SearchNews

Hà Nội: Nhà cao tầng, chung cư chịu được động đất cấp mấy?

26/11/2019 08:09

TP. Hà Nội liên tiếp chịu dư chấn rung lắc khá mạnh từ ba trận động đất trong một tuần gần đây. Vấn đề đặt ra là, khi liên tục có động đất, mức độ an toàn của cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng, chung cư như thế nào?

Nhà cao tầng, chung cư Hà Nội chịu được động đất cấp 7, cấp 8

Liên quan tới vấn đề nêu trên, phóng viên Báo Lao động vừa có cuộc phỏng vấn với nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình thuộc Bộ Xây dựng, ông Trần Chủng.

Theo vị này, Nhà nước hiện đã ban hành quy chuẩn về xây dựng. Vấn đề liên quan đến động đất đã được tính toán trong đó.

Hình ảnh PGS.TS Trần Chủng trả lời phỏng vấn của phóng viên về mức độ chống chịu động đất của nhà cao tầng, chung cư Hà Nội
PGS.TS Trần Chủng cho biết, các tòa nhà cao tầng, chung cư Hà Nội chịu được động đất cấp 7, cấp 8. (Ảnh: VGP/Phan Trang)

Với lượng nhà cao tầng, chung cư, công trình xây dựng dày đặc như hiện nay, Hà Nội đã được khoanh vùng chi tiết về khả năng xảy ra động đất của từng quận, từng vùng, từng phường. Để có được khả năng kháng chấn tốt nhất có thể, từng công trình tọa lạc trên các vùng động đất khác nhau được tính toán, thiết kế đúng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn của Bộ Xây dựng.

Ông Trần Chủng cho hay: "Theo bảng phân vùng về động đất của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Vì vậy tất cả các công trình nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội  đều phải có thiết kế đủ tiêu chuẩn được tính toán chống chịu động đất tới cấp 7 và có thể kiểm soát động đất lên tới cấp 8. Về mặt luật pháp đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định".

Theo nhận định của nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình, Việt Nam có thể sẽ không xảy ra những trận động đất mạnh như ở Indonesia hay Nhật Bản. Bởi lẽ, Việt Nam không thuộc vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương.

Nhà tập thể, chung cư cũ tiềm ẩn nguy hiểm

Cũng theo ông Chủng, những tòa nhà hiện đại, được xây dựng mới hoàn toàn có năng chống chịu các trận động đất. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm đến những khu cung cư cũ, tòa nhà thấp tầng cũ được xây dựng từ lâu như Thành Công, Giảng Võ, Kim Liên...

Ông Chủng khẳng định rằng: "Động đất thì không "tha" tòa cao hay thấp tầng".

Nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình cho biết: "Hiện nay theo quan điểm kháng chấn hiện đại, chúng ta đã tính toán để khi có động đất, nhà có thể xuất hiện nứt nhưng không bao giờ có thể sập được. Với các chung cư xây mới sau này, chỉ có thể xảy ra hiện tượng đồ đạc trong nhà như đèn treo, quạt trần rung lắc trong tầm kiểm soát nhằm phục vụ mục đích cao cả nhất là để không có thiệt hại về sinh mạng con người".

Trong trường hợp động đất xảy ra, người dân không nên hốt hoảng mà cần phải hết sức bình tĩnh, tìm nơi ẩn nấp an toàn, chờ đến khi hết rung lắc mới di chuyển ra khỏi tòa nhà. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng công trình trong việc chống chịu động đất. Để tránh các vật rơi như bình hoa, đèn, phụ kiện trang trí... chúng ta có thể ẩn nấp dưới gầm bàn.

Vào ngày 25/11 vừa qua, Thủ đô Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phía Bắc liên tiếp chịu dư chấn từ 2 trận động đất ở Cao Bằng. Trước đó, trận động đất lớn tại tỉnh Xayaburi (Lào) vào sáng 21/11 đã gây ra hiện tượng rung lắc tại một số chung cư khu vực nội thành Hà Nội.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu