SearchNews

Những lưu ý không thể bỏ qua khi thiết kế mái nhà

28/12/2018 08:06

Không chỉ có chức năng bảo vệ đơn thuần, mái nhà còn góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ tổng thể của công trình và ảnh hưởng nhất định tới phong thủy của ngôi nhà. Để phần mái có thể làm tròn vai trò, chức năng đó, gia không nên bỏ qua những lưu ý quan trọng khi thiết kế.

Trong phạm vi bài viết này, Dothi.net giới thiệu tới bạn đọc một số giải pháp cách nhiệt, chống thấm cùng một số lưu ý về mặt phong thủy đối với mái nhà.

Giải pháp cách nhiệt cho mái nhà

Chọn vật liệu lợp mái phù hợp

Cách nhiệt cho mái tức là giảm thiểu lượng nhiệt lưu lại phía trên, dưới mái. Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên gia chủ cần quan tâm tới khả năng cách nhiệt, phản chiếu năng lượng mặt trời của vật liệu làm mái. Bạn có thể chọn một trong những vật liệu sau đây:

- Ngói đất nung, đất sét: Những loại ngói làm bằng đất sét thường có màu sáng, không giữ nhiệt. Được sản xuất theo công nghệ hiện đại, ngói đất nung và đất sét đều có khả năng phản xạ nhiệt, làm mát nhà rất tốt. Ngói được đúc dạng chữ S tạo thành vòm lồng vào nhau giúp thoát nước nhanh, lưu thông không khí đều đặn.

- Ngói đá đen: Loại ngói này có độ bền cao, ít phải bảo dưỡng, đặc biệt là có tính phản xạ nhiệt tự nhiên, giúp giảm lượng nhiệt hấp thụ vào bên trong nhà. Tuy nhiên, nhược điểm của ngói đá đen là trọng lượng lớn và chi phí cao.

ngói đá đen làm mái nhà
Ngói đá đen là một trong những vật liệu làm mái nhà có khả năng cách nhiệt cao.

- Ngói bê tông phẳng màu trắng: Đây là loại ngói thuộc nhóm vật liệu có độ bền cao, phản xạ tới 77% ánh sáng mặt trời, thích hợp để lợp mái nhà vùng khí hậu nóng. 

- Mái nhà kim loại trắng: Tấm lợp kim loại màu trắng có khả năng phản xạ 66% năng lượng mặt trời. So với các loại vật liệu làm mái khác, tấm lợp này lạnh nhanh hơn vào ban đêm, giữ nhiệt trong thời gian ngắn. Kim loại dùng làm mái nhà thường là nhôm, thép, có thể pha thêm đồng và được áp dụng công nghệ chống ăn mòn. Tuy nhiên, chi phí cho mái nhà lợp kim loại thường cao hơn 20-30% so với mái truyền thống.

- Mái nhà có hệ thống quang điện hoặc tấm pin mặt trời: Kiểu mái này giúp chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng. Kích thước và hình dạng của các tấm pin tương tự ván lợp truyền thống nên không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của ngôi nhà.

Sử dụng sơn chống nóng cho mái nhà

Thị trường hiện có nhiều loại sơn giúp giảm nhiệt hấp thụ của mái từ 5-10 độ C. Việc thi công cũng không quá phức tạp nên gia chủ có thể thuê thợ hoặc tự làm. Trước khi quét 2 lớp sơn chống nóng, bạn cần làm sạch bề mặt mái tôn và quét một lớp sơn chống gỉ.

sơn chống nóng cho mái nhà
Sơn chống nóng giúp giảm lượng nhiệt hấp thụ của mái nhà, đặc biệt là mái tôn.

Sử dụng tấm lợp cách nhiệt

Tấm lợp sinh thái hiện được nhiều gia đình lựa chọn dù chi phí khá cao. Về hình thức, tấm lợp này giống với mái tôn truyền thống song nhẹ hơn, ít bị rêu mốc, thấm nước, gỉ sét và có khả năng chống ồn, cách nhiệt tốt. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn lợp mái tôn thì có thể sử dụng thêm tấm lợp cách nhiệt giữa lớp trần giả và tôn. 

Để tiết kiệm chi phí, thời điểm thích hợp nhất để thi công tấm lợp cách nhiệt là khi ngôi nhà chưa được đưa vào sử dụng. Trường hợp nhà bạn đã đi vào sử dụng thì kinh phí sẽ cao hơn và mất thêm thời gian vệ sinh, dọn dẹp.

Làm trần nhựa hoặc trần thạch cao

Nếu không muốn phun sơn chống nóng hoặc sử dụng tấm lợp cách nhiệt, gia chủ có thể chọn giải pháp làm trần thạch cao hoặc trần nhựa. Để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và phát huy tối đa tác dụng, bạn nên thi công trần thạch cao ngay khi xây nhà. Lưu ý là, để nâng cao khả năng chống nóng, bạn nên làm trần thạch cao hai lớp hoặc trần nhựa có xốp.

Thiết kế hệ thống phun nước làm mát trên mái nhà

Hệ thống phun nước trên mái nhà (nhất là nhà mái tôn) được xem là giải pháp chống nóng đơn giản, tiết kiệm, an toàn và thân thiện với môi trường. Dòng nước sẽ giúp giảm đáng kể lượng nhiệt hấp thụ trên mái, mang đến bầu không khí mát mẻ, xua tan cảm giác ngột ngạt, khó chịu trong mùa hè oi nóng. 

Hệ thống phun nước trên mái nhà
Hệ thống phun nước trên mái nhà là giải pháp chống nóng đơn giản và an toàn.

Trồng cây trên mái nhà

Bạn có thể thiết kế một khu vườn nhỏ xanh mát trên nhà mái bằng hoặc trồng các loại cây thân leo bao phủ mái tôn. Đây là giải pháp giảm nhiệt cho mái nhà tự nhiên, thân thiện với môi trường nhất, đồng thời giúp gia tăng tính thẩm mỹ cho ngoại thất công trình.

Giải pháp chống thấm cho mái nhà

Mái nhà bị thấm dột không chỉ ảnh hưởng tới độ an toàn của công trình, quá trình sinh hoạt của gia đình mà còn gây mất thẩm mỹ. Gia chủ nên có giải pháp chống thấm cho phần mái ngay từ khi xây nhà để đạt hiệu quả cao nhất. Sau đây là một số phương pháp chống thấm cho các kiểu mái nhà phổ biến hiện nay.

Chống thấm cho mái bê tông 

- Sử dụng màng chống thấm: Hiện có nhiều loại màng chống thấm như màng dán lạnh, màng khò nóng có độ bền cao, khả năng chống thấm rất tốt để bạn lựa chọn và an tâm sử dụng.

- Vật liệu phun hoặc quét tạo màng: Bạn có thể phun/quét vật liệu dạng lỏng này lên mái bê tông để tạo thành lớp màng bảo vệ phần mái khỏi các điều kiện thời tiết gây thấm dột. 

- Sử dụng phụ gia chống thấm: Nhằm tăng khả năng chống thấm cho mái bê tông, bạn dùng phụ gia này trộn cùng vật liệu xây dựng, tạo độ bền vững cho kết cấu công trình.

- Hóa chất chống thấm phun/quét thẩm thấu gốc xi măng: Cách chống thấm này tuy dễ thi công nhưng nhược điểm là khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ khiến độ bền và khả năng chống thấm giảm sút.

chống thấm cho mái bê tông
Để chống thấm cho mái bê tông, gia chủ có thể sử dụng màng chống thấm, vật liệu phun/quét tạo màng hoặc phụ gia chống thấm.

Chống thấm cho mái ngói hoặc mái tôn

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng thấm dột của mái ngói, mái tôn trong mùa mưa là do ngói bị vỡ, thấm nước ở dấu đinh đóng hoặc tại các điểm mối nối. Do đó, để chống thấm cho mái ngói, gia chủ cần chỉnh lại mái ngói; sử dụng hỗn hợp cát, xi măng, phụ gia chống thấm trét một lớp dày lên bề mặt bị thấm dột.

Với mái tôn, bạn hãy dùng vít đinh đóng chặt vào để ngăn nước thấm vào bên dưới. Để chống thấm hiệu quả hơn, chủ nhà có thể kết hợp cùng sơn chống thấm sơn lên chỗ đinh vít. 

Chống thấm đối với mái bằng

Thực tế cho thấy, mái bằng ít bị thấm dột hơn so với các loại mái nhà khác. Nguyên nhân thấm dột là do vật liệu làm mái có những lỗ nhỏ li ti mắt thường không nhìn thấy được, sau một thời gian dưới tác động của điều kiện thời tiết khiến các lỗ này phình to và thấm nước. Để khắc phục, gia chủ có thể sử dụng sơn chống thấm sơn lên vị trí bị thấm dột hoặc dùng màng khò nóng dày 3mm dán ven lên chân tường 15-20cm.

Đối với các trường hợp trên, nếu bạn không thể tự khắc phục được hoặc muốn đạt hiệu quả tốt nhất, hãy nhờ đến các đơn vị chống thấm chuyên nghiệp.

Thu sét trên mái nhà

"Triệt lôi" là giải pháp thu sét trên mái theo dây dẫn nối với cọc tiếp đất. Bạn cần lưu ý tới vấn đề này, đặc biệt là khi xây nhà ở khu vực mới quy hoạch còn trống trải hoặc nhà cao hơn so với các công trình xung quanh. Gia chủ có thể tự thiết kế cọc thu sét trên mái hoặc nhờ chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, để có quyết định phù hợp, bạn nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực chống sét. 

thu sét trên mái nhà
Giải pháp thu sét trên mái nhà ở khu vực mới quy hoạch còn trống trải hoặc nhà cao hơn so với các công trình xung quanh là vấn đề rất quan trọng.

Một số lưu ý về phong thủy

Những kiêng kỵ liên quan tới việc làm mái nhà theo quan niệm phong thủy hiện vẫn được cả gia chủ lẫn kiến trúc sư quan tâm và vận dụng. Về cơ bản, bạn cần lưu ý một số điều sau đây khi thiết kế phần mái.

Theo quy tắc "nhất góc ao, nhì đao đình", khi thiết kế mái nhà, gia chủ cần tránh các góc ao và góc cạnh của mái đình, miếu hướng chính diện vào nhà. Bởi lẽ, khi nhà bạn mở cửa ra hướng góc mái sẽ rất dễ xảy va chạm khi di chuyển và gió lùa từ cạnh tường, cạnh mái thổi vào ngôi nhà. Nếu nhà bạn mở cửa chính diện với góc mái hoặc góc mái chĩa vào nhà sẽ tạo cảm giác bất an, không tốt cho phong thủy toàn bộ ngôi nhà.

Màu sắc của mái nhà nên hợp với bản mệnh của gia chủ. Chẳng hạn, mái tôn màu ánh bạc (thuộc hành Kim) là lựa chọn phù hợp với người mệnh Kim. Chủ nhân mệnh Hỏa có thể chọn tôn lợp màu đỏ (thuộc hành Hỏa). Bạn cũng có thể căn cứ vào nguyên lý tương sinh - tương khắc trong Ngũ hành để chọn màu cho phần mái. Ví dụ, mái màu xanh lục sẽ hợp với người mệnh Hỏa vì gam màu này thuộc Mộc (Mộc sinh Hỏa), kỵ màu ánh bạc (Hỏa khắc Kim)...

Với những lưu ý quan trọng khi thiết kế mái nhà mà Dothi.net chia sẻ trên đây, hy vọng rằng bạn đọc sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về phần mái, từ đó có những điều chỉnh phù hợp đối với ngôi nhà của mình.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu