SearchNews

Trồng cây cảnh phong thủy nào trong nhà để gia tăng tài lộc cho gia chủ?

23/03/2018 16:25

Cây cảnh phong thủy không chỉ giúp không gian sống, làm việc trở nên sinh động, trong lành hơn mà còn có tác dụng mang tài lộc, vượng khí cho gia chủ.

1.  Cây cảnh trong phong thủy nhà ở

Các loại cây cảnh phong thủy trồng trong nhà không chỉ làm đẹp không gian mà còn giúp thanh lọc không khí, đặc biệt là có ý nghĩa về mặt phong thủy. Tuy nhiên, bạn không thể chọn một vài cây cảnh phong thủy bất kỳ để trồng trong nhà mà phải cân nhắc kỹ lưỡng. Không phải loại cây nào cũng mang lại may mắn cho gia chủ, chẳng hạn một số loại cây có lá quá nhỏ và dài, khi mọc quá um tùm có thể khiến các thành viên trong nhà không hòa thuận, sức khỏe sa sút, tài lộc hao tổn.

Phong thủy học quan niệm, những cây trồng trong nhà phù hợp sẽ đem đến sức khỏe, sự may mắn, tài lộc và hòa thuận cho cả gia đình. Những loại cây phong thủy mà các chuyên gia phong thủy khuyên trồng gồm: Cây phát tài, cây phát lộc, lưỡi hổ, kim tiền, cây phú quý, vạn niên thanh, cây ngọc bích, cây kim ngân, phất dụ, bạch mã hoàng tử…

cây cảnh phong thủy
Cây phát lộc là một trong các lọai cây cảnh tốt cho phong thủy được nhiều gia chủ lựa chọn để trồng trong nhà. (Nguồn ảnh: Internet)

Những điều nên và không nên làm khi trồng cây phong thủy trong nhà

Để thu hút tài lộc, nhiều người chọn trồng cây phong thủy trong nhà. Tuy nhiên, nếu trồng cây không đúng cách sẽ phản tác dụng. Vậy nên đặt cây cảnh trong nhà theo phong thủy như thế nào để thu hút được vượng khí?

Bạn nên trồng cây ở cửa sổ hướng ra phía Đông để cây nhận được nhiều nắng gió, sinh trưởng tốt, tạo phong thủy tốt cho ngôi nhà. Bên cạnh đó, chủ nhân có thể trồng một vài cây ngoài nhà và đặt một số cây cảnh trong phòng khách, phòng ăn, bếp, phòng tắm… để cân bằng sinh khí.

Tốt nhất, bạn chỉ nên chọn một vài loại cây phong thủy đặt ở những vị trí khác nhau trong nhà. Mặt khác, bạn nên tìm hiểu về kĩ thuật chăm sóc, kích thước chậu cây sao cho phù hợp trước khi trồng bất cứ loại cây gì.

Để tạo sự cân đối về bố cục, thuận tiện di chuyển và không làm vướng víu tầm nhìn, bạn hãy đặt cây cảnh phong thủy tại những vị trí trống trong nhà như cuối hành lang, góc phòng ăn, phòng khách…  

Dù có thích các loại cây cảnh đến đâu, bạn cũng không nên trồng quá nhiều cây trong nhà vì nó không tốt cho hệ hô hấp.

Bạn tuyệt đối tránh trồng những cây phong thủy chứa chất kịch độc nếu trong nhà có trẻ nhỏ. Cây trúc đào, cây thầu dầu, cây trạng nguyên, hoa anh thảo…là những cây cảnh phong thủy trước nhàtuy rất đẹp nhưng không an toàn cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, bạn cũng không nên trồng cây có tán lớn, rậm rạp trước cửa nhà. Bởi nó sẽ ngăn ánh sáng tự nhiên vào cửa chính và che khuất tầm nhìn của bạn. Theo đó, tinh thần và sức khỏe của gia đình bạn sa sút. Nếu bạn trồng cây lớn trước cửa, bạn nên cắt tỉa tán lá để tạo không gian thông thoáng trước nhà.

cây cảnh phong thủy
Gia chủ nên tránh trồng cây to, tán rậm rạp trước cửa nhà. (Nguồn ảnh: Internet)

Các loại cây có lá dài nhọn cũng không được khuyến khích trồng trong nhà. Nguyên nhân là, những loại cây này dễ làm cho gia chủ vướng vào những chuyện tranh chấp, thị phi, cuộc sống không bình yên.

Đồng thời, bạn nên tránh chọn các loại cây có tính âm như cây thuộc họ quyết, họ cát đằng. Bởi lẽ, nếu chúng sống tốt thì có nghĩa là trong nhà bạn có âm khí.

Phong thủy đặt cây cảnh trong nhà:

Phòng khách:  Theo phong thủy, phòng khách là nơi thu hút tài lộc vào nhà, là nơi thích hợp với nhiều loại cây cảnh khác nhau. Tại không gian này, bạn nên trồng các loại cây may mắn như kim ngân, phú quý, phát lộc hoa, ngọc bích, kim tiền, thường xuân… Bạn không nên đặt cây chắn lối đi hoặc dưới máy lạnh. Thay vào đó, bạn hãy đặt cây trên bàn, kệ ti vi hoặc tủ kệ. Nếu trồng cây ở phòng khách, bạn nên tránh trồng ở các hướng Bắc, Đông Bắc và Tây Nam.

Phòng bếp: Trong Ngũ hành, bếp thuộc yếu tố Hỏa, không thích hợp để trồng cây. Tuy nhiên, bạn có thể trồng một số loại cây thảo mộc có mùi hương dễ chịu như lavender, hương thảo, hoa phong tử… giúp làm sạch bầu không khí vốn bị ám mùi thức ăn.

Đặc biệt, bạn nên trồng các loại cây gia vị như bạc hà, húng quế và cây cà chua nhỏ. Trồng một chậu cây phất dụ nhỏ ở hướng Đông hoặc Đông Nam có thể đem may mắn lại cho gia chủ. 

Theo các chuyên gia phong thủy, bạn nên chọn loại cây cảnh phù hợp với hướng bếp. Những cây có hoa màu hồng, màu cam phù hợp với bếp hướng Bắc. Cây có nhiều là và lá to sẽ giúp làm dịu ánh nắng của phòng bếp hướng Nam. Đối với phòng bếp hướng Tây, bạn có thể bài trí hoa thủy tiên, hoa màu vàng và hoa lan tử 3 màu trên cửa sổ. Trong khi đó, bếp hướng Đông không nên trồng cây cảnh.

cây trồng trong phòng bếp
Cây trồng trong phòng bếp giúp thanh lọc mùi dầu mỡ, thức ăn. (Nguồn ảnh: Internet)

Phòng ngủ: Xét về mặt khoa học, cây xanh trong phòng ngủ có hại cho sức khoẻ vì chúng sẽ thải khí carbonic về đêm, ảnh hưởng tới quá trình hô hấp của con người. Chính vì vậy, bạn nên tránh đặt cây trong phòng ngủ quá chật hẹp hoặc để ở ngay đầu giường. 

Nếu vẫn muốn có thêm màu xanh thiên nhiên cho không gian ngủ nghỉ, bạn hãy chọn những loại cây nhỏ, không cần tưới nước thường xuyên. Gia chủ không nên đặt cây to, xù xì, sậm màu trong phòng ngủ bởi khu vực này thuộc tính âm. Cây to sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần và thể chất của con người. 

Những loại cây mà bạn có thể trồng trong phòng ngủ gồm cây hoàng kim cát, cây văn trúc, cây lan quân tử… và các cây hút khí độc như cây lưỡi hổ, ngũ gia bì, nha đam,…

Hiện nay, việc bài trí thêm một vài cây xanh trong phòng tắm, nhà vệ sinh cũng khá phổ biến. Tuy vậy, bạn cần lưu ý rằng, những loại cây lớn, xum xuê không thích hợp với khu vực này vì dễ tạo môi trường cho vi khuẩn và muỗi sinh sản. 

2. Cây cảnh phong thủy trong phòng làm việc

Cây xanh vừa giúp không gian phòng làm việc tươi mới, thanh lọc không khí vừa mang ý nghĩa phong thủy, giúp chủ nhân thành công trong sự nghiệp. 

Nếu bạn muốn công việc thuận lợi, gặp nhiều may mắn, thăng quan tiến chức, hãy thử đặt một trong những loại cây sau trong phòng hoặc trên bàn làm việc của mình. Những loại cây cảnh phong thủy phòng làm việc gồm: Cây kim tiền, cây phú quý, cây phát lộc, cây ngọc ngân, kim ngân, cây đại phú, cây Đại Đế vương…

Theo các chuyên gia phong thủy, bạn chỉ cần đặt một cây phong thủy hợp mệnh trên bàn làm việc cũng đủ để giúp bạn “thuận buồm xuôi gió” trong công việc.

cây cảnh phong thủy trong phòng làm việc
Cây trầu bà là một trong những cây cảnh phong thủy bàn làm việc có tác dụng giúp người tuổi Ngọ giữ tài khí hiệu quả, đưa ra những quyết định sáng suốt hơn trong công việc.

Tuy nhiên, bạn không nên đặt quá nhiều cây trong không gian làm việc. Tốt nhất, bạn nên chọn những cây cảnh phong thủy để bàn như bonsai hoặc cây phát lộc. Nếu phòng làm việc rộng rãi. bạn có thể trồng cây bonsai và hòn non bộ cỡ nhỏ hoặc bể cá có cây thủy sinh để tạo cảnh giả trong phòng, giúp cân bằng trạng thái an tĩnh và sự bình yên khi làm việc.

Đối với cây phong thủy văn phòng, bạn nên chọn cây cảnh hợp tuổi. Cụ thể như sau:

Người tuổi Tý hợp với cây kim tiền, hoa tulip;

Tuổi Sửu: Cây đứa cảnh, hoa hồng;

Tuổi Dần: Ngũ gia bì, thường xuân, dương xỉ;

Tuổi Mão: Trúc phú quý, cây phát tài;

Tuổi Thìn: Tai phật, vạn niên thanh;

Tuổi Tỵ: Cỏ đồng tiền, bạch mã hoàng tử;

Tuổi Ngọ: Cây trầu bà, hồng môn đỏ;

Tuổi Mùi: Lan quân tử, ngọc bích;

Tuổi Thân: Thủy tùng, nguyệt quế;

Tuổi Dậu: Sen đá, kim ngân;

Tuổi Tuất: Cây phát tài, cây dây nhện;

Tuổi Hợi: Cây lưỡi hổ, nhất mạt hương;

Ngoài việc chọn cây để bàn làm việc theo tuổi, bạn có thể dựa vào ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ của mình để chọn ra các loại cây hợp mệnh chính xác nhất.

3. Cây cảnh phong thủy ban công

Thực tế cho thấy, ban công là nơi thông thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên nên rất thích hợp trồng các loại cây, hoa. Bạn có thể treo các loại chậu, giá để trồng hoa và cây cảnh không chỉ giúp tạo mỹ quan cho không gian sống mà còn có tác dụng nhất định về mặt phong thủy.

Theo phong thủy, cây trồng ở khu vực ban công có thể chia ra làm hai loại là sinh vượng và hóa sát.

Cây có thể thu nạp sinh vượng

Nhìn từ ban công nếu không thấy xuất hiện một hình sát nào thì có thế bài trí loại cây thu nạp sinh vượng. Cây trồng ở ban công có tác dụng thu nạp sinh vượng gồm một số loại cơ bản như: Vạn niên thanh, cây kim tiền, thiết thụ, trúc cọ, cây cao su, cây phát tài và cây dao tiền.

cây cảnh phong thủy ban công
Để cây sinh trưởng tốt, gia chủ nên trồng cây cảnh phù hợp với hướng ban công. (Ảnh: Internet)

Cây có tác dụng hóa sát 

Gia chủ nên trồng cây có tác dụng hóa sát ở ban công trong trường hợp từ ban công nhìn ra xung quanh thấy có kiến trúc hoặc sự vật tà ác như góc nhọn trực xung, đường phố trực xung, bệnh viện, đền miếu, bãi tha ma... Cây có tác dụng hoá sát thường có gai nhọn để đẩy lùi ngoại sát, bảo vệ ngôi nhà.

Một số loại cây có tác dụng hóa giải sát khí gồm: Tiên nhân chưởng (cây bàn tay tiên), cây long cốt, ngọc kì lân, hoa hồng, đỗ quyên. Nhà một tầng, không có ban công cũng có thể trồng cây hóa sát ở sân vườn, tác dụng tương tự như trồng ở ban công.

Một số lưu ý khi trồng cây phong thủy ban công:

Gia chủ có thể gặp phải một số rắc rối khi trồng cây ở ban công sai cách như chắn tầm nhìn, cản trở tài khí vào nhà. Do đó, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

Một là, trồng cây hợp với hướng ban công. Ban công hướng Nam đón được nhiều nắng gió nên thích hợp để trồng những loại cây như tía tô cảnh, hoa hồng, chuối hoa…

Ban công hướng Tây thường có nhiệt độ cao hơn, buổi chiều có nhiều nắng, thích hợp trồng cây ưa sáng, chịu nhiệt tốt như hoa hướng dương, hoa giấy, hoa mười giờ,…

Trong khi đó, ban công hướng Đông thường nhận được nhiều ánh sáng vào buổi sáng, thích hợp trồng những loại cây như cây phát tài, thiết mộc lan, trúc mây,…

Ban công hướng Bắc ít bị ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào, vì thế, bạn chỉ nên trồng những loại cây ưa bóng râm như cây nhất diệp lan, cây thường xuân, cây trầu bà...

Hai là, không nên trồng những cây quá cao hay có tán lá rộng ở ban công. Lý do là, loại cây này sẽ khiến gia đình bạn gặp nhiều phiền toái. Những loại cây thân to, tán lá rộng sẽ chắn hết ánh sáng và gió vào nhà. Chưa kể, cây có tán lá rậm rạp thường là nơi cư ngụ của côn trùng, có thể không tốt cho sức khỏe của mọi người trong gia đình.

Ngoài ra, nếu cây phát triển vươn hẳn ra ngoài, bạn cần chú ý đề phòng trường hợp gió to hoặc vô ý làm đổ, rơi chậu hoa xuống đất, có thể sẽ rơi vào người ở bên dưới.

4. Cây cảnh phong thủy sân vườn

Kinh nghiệm cho thấy, trồng cây trong sần vườn là cách đơn giản để tạo ra bầu không khí tươi mới cho không gian xung quanh nhà bạn. Điều này không chỉ góp phần cải thiện sức sống cho ngôi nhà mà còn làm tăng thêm sức khỏe và may mắn cho cả gia đình. Đồng thời, một sân vườn đẹp sẽ tôn vinh kiến trúc ngôi nhà lên một tầm cao mới trong nghệ thuật kiến trúc. 

Việc lựa chọn cây trồng hợp phong thủy là điều hết sức quan trọng. Bên cạnh tiêu chí đẹp, hợp sở thích thì gia chủ cũng cần lưu ý tới yếu tố phong thủy để tạo nên sự hài hòa, cần bằng giữa thiên nhiên và con người.

Cây cảnh phong thủy sân vườn
Cây lộc vừng trồng ở sân vườn giúp thu hút tài lộc, may mắn cho gia chủ. (Ảnh: Internet)

Lưu ý về việc lựa chọn các loại cây trồng 

Đối với sân vườn, bạn nên chọn những loại cây có thân thẳng đều, vươn cao như chuối, tre, trúc, cau, dừa… Chúng sẽ góp phần mang lại nhiều thuận lợi, may mắn về công việc cho các thành viên trong nhà.

Theo phong thủy, nếu cành lá của cây cối xung quanh sinh trưởng hướng về các phòng trong nhà là có lợi và ngược lại.
Một dãy tre trúc trồng xung quanh sân vườn cũng mang lại điềm lành cho chủ nhân. Hơn nữa, tre, trúc cũng là các loại cây dễ sống, xanh tốt quanh năm, có chức năng cải thiện môi trường, đặc biệt là giúp điều tiết về mặt phong thủy rất tốt.

Trong trường hợp bạn sở hữu sân vườn nhỏ và trung bình thì không nên trồng cây lớn lấy bóng râm bởi gia chủ dễ gặp vận suy. 
Lưu ý quan trọng là, bạn tránh trồng cây che khuất mất cả ngôi nhà, khiến ngôi nhà không nhận đủ năng lượng biểu hiện gia vận dần suy yếu. 

Cây trồng sau nhà to vừa phải, đồng thời có khoảng thích hợp với ngôi nhà và hợp với yếu tố “tọa sơn hướng thủy” trong phong thủy.  

Tại hướng Nam, bạn có thể trồng một vài cây tùng vì đây là hướng tốt để trồng cây phong thủy. Song ở hướng này, bạn không nên trồng cây quá lớn, che lấp ánh sáng mặt trời. Nếu cây tùng cao hơn nóc nhà sẽ làm cho ánh sáng mặt trời không chiếu được vào nhà, biến cát thành hung.

Hướng trồng cây

Phong thủy học cho rằng, khi trồng cây nên trồng hướng cát, tránh hướng hung. Cây cối là Mộc tinh trong khi hướng Tây Bắc là hướng Càn, do đó những nhà ở hướng Tây Bắc nên trồng cây to để bảo vệ gia chủ.

Ở nước ta, các hướng Bắc và Đông Bắc thường có khí lạnh thổi xuống (khí độc), do đó bạn nên trồng những cây chắn gió để ngăn khí độc. Bạn nên trồng các loại cây có lá màu sáng để phạn xạ thêm ánh sáng, hoặc lá dày thân chắc để ngăn gió lạnh như cây cau, cây bàng, dừa…

Các hướng Tây và Tây Bắc có nắng gắt nên trồng những loại cây có tán rộng, chịu nắng tốt, mang nhiều dương khí như cây đinh lăng, thiên thanh, hoa đào, hoa mai…

Các hướng Nam và Đông Nam có gió lành thổi tới (khí tốt) nên trồng cây thấp để đón gió.

Những kiêng kỵ về cây trồng trong vườn

Cây to chắn trước cổng nhà là điều đại kị trong phong thủy. Bởi lẽ, cây to sẽ che khuất cả ngôi nhà khiến nhà bạn không nhận đủ dương khí, gia chủ dễ gặp vận suy.

Mặt khác, trước cửa ra vào hoặc cửa sổ không nên để các cây khô héo. Đối với vườn trước nhà, nhất là vị trí trước cửa ra vào hay cửa sổ không nên trồng những cây có nhiều gai, hình dáng không đẹp… Theo phong thủy, đây là điều không phù hợp, cây cối xơ xác là điềm báo về sự suy bại của gia chủ.

Cùng với đó, bạn cũng nên tránh trồng nhiều loại cây tán rộng, cành lá rậm rạp, phá vỡ sự cân bằng âm dương của sân vườn.
Ngoài ra, những loại cây như hoa sứ, hoa đại… cũng không nên xuất hiện trong vườn nhà, chúng chỉ thích hợp ở miếu mạo, đền chùa…

Các chuyên gia phong thủy cho biết, khi trồng cây phù hợp với yêu cầu phong thủy sẽ có lợi cho sức khỏe, tài vận và sự nghiệp của con người. Mặt khác, đây cũng là một phương thức tạo cảnh quan môi trường thuần chất trong phong thủy truyền thống.

Trên đây là một số cách bố trí cây cảnh trong nhà, ban công, sân vườn, phòng làm việc theo phong thủy. Hy vọng bài viết sẽ phần nào giúp hiểu rõ hơn về phương pháp chọn cây cảnh để có được những loại cây phù hợp với phong thủy cũng như là sở thích, cá tính của mình.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu