SearchNews

Rà soát chuyển nhượng nhà ở xã hội không đúng đối tượng tại TP.HCM

20/09/2019 14:33

Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã diễn ra tình trạng chuyển nhượng các căn hộ nhà ở xã hội không đúng đối tượng. Chính quyền TP cần có giải pháp quyết liệt hơn để ngăn ngừa tình trạng này.

Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật TP.HCM mới đây, Trưởng Phòng quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), ông Nguyễn Thanh Hải cho hay: "Chúng tôi đã trình kế hoạch lên giám đốc sở. Theo đó, sắp tới sẽ kiểm tra bốn dự án nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn TP".

Rà soát chuyển nhượng nhà ở xã hội không đúng đối tượng

Việc chuyển nhượng không đúng đối tượng căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội sẽ được Phòng quản lý nhà ở và công sở, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM rà soát trong thời gian tới. Theo đó, thanh tra sẽ ra quyết định xử phạt các trường hợp chuyển nhượng nhà ở xã hội không đúng đối tượng (nếu có).

Những dự án nhà ở xã hội nằm trong danh sách kiểm tra gồm: Chung cư Felix Homes (đường Nguyễn Văn Dung, phường 6, Gò Vấp); chung cư First Home Thạnh Lộc (Thạnh Lộc, quận 12); chung cư Jamona Apartment (đường Đào Trí, quận 7) và chung cư HQC Hồ Học Lãm (An Lạc, Bình Tân).

Trong đó, HQC Hồ Học Lãm là nhà ở xã hội công tư kết hợp đầu tiên được triển khai tại TP.HCM. Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM hợp tác xây dựng dự án này cùng Công ty CP Tư vấn TMDV Địa ốc Hoàng Quân. Nhiều người dân từng đến Sở Xây dựng hồi tháng 8 để đối thoại về việc chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ tại dự án nhà ở xã hội này.

Chủ đầu tư chung cư Jamona Apartment là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land). Hàng nghìn khách hàng đã tới tham dự khai trương nhà mẫu năm 2015.

Dự án First Home Thạnh Lộc được đầu tư bởi Công ty CP Tổ chức Nhà Quốc gia NHO và Hợp tác xã Gia Phú. Trước đây, dự án được quảng cáo là khu nhà ở xã hội đầu tiên dành cho người thu nhập thấp tại TP.HCM.

Chung cư Felix Homes là dự án nhà ở xã hội của Tổng Công ty Xây dựng số 1. Tại Gò Vấp, đây là một trong những dự án nhà ở xã hội đầu tiên mở bán rộng rãi cho các đối tượng được ưu đãi mua loại hình nhà ở này.

kiểm tra chuyển nhượng dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM
Thời gian tới, TP.HCM sẽ kiểm tra việc chuyển nhượng tại các dự án nhà ở xã hội trên toàn địa bàn TP. (Ảnh: HTD)

Mở rộng kiểm tra trên toàn TP.HCM

Trưởng Phòng quản lý nhà và công sở cho biết, ngoài 4 chung cư nêu trên, phòng sẽ trình lãnh đạo Sở Xây dựng kế hoạch kiểm tra tất cả các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, đã có 7.974 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn TP được hoàn thành từ năm 2016 tới nay. Hiện tại, có 6 dự án nhà ở xã hội chuẩn bị khởi công, dự kiến cung ứng 2.216 căn hộ; 11 dự án quy mô 10.191 căn hộ đang được thi công xây dựng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Son Viet Property JSC (SVP), ông Nguyễn Hoàng Việt nhận định, nhà ở xã hội là loại hình nhà ở do cơ quan nhà nước sở hữu, cung ứng nhà ở giá rẻ cho một số đối tượng được ưu tiên gồm người thu nhập thấp, công chức Nhà nước chưa có nhà ở ổn định... Nhà ở xã hội vì thế sẽ được bán rẻ hơn so với mức giá trên thị trường.

Theo ông Việt: "Việc lách luật để được mua nhà ở xã hội có xảy ra trên thực tế bằng nhiều hình thức. Ngoài ra còn có việc chủ nhà chuyển nhượng trước thời điểm được phép chuyển nhượng (năm năm kể từ khi thanh toán đủ 100% giá trị nhà) cũng xảy ra. Các giao dịch thường phải dùng giấy tay. Không khó để tìm thấy các thông tin mua bán chuyển nhượng kiểu như vậy chia sẻ trên các website và diễn đàn nhà đất. Đây là việc làm không đúng quy định".

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với quan điểm trên và cho biết, hình thức trục lợi từ nhà ở xã hội, qua mắt cơ quan chức năng phổ biến hiện nay là đôi bên thỏa thuận mua bán, lập hợp đồng ủy quyền hoặc lập di chúc cho người mua... Hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi việc mua bán nhà giấy tay thường dễ dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp, không đảm bảo chuyển nhượng khi ra tòa.

Với việc mua bán nhà ở xã hội sai đối tượng, rủi ro không chỉ thuộc về phía người mua mà bên bán cũng dễ bị phạt tiền, bị thu hồi căn hộ đã mua. Tuy biết việc mua bán, chuyển nhượng nhà ở xã hội như vậy là sai nhưng nhiều người vẫn cố tình thực hiện. Lý do là, nhu cầu nhà ở giá rẻ trên thị trường luôn ở mức cao trong khi người đủ tiêu chuẩn mua có thể không cần loại hình nhà ở này.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong những năm 2016-2020 có khoảng 81.000 cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu thuê mua, thuê, mua nhà ở xã hội. Phần lớn các đối tượng được khảo sát đều có nhu cầu thuê mua (mua nhà trả góp dài hạn).

Lãnh đạo HoREA phân tích: "Nhà ở xã hội bán hoặc cho thuê mua thì nguồn cung quá ít, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội, nhất là tại các đô thị lớn. Để giải quyết vấn đề nguồn cung, cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội và phát triển loại căn hộ vừa túi tiền để thu hút thêm các nhà đầu tư cho mô hình này".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu