SearchNews

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì chung cư

11/10/2018 08:08

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện cưỡng chế thu hồi quỹ bảo trì chung cư. Đồng thời, đối với các ban quản trị sử dụng không đúng quy định khoản tiền này cũng cần được xử lý nghiêm.

Mới đây, Thủ tướng đã có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác sử dụng, vận hành, quản lý nhà chung cư. Theo đó, Chính phủ chỉ rõ một số bất cập trong việc quản lý nhà chung cư như vấn đề phòng cháy chữa cháy, những khiếu kiện, tranh chấp liên quan tới ban quản trị, hội nghị nhà chung cư, chọn đơn vị quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, tính diện tích chung, riêng... 

cưỡng chế thu hồi phí bảo trì chung cư
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì chung cư. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Liên quan đến tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND các tỉnh, thành tổ chức cưỡng chế thu hồi quỹ. Mặt khác, đối với những thành viên Ban quản trị sử dụng không đúng quy định khoản tiền này cũng cần phải xử lý nghiêm. Trong một báo cáo gửi Chính phủ trước đây, Bộ Xây dựng cho biết có 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, đặc biệt có đến 36% (hơn 108 dự án) tranh chấp liên quan đến phí bảo trì. Thời gian qua, những tranh chấp này diễn ra dai dẳng và khó giải quyết, nhất là đối với những dự án chung cư đã bàn giao nhiều năm và đang trong tình trạng xuống cấp.

Về việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy nhà chung cư, Bộ Công an được giao trách nhiệm tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những vi phạm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan này công khai danh mục các dự án chung cư không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, không đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ phối hợp, chủ trì với các Bộ, ngành thực hiện rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của chủ sử dụng, chủ sở hữu chung cư, doanh nghiệp quản lý vận hành, ban quản trị, chủ đầu tư. Đặc biệt, đối với các cá nhân, tổ chức có liên quan cần có chế tài xử phạt thích hợp. 

Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định về phần diện tích thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng.

Tại Hà Nội, từ đầu năm ngoái, tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng từ phân khúc nhà giá rẻ đến cao cấp. Bên cạnh những tranh chấp thường gặp như bầu ban quản trị, bàn giao không đúng tiến độ, diện tích chung - riêng, phí bảo trì, phí dịch vụ, cách tính diện tích căn hộ, làm sổ đỏ, cơi nới trái phép... còn nảy sinh thêm các vấn đề như lựa chọn đơn vị vận hành, quản lý...

Được biết, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp các nội dung khiếu nại liên quan đến tranh chấp chung cư. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để thực hiện rà soát lại quy định pháp luật liên quan, từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn giải quyết các vụ khiếu nại. 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu