SearchNews

Các nước Đông Nam Á đang áp dụng thuế nhà đất ra sao?

19/04/2018 08:42

Dự thảo về Thuế tài sản được Bộ Tài chính đưa ra gây tranh cãi trong dư luận. Hãy cùng dạo quanh một vòng xem các quốc gia hàng xóm Đông Nam Á đánh thuế nhà đất ra sao.

Thái Lan

Thái Lan đang vận hành sắc thuế tài sản nhưng đất nước này không tách riêng đất và nhà khi đánh thuế. Các đối tượng chịu thuế là đất và nhà để ở hoặc sử dụng vào mục đich thương mại khác do các cá nhân, tổ chức sử dụng. Tùy vào vị trí và mục đích sử dụng mà thuế suất có sự khác nhau:

- Thuế suất dưới 0,05% đối với nhà đất ở nông thôn;

- Thuế suất 0,1% đối với nhà đất ở thành thị;

- Thuế suất dưới 0,5% đối với nhà đất được sử dụng cho mục đích thương mại;

- Thuế suất 1% đối với đất bỏ hoang, không sử dụng.

đánh thuế nhà đất
Thủ đô Bangkok của Thái Lan

Mức giá nhà đất để tính thuế do cơ quan thẩm quyền ở địa phương xác định và được công bố 3 năm/lần. Mức thuế phải nộp được tính bằng giá trị nhà đất nhân với thuế suất quy định. Tại Thái Lan, nhà của vua, của chính quyền và các công trình công cộng đều được miễn thuế nhà đất.

Indonesia

Sắc thuế đánh vào nhà ở, đất ở đặc trưng nhất tại Indonesia là thuế bất động sản và thường được gọi là thuế nhà, đất. Tại Indonesia, sắc thuế này đã được áp dụng từ lâu. Cách tính thuế bất động sản dựa trên giá trị thị trường vốn đối với các công trình đất đai, công trình xây dựng, trừ bất động sản có giá trị nhỏ hơn 7 triệu Rupiah (11.580.000 đồng) và thuộc nhóm đối tượng được miễn thuế theo quy định.

Tại Indonesia, mức thuế suất được áp dụng chung một mức là 0,5% đối với đất và công trình xây dựng, nhưng chỉ tính thuế trên 20% giá trị đất và công trình xây dựng theo giá thị trường. Đối với công trình xây dựng, giá tính thuế dựa vào đơn giá xây dựng trung bình trên thị trường, tùy thuộc vào kết cấu công trình, hệ thống điện nước và trang bị nội thất. Trong khi với đất ở, giá tính thuế được xác định theo giá thị trường, phụ thuộc vào vị trí đất.

Số thuế nhà đất thu được sẽ được phân bổ cho các cấp ngân sách theo tỷ lệ: Cấp huyện 64,8%, cấp tỉnh 16,2%, cấp trung ương 10% và 9% để bù đắp chi phí thu thuế.

Malaysia

Malaysia chia thuế đất và thuế nhà ở riêng. Ở mỗi tiểu bang khác nhau, tiền nộp thuế và cách phân loại sẽ không giống nhau. Thậm chí, trong cùng một tiểu bang, cách tính thuế và phân loại tài sản cũng có sự khác nhau. Thuế đất ở được thu một lần mỗi năm và có sự thay đổi theo từng tiểu bang.

Lào

Khi tính thuế đất, Cục thuế Lào có cách phân chia chi tiết tùy vào vị trí, mục đích sử dụng để tính mức thuế phải đóng trên mỗi m2. Thuế đất thay đổi hàng năm nhưng vẫn ở mức rất thấp. 

Với thuế tài sản trên đất như nhà ở hay các cơ sở hạ tầng, mức thuế giá trị lợi tức gia tăng dao động ở khoảng 0-24% tùy thuộc vào mục đich sử dụng như từ thiện, cư trú hay kinh doanh.

Campuchia

Tại Campuchia, thuế suất 0,1% được áp dụng cho nhà ở, cao ốc, các công trình xây dựng. Hội đồng đánh giá tài sản nhà đất thuộc Cục thuế sẽ quyết định giá trị của công trình. Hàng năm vào quý I, Cục thuế sẽ thông báo tiền thuế phải nộp đến người dân. Được biết, từ năm 2010, Campuchia đã áp dụng chính sách này. Bên cạnh đó, thủ tục chuyển đổi bất động sản tại Campuchia cũng rất dễ dàng.

Brunei

Không giống như các quốc gia khác, Brunei chỉ đánh thuế nhà nhưng không đánh thuế đất. Thuế suất tại quốc gia này là 12%.

Philippines

Tại Philippines, các đối tượng chịu thuế gồm đất ở, đất xây dựng công trình, nhà kinh doanh, nhà ở. Thuế suất tại Thủ đô Manila là 2% và tại các tỉnh khác là 1%.

Singapore

Các bất động sản nhà ở có mức giá dưới 8.000 USD tại Singapore có thuế suất bất động sản là 0%, chủ yếu là những căn hộ có 1 và 2 phòng ngủ. Thuế suất tài sản dao động từ 4-16% tính trên giá trị nhà, đất vượt ngưỡng, trong đó nhà công nghiệp, nhà thương mại là 10%. Thuế bất động sản đối với nhà bỏ trống là 10-20%.

Tại nhiều quốc gia, nhằm tránh tình trạng đầu cơ bất động sản, việc đánh thuế tập trung từ căn nhà thứ hai trở đi hoặc áp dụng đối với những tài sản nhà ở không có chủ sở hữu.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu