quan này khuyến nghị, nên có ít nhất 1 cây trồng trên mỗi 10m2 nhà ở. Thế nhưng, bạn nên căn cứ vào diện tích nhà, bố cục không gian để bài trí các loại cây xanh với số lượng hợp lý, hài hòa với tổng thể.

 

Lam Giang (TH)

 

>> 10 loại cây trồng trong nhà giúp lọc không khí hiệu quả nhất

>> 6 lý do khiến nhà bạn có mùi hôi và cách khắc phục

>> Nấu ăn và ô nhiễm không khí trong nhà

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu