SearchNews

Bất động sản Tp.HCM: Giá nhà đất ở tăng hơn 100% sau 5 năm

11/01/2018 09:30

Theo Báo cáo nghiên cứu toàn cảnh thị trường BĐS Tp.HCM năm 2017 của Công ty DKRA Việt Nam, biên độ tăng giá nhà ở tại Tp.HCM ghi nhận mức cao nhất cả nước. Trong đó, biên độ tăng giá mạnh nhất thuộc về khu Đông với mức 130-170%.

Cũng theo báo cáo, chu kỳ thiết lập mặt bằng giá mới của thị trường này so với các tỉnh thành khác là ngắn hơn. Song, biên độ tăng giá giữa các khu vực cũng như giữa các phân khúc tại thị trường này không có sự đồng đều. Biên độ tăng càng cao nếu giá khởi điểm nằm ở mức thấp và ngược lại.

Đáng chú ý trong đó, có nhiều ý kiến lo lắng về sự dư thừa nguồn cung căn hộ, nhưng thị trường này trên thực tế lại luôn giữ được sự ổn định với sự tăng giá bán đều qua các năm. Nhất là căn hộ hạng B và C, vốn là phân khúc phù hợp với thu nhập của đa số các gia đình sinh sống trên địa bàn Tp.HCM.

 căn hộ tại Tp.HCM
Trong 5 năm qua, giá bán căn hộ tại Tp.HCM tăng gần gấp đôi. Nguồn: DKRA.

Trong vòng 5 năm qua (2012-2017), biên độ tăng giá trung bình của căn hộ ghi nhận khá mạnh. Trong đó, tỷ lệ tăng nhanh nhất thuộc về phân khúc hạng B với mức khoảng 67%, tiếp đến là phân khúc hạng C với 54%, hạng A ở mức khoảng 45%, theo khảo sát của DKRA.

Cụ thể, trong năm 2012 mức giá trung bình của phân khúc căn hộ hạng C là khoảng 13 triệu/m2, hạng B nằm trong khoảng 18-20 triệu/m2, hạng A khoảng 33 triệu/m2 thì đến năm 2017, giá bán đã tăng ở tất cả các hạng với mức lần lượt là 18-20 triệu/m2; 27-30 triệu/m2; khoảng 55 triệu/m2.

Đất nền được ghi nhận là loại hình bất động sản có biên độ tăng giá cao nhất. Trong đó, Thủ Đức là khu vực tăng cao nhất với mức 170%, tiếp đến là quận 9 với mức 130%, vị trí thứ ba thuộc về quận 7 với mức tăng khoảng 50%.

Sự khan hiếm về quỹ đất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tăng giá cao. Thêm vào đó, mức thu nhập trung bình gia tăng, đối tượng mua có sự trẻ hóa, chính sách bán hàng linh hoạt cũng là những yếu tố tạo sự tác động lớn đến tâm lý cũng như tính thanh khoản của thị trường, từ đó, kích thích giá bán tăng.

đất nền tp.HCM
Biên độ tăng giá đất nền trong vòng 5 năm qua rộng hơn so với giá căn hộ. Nguồn: DKRA

Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, sở dĩ giá đất nền tăng mạnh trong thời gian qua là vì phân khúc vốn mang tính ổn định và bền vững, phù hợp với tâm lý chung của đại đa số người Việt. Trước tình trạng khan hiếm về quỹ đất, lượng khách hàng tìm kiếm sản phẩm này ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, biên độ tăng giá không đồng đều giữa các khu vực, nguyên nhân là do còn phụ thuộc yếu tố phát triển hạ tầng giao thông. Khu Đông, nơi có hạ tầng giao thông phát triển mạnh nhất trong 3 năm qua được ghi nhận có biên độ tăng giá mạnh nhất với mức khoảng 130-170%. Đất nền tại khu vực Phước Long (quận 9) hiện nay đang ở mức giá phổ biến là 27-35 triệu đồng/m2. Dự đoán, khu Đông vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường trong năm 2018.

Ở khu Nam, nhất là phường Tân Thuận Đông (quận 7), biên độ tăng giá rơi vào khoảng 50%, giá đất trung bình là 42-55 triệu/m2.

Theo dự báo của DKRA, trong năm 2018, nguồn cung căn hộ có thể đạt được từ 45.000-50.000 căn, lượng tiêu thụ đạt khoảng 35.000-40.000 căn. Phân khúc hạng B và hạng C tiếp tục dẫn dắt thị trường.

Nguồn cung của phân khúc nhà phố, biệt thự trong năm 2015 được dự đoán sẽ duy trì ổn định với mức 3.000-4.000 căn.

Bất động sản trong năm 2018 vẫn sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, song, sẽ có sự phân hóa và chọn lựa kỹ càng hơn theo nhu cầu cũng như năng lực tài chính của từng đơn vị. Vì thế mà lượng tiêu thụ khó có thể giữ được mức tăng giá như năm vừa qua, nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu