SearchNews

Tầng hầm là gì? Thiết kế tầng hầm sao cho hiệu quả?

23/02/2021 16:50

Tầng hầm là hạng mục công trình được xây dựng với nhiều mục đích khác nhau - làm gara để xe, chứa đồ, hầm rượu, phòng giải trí hoặc là nơi trú ngụ an toàn trước các biến cố như chiến tranh, thiên tai. Vậy tầng hầm là gì, có vai trò như thế nào đối với nhà ở? Thiết kế tầng hầm sao cho vừa đảm bảo công năng, vừa hài hòa với kiến trúc tổng thể?

Thông tin tổng quan về tầng hầm, thiết kế tầng hầm, chống thấm tầng hầm sẽ được Dothi.net gói gọn trong phạm vi bài viết dưới đây.

1. Tầng hầm là gì?

Về khái niệm tầng hầm, Wikipedia nêu rõ, tầng hầm là một hoặc nhiều tầng được thiết kế xây dựng nằm hoàn toàn dưới tầng trệt của công trình, nhà ở và nằm sâu trong lòng đất. Theo quy định hiện hành, quá nửa chiều cao của tầng hầm nằm dưới cao độ mặt đất đặt công trình theo quy hoạch được phê duyệt.

Vật liệu xây dựng tầng hầm cũng rất đặc biệt do đặc tính của tầng hầm là nằm âm bên trong lòng đất. Để có thể chịu được trọng lượng từ toàn bộ ngôi nhà, hệ thống cột trụ phải thực sự vững chãi.

Tầng hầm ở các nước châu Âu được thiết kế bài bản, tiện ích như một không gian sử dụng thường xuyên của gia đình. Còn tại Việt Nam, tầng hầm chủ yếu dùng làm nơi để xe, kho chứa hoặc hệ thống kỹ thuật, điện.

mẫu nhà phố đẹp có tầng hầm
Tầng hầm vừa là nơi để xe, vừa giúp nhà phố trở nên cao ráo, thoáng đãng hơn.

2. Tầng hầm nhà ở có vai trò như thế nào?

Có thể nói, tại các trung tâm thương mại, khu chung cư, khách sạn, tầng hầm là hình ảnh quen thuộc - nơi để xe máy, bố trí hệ thống kỹ điện, kỹ thuật. Vậy đối với một ngôi nhà ở thông thường (chủ yếu là nhà phố, biệt thự), tầng hầm có vai trò gì?

Dùng làm gara để xe thuận tiện

Trong bối cảnh "đất chật người đông" tại các đô thị lớn, diện tích nhà ở ngày càng bị thu hẹp nên các mẫu nhà phố cũng trở nên phổ biến hơn. Loại hình nhà ở này có đặc điểm chung là chiều ngang thường rất nhỏ, thiếu không gian để xe cho các thành viên gia đình. Theo đó, tầng hầm để xe là giải pháp được nhiều gia đình có nhu cầu để xe cao lựa chọn.

Những mẫu nhà phố có tầng bán hầm hoặc tầng hầm giúp việc để xe trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Với tầng hầm, bạn vừa có thêm không gian sử dụng, vừa không ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ tổng thể của ngôi nhà.

Dùng làm nhà kho tiện ích

Mục đích sử dụng phổ biến thứ hai của tầng hầm nhà phố là làm nhà kho chứa vật dụng, các thiết bị làm mát, sưởi ấm, hệ thống điện nước. Khi mọi thứ được cất gọn dưới tầng hầm, nhà phố có thể được giải phóng diện tích mặt sàn, trở nên thoáng rộng và đẹp mắt hơn, giúp gia tăng tính thẩm mỹ tổng thể của công trình.

Với vai trò là nhà kho, việc thiết kế và thi công xây dựng tầng hầm cần được tính toán cẩn thận. Để đảm bảo cho không gian sinh hoạt ở các tầng trên không bị ảnh hưởng, cần phải cân nhắc kỹ yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, thông gió cho tầng hầm.

Tầng hầm giúp ngôi nhà cao thoáng hơn

Xét về mặt kiến trúc và xây dựng, tầng hầm còn góp phần nâng đẩy các tầng phía trên của ngôi nhà lên cao hơn so với mặt đất. Công trình nhà ở nhờ đó cao thoáng hơn, tận dụng được tối đa ánh sáng tự nhiên và chống ẩm mốc hiệu quả.

>>> Xem thêm: Thỏa sức thiết kế tầng hầm thành không gian đẹp, hữu ích

mẫu nhà phố có thiết kế tầng hầm
Tầng hầm nhà phố hiện nay thường được sử dụng để xe ô tô.

Thực tế cho thấy, thiết kế nhà có tầng hầm là xu hướng phổ biến tại các đô thị lớn hiện nay. Tầng hầm được xem là một trong những giải pháp gia tăng diện tích sử dụng, giải quyết nhu cầu không gian để xe, bố trí hệ thống kỹ thuật. Hạng mục này không hề ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ tổng thể của công trình.

3. Thiết kế tầng hầm cho nhà phố cần lưu ý gì?

Trong bối cảnh khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam, khi thiết kế và thi công xây dựng tầng hầm cho nhà phố, kiến trúc sư cũng như gia chủ cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

Diện tích, kích thước tầng hầm

Là tầng chịu lực của toàn bộ công trình, nhà ở phía trên, việc thiết kế tầng hầm cần được tính toán cẩn thận, đảm bảo các thông số kỹ thuật an toàn. Kích thước của tầng hầm nên cân đối, hài hòa với diện tích của ngôi nhà. Nếu thiết kế tầng hầm quá rộng có thể sẽ mất đi sự cân bằng, trong khi tầng hầm quá nhỏ sẽ tạo cảm giác bí bách, ngột ngạt. 

Theo quy định của Bộ Xây dựng thì kích thước tầng hầm như sau:

- Chiều cao của tầng hầm và chiều cao đường dốc của tầng hầm tối thiểu là 2,2m.

- Phần nổi của tầng hầm không quá 1,2m so với cao độ vỉa hè hiện hữu ổn định.

- Đường xuống tầng hầm cách ranh lộ giới ít nhất 3m.

- Nhà ở liên kế với mặt tiền giáp đường có lộ giới nhỏ hơn 6m sẽ không thiết kế tầng hầm có lối lên xuống dành cho ô tô tiếp cận trực tiếp với đường.

 - Chiều sâu tầng hầm từ 1,5m trở lên. Do đó, trung bình chiều sâu đào tới đáy móng là 3m.

Tiêu chuẩn độ dốc của tầng hầm

Độ dốc của tầng hầm theo tiêu chuẩn xây dựng hiện hành không vượt quá 15-20% so với chiều sâu của hầm. Với tầng hầm được sử dụng cho mục đích để xe, độ dốc mặt đường thường là 12%. Với dốc thẳng đứng, độ dốc là 15%; dốc cong 13%.

Riêng với nhà ống không có sân và tầng hầm sát mặt đường thì độ dốc dao động từ 20-25%, cứ đi vào 1m chiều dài thì nền thấp xuống 25cm. Để đảm bảo an toàn cho lưu thông, chiều cao tính từ mép cửa tầng hầm phải vuông góc với mặt đường dốc. 

hình ảnh minh họa cho thiết kế tầng hầm
Tiêu chuẩn kích thước khi thiết kế tầng hầm

Ánh sáng và thông gió

Gia chủ nên thiết kế tầng hầm sao cho có thể tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên vì nơi đây thường khá ẩm thấp, dễ nấm mốc, thiếu dương khí. Bạn cũng có thể sử dụng gương lớn để phản chiếu, hút sáng tự nhiên vào tầng hầm. Cùng với đó, việc bố trí hệ thống điện chiếu sáng tầng hầm cũng cần được chú trọng.

Thông gió - yếu tố không thể thiếu khi thiết kế tầng hầm, nhất là với tầng hầm để xe bởi khí thải từ phương tiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bạn. Tốt nhất, nên có giếng trời ở khoảng giữa và sau hầm để không khí được đối lưu liên tục, tạo sự thoáng đãng, dễ chịu cho người dùng. Nếu không có giếng trời, cần bố trí hệ thống thông gió, hút mùi chất lượng, hiệu quả. 

Yếu tố màu sắc

Theo các chuyên gia, tường dưới tầng hầm nên sơn những gam màu sáng, ấm áp và nhẹ nhàng bởi nơi đây thường bí bức, có thể không nhận được ánh sáng mặt trời. Những tông màu như trắng, kem, be, nâu sáng, vàng nhạt... là lựa chọn phù hợp cho không gian này. Màu sáng giúp phản chiếu ánh sáng tốt, đồng thời tạo cảm giác rộng rãi, thoáng đãng hơn so với thực tế.

Thoát nước, chống ngập cho tầng hầm

Trước hết, ở lối vào hầm, kiến trúc sư sẽ bố trí hệ thống thoát nước nhằm ngăn ngừa tình trạng nước từ bên ngoài chảy vào trong gây ngập úng. Đây là yêu cầu bắt buộc khi thiết kế tầng hầm. Lối vào hầm phải có mương thu nước và thoát nước phù hợp. Thứ nữa, cần có máy bơm để hút nước từ trong ra phòng trường hợp mưa lớn, lũ lụt gây ngập không gian chức năng này.

Với hệ thống thoát nước tốt, tầng hầm nhà bạn sẽ luôn khô thoáng, đảm bảo cho thiết bị, vật dụng trong hầm luôn an toàn, không bị gỉ sét, hư hại.

Đặc biệt lưu ý chống thấm tầng hầm

Thực tế cho thấy, hiện tượng thấm dột tầng hầm có thể xảy ra bất cứ khi nào. Để chọn được giải pháp chống thấm tầng hầm hiệu quả, trước hết gia chủ cần nắm rõ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

hình ảnh cận cảnh tầng hầm bị thấm nước
Tầng hầm bị thấm nước khá nghiêm trọng.
  • Nguyên nhân gây thấm tầng hầm:

- Tầng hầm bị thấm do thiết kế sơ sài, qua loa, quy trình chống thấm không chuẩn.

- Dùng giải pháp chống thấm kém chất lượng, thi công cẩu thả, chắp vá, không tuân thủ đúng quy trình các bước.

- Thi công đổ bê tông kém chất lượng tạo độ rỗng, mạch ngừng, khe co giãn lỗi gây thấm tầng hầm.

  • Những vị trí phổ biến gây thấm tầng hầm gồm:

- Thấm sàn, vách tầng hầm do rỗ hoặc nứt bê tông: Nguyên nhân là do kết cấu công trình không ổn định, nhà thầu cẩu thả do bị ép tiến độ, do kỹ thuật đổ bê tông không chuẩn, dùng phụ gia tháo dỡ ván khuôn nhiều.

- Thấm khe nhiệt, khe co giãn: Các khe co giãn, khe hở để bê tông "thở" cũng là lý do khiến tầng hầm bị thấm, nước chảy vào các khe hở này.

- Thấm mạch ngừng: Không riêng gì tầng hầm mà phần lớn các công trình đều có hiện tượng này. Kỹ thuật đổ bê tông kém, đổ bê tông không liên tục, đá sỏi làm rỗng mạch ngừng, không lắp đặt băng cản nước cho mạch ngừng hoặc gioăng bị trương nở là những nguyên nhân khiến tầng hầm bị thấm.

  • Các giải pháp chống thấm tầng hầm phổ biến hiện nay

- Chống thấm ngược tầng hầm: Việc thi công chống thấm ngược sẽ được thực hiện khi các bể ngầm chứa nước có thể thấm qua thành bể xuống hầm nhà; khe tiếp giáp giữa hai nhà không được thi công chống thấm.

- Dùng hóa chất chống thấm: Đây là giải pháp chống thấm tầng hầm hiệu quả, được nhiều gia chủ lựa chọn. Lưu ý, các lớp hóa chất cần được quét cách nhau 2-4 giờ đồng hồ và lớp sau quét vuông góc với lớp trước.

- Dùng sơn chống thấm và các sản phẩm dạng quét: Lựa chọn giải pháp này, gia chủ cần lưu ý vấn đề bảo dưỡng cho bề mặt lớp chống thấm nhằm mục đích tạo liên kết. Không nên trộn vật liệu quá nhiều bởi chúng sẽ khô lại nếu không thi công kịp.

- Dùng màng chống thấm tự dính: Có thể sử dụng màng chống thấm tự dính đã bóc dán lên bề mặt tầng hầm. Sau khi dán xong thì trát bổ sung một lớp bê tông dày 3-4cm lên bề mặt màng để bảo vệ và kéo dài tuổi thọ cho công trình.

- Sử dụng màng khò nóng chống thấm tầng hầm: Với giải pháp này, cần lưu ý vị trí chồng méo, vị trí phải gia cố. Nếu màng dán bị phồng thì cần đâm thủng, sau đó dùng màng khác phủ lên. Đồng thời, cần làm thêm lớp màng bảo vệ đảm bảo độ bền cho màng khò nóng.

hình ảnh cận cảnh thợ thi công dùng bay trát vữa chống thấm tầng hầm
Thi công chống thấm tầng hầm bằng vữa pha phụ gia

- Chống thấm tầng hầm đã có bề mặt thi công trước: Đây là giải pháp được áp dụng khi tầng hầm đã thi công xong. Trước hết, cần loại bỏ các tạp chất bám trên bề mặt tầng hàm, sau đó làm phẳng, làm sạch bề mặt trước khi thi công chống thấm. Cần trám vữa sửa chữa có phụ gia cho các vết nứt tầng hầm.

Như vậy, hiện có khá nhiều giải pháp chống thấm tầng hầm mà bạn có thể tham khảo. Tùy theo nhu cầu và điều kiện cụ thể, gia chủ sẽ lựa chọn được giải pháp chống thấm tầng hầm phù hợp. Điều quan trọng nữa là cần tìm được đơn vị thi công chống thấm có chuyên môn, kinh nghiệm.

4. Một số lưu ý về phong thủy khi thiết kế tầng hầm

Tầng hầm tuy không phải là không gian chức năng chính trong nhà ở, chủ yếu dùng làm gara để xe, nhà kho nhưng khu vực này vẫn ảnh hưởng nhất định tới phong thủy của ngôi nhà. Do đó, khi thiết kế tầng hầm cho nhà phố, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề như sau nhằm đảm bảo phong thủy tốt.

Thứ nhất, đảm bảo sự thông thoáng, tăng cường chiếu sáng, chống ẩm, ngập úng: Tầng hầm vốn là nơi dễ bị ẩm thấp, bí bức, thiếu dương khí nên cần phải có giải pháp khắc phục ngay từ khâu thiết kế như bố trí giếng trời, làm mương thu và thoát nước, có máy bơm hút nước dự phòng, dùng gương hút sáng,... Qua đó, nâng cao chất lượng trường khí, thu hút năng lượng tích cực.

Thứ hai, nên bài trí tầng hầm với tông màu sáng: Tông màu sáng từ sơn tường và đồ nội thất, phụ kiện không chỉ tạo cảm giác thoáng rộng hơn, góp phần hút sáng, phản xạ ánh sáng tự nhiên mà còn có tác dụng tăng dương khí cho tầng hầm.

Thứ ba, thiết kế tầng hầm hợp mệnh gia chủ: Có thể căn cứ vào bản mệnh của gia chủ để lựa chọn vật liệu, màu sắc, phụ kiện cho tầng hầm. Ví dụ, với người có bản mệnh thuộc Kim, vật liệu phù hợp để làm tầng hầm là kim loại, đá, cát sỏi; màu sắc phù hợp là trắng, ghi, nâu đất...

Thứ tư, thêm cây xanh: Bạn có thể bố trí thêm các chậu cây xanh ở hai bên cầu thang dẫn xuống tầng hầm (nếu có). Nên chọn cây dễ sinh trưởng, phát triển trong điều kiện thiếu sáng, ít phải chăm sóc. Gia chủ cũng có thể cho vẽ tranh tường phong cảnh thiên nhiên để tăng sắc xanh, dương khí cho không gian tầng hầm.

Với những thông tin về tầng hầm mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về không gian chức năng này. Nếu muốn tìm hiểu thêm kiến thức, kinh nghiệm xây dựng nhà ở, bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

 

Lam Giang 

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu