Cùng ngắm nhìn ngôi nhà hạnh phúc mới của ca sỹ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và nghe chị nói về ngôi nhà này.
Trịnh Vĩnh Trinh đã tạo dựng nhiều ngôi nhà đẹp. Nhưng lần “xây tổ” này như mang một ý nghĩa khác, xây tổ cho hạnh phúc của chính mình, hạnh phúc muộn màng mà chị đã tìm thấy sau bao giông gió của cuộc đời.
Một người bạn họa sĩ của tôi đã gọi ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh là “người đi xây nhà”. Quả thật, bản năng “xây tổ” của Trinh rất mạnh. Đằng sau vẻ lộng lẫy kiêu sa, tiếng hát thanh tao và quyến rũ là một gu thẩm mỹ tinh tế. Chị đã tạo dựng nhiều ngôi nhà đẹp. Nhưng lần “xây tổ” này như mang một ý nghĩa khác, xây tổ cho hạnh phúc của chính mình, hạnh phúc muộn màng mà chị đã tìm thấy sau bao giông gió của cuộc đời.
Chị quan niệm thế nào là một ngôi nhà đẹp?
Dù xa xứ đã lâu, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng mang một nỗi hoài hương. Ngôi nhà hạnh phúc trong tôi chính là ngôi nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, nơi cất giữ bao kỷ niệm mấy anh em cùng với mạ (mẹ) và anh tôi, Trịnh Công Sơn. Cha mất từ khi tôi còn nằm trong bụng mẹ, anh thay cha dạy dỗ bảy người em nên người. Tôi ảnh hưởng nhiều từ cách sống của anh Sơn. Biết bao lần tôi mơ được trở về, đặt chân lên thềm, để ngắm nhìn lại những kỷ niệm đã in dấu vào tâm hồn tôi… Ngôi nhà đẹp là ngôi nhà có tâm hồn, ở đó mình cảm thấy bình yên, ấm áp và được yêu thương. Anh Sơn từng viết: “Mái nhà là tiếng có một âm vang tình cảm sâu kín trong lòng mỗi con người. Chỉ có ở đó mình mới tìm thấy được mình đầy đủ nhất. Ðó là cái nôi thứ hai ru mỗi đời người khi lớn lên. Vì vậy mỗi người phải cố gắng đừng bao giờ để dưới mái nhà ấy có một địa ngục. Vẫn có những người đã rời bỏ mái nhà đi không một chút tiếc thương nhưng kể từ đó trong tâm hồn người ấy sẽ không bao giờ còn sự bình an nữa… Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu…”.
Chị đã xây nhiều ngôi nhà, ở Canada, Mỹ, Việt Nam… nhưng dường như lần xây nhà này mới thực sự là xây “tổ ấm”?
Tôi gặp anh Trực, như một định mệnh. Chúng tôi gặp nhau trong ngày Valentine, và từ đó trở đi, cuộc đời tôi thay đổi. Là doanh nhân, nhưng anh còn lãng mạn hơn cả nghệ sĩ. Chính anh là người tổ chức, thiết kế, để tạo dựng một loạt các hoạt động cho kỷ niệm mười năm anh Sơn mất, và đang chuẩn bị cho dự án bảo tàng Trịnh Công Sơn ở Huế. Anh đã chinh phục tôi bởi tính cách bộc trực, thẳng thắn, chân thực, rất phóng khoáng của người Nam Bộ, một đầu óc kinh tế nhạy bén, và những sở thích rất phiêu bồng. Khi xây nhà, anh đang ở Mỹ. Tôi không muốn anh phải chịu đựng những ngày gian khổ nắng mưa bụi bặm của việc xây cất, mà chỉ muốn khi anh trở về, sẽ được tận hưởng những gì đẹp nhất. Ngôi nhà này được xây bằng tất cả tình yêu tôi dành cho anh ấy. Anh Sơn thường nói với tôi rằng: “Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc. Nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình. Kiến trúc không chỉ là cái đẹp mà phải mang trong nó lòng nhân ái nữa. Nghĩa là một cái đẹp có tâm hồn.”
Nằm giữa Sài Gòn náo nhiệt, nhưng căn nhà của chị lại rất tĩnh lặng, rất Huế? Làm thế nào để chị có thể hài hoà giữa hai tính cách trái ngược, để tạo dựng căn nhà khi anh ấy hoàn toàn vắng mặt?
Nó rất Trinh, rất anh Sơn, rất gia đình... Đi nhiều, thấy nhiều, cộng thêm sự đam mê kiến trúc, nên tôi đọc sách rất nhiều, mọi thứ cứ thấm vào máu của mình lúc nào không biết nữa. Tôi thích sự hài hoà giữa phương Đông và phương Tây trong kiến trúc và tạo dựng không gian sống. “Ta” quá đôi khi nặng nề, “Tây” quá cũng làm mất đi nguồn gốc của mình.
Là nhà kinh tế, anh luôn biết giới hạn của mình, và tin tưởng tôi hoàn toàn trong những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật. Chính vì quá khác biệt nên ngoài những không gian chung, chúng tôi cần có những khoảng riêng. Đó là khu vực riêng, nơi anh có thể làm việc ngay tại nhà, một bar rượu dành riêng cho anh, và một phòng riêng trên sân thượng, nơi tôi có thể vẽ vời, đọc sách, và tiếp bạn bè thân.
Căn nhà của chị có mặt tiền thụt lùi vào trong để một khoảng trống rất thoáng phía trước, điều gì giúp chị xử lý không gian tối ưu nhất?
Tôi là người rất mê ánh sáng và cây xanh, nên mặt tiền của căn nhà đều là kính và ban công, để đón ánh sáng và trồng cây. Dành một khoảng lùi cũng là “hy sinh” đáng kể, để tạo sự chuyển tiếp nhẹ nhàng từ thế giới bên ngoài vào nhà. Lối vào với những bậc tam cấp nên thơ, một cái cổng mở ra bởi cây lộc vừng và cây đại lộc. Tôi thích những loại cây cổ thụ với bộ rễ mạnh mẽ, nhưng lá rất non tơ, xum xuê toả bóng. Sân nền lát gạch nung và bờ tường bên phải được xây bằng gạch cũ để trần, gợi nhớ hình ảnh quen thuộc của ngôi nhà Việt truyền thống. Tôi thích vẻ đẹp hài hoà, gần gũi, ấm cúng, thân thuộc nhưng tiện nghi hiện đại theo kiến trúc phương Tây. Phòng khách với lớp kính dài 6m để đón ánh sáng, đồng thời cũng là nơi đủ để một dàn nhạc nhỏ có thể chơi nhạc, nơi cất giữ những bức hoạ của anh Sơn.
Ở đây còn có một cuốn sách dài 2m, gìn giữ gần như đầy đủ bút tích và hình ảnh của anh cho bạn bè chiêm ngưỡng. Phía sau mỗi phòng đều có thông tầng. Một cái giếng trời chạy thẳng từ sân thượng xuống tầng hầm, tạo cảm giác rộng rãi, thông thoáng và tận dụng được ánh sáng thiên nhiên, vừa là nơi trồng cây xanh. Không gian làm việc của anh Trực được đặt ở tầng lửng, bên cạnh một quầy rượu. Phòng ngủ là một không gian mở kết nối với phòng tắm bằng một bồn tắm lớn bằng đá hoa cương, phảng phất phong cách cổ điển với một ban công nhỏ đầy hoa... Tôi thích những phiến đá hoa cương lớn với những hoa văn tự nhiên như tranh vậy. Để khắc phục sự hạn chế về chiều sâu, những tấm kính lớn vừa là phong thuỷ, vừa thay cho tường gạch. Cầu thang dạng bản rời tạo sự đối lưu không khí cho toàn ngôi nhà. Bếp nằm nửa trên mặt đất, nửa dưới tầng hầm, vừa tận dụng không gian, mà vẫn đầy đủ ánh sáng, với những đồ gỗ màu trắng kem sáng và sạch sẽ…
Vậy đâu là nơi chốn chị yêu thích nhất? Anh ấy thường ăn sáng ở đâu?
Nơi chốn yêu thích nhất của vợ chồng tôi là bếp và sân thượng. Vợ chồng tôi có thói quen uống cà phê và ăn sáng với nhau trên sân thượng, một “nhà thuỷ tạ” tràn ngập gió và cây xanh, nơi có thể nhìn toàn thành phố. Anh Trực mê những món ăn do tôi nấu, và chỉ ăn ở nhà. Thỉnh thoảng lắm mới tiếp khách ngoài quán Trịnh. Tôi là người mê làm bếp. Nhà tôi ăn uống đơn giản, theo chế độ ăn kiêng, nên mọi việc bếp núc trong nhà đều do tôi đảm nhiệm. Giây phút hạnh phúc nhất của tôi là chuẩn bị cho chồng con bữa ăn hàng ngày. Anh Trực thích ăn nhiều rau và cá, nhất là cá hấp. Sau bữa ăn nhất thiết phải có trái cây. Nhờ ăn theo anh, tôi cũng… ốm hẳn đi (cười hạnh phúc).
Bí quyết riêng của chị để ngôi nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười?
Trời sinh ra tôi luôn là một người vui vẻ, hay làm cho người khác cười, có lẽ vì thế mà lấy phải ông chồng… cực kỳ kiệm lời! Hạnh phúc chính là khi mỗi người biết giới hạn của mình. Nhà tôi lúc nào cũng có bạn, bạn tới nhà rất mê món ăn tôi nấu. Sự hiếu khách cũng là điều tôi học được từ mạ và anh Sơn. Anh Sơn rất hiền, nhưng cũng rất nghiêm. Mỗi lần đi học về mệt đừ, anh Sơn lại bắt vào bếp với mạ học nấu ăn, rồi học thêu, học may vá… mấy chị em nhiều khi oải lắm. Khi lớn lên rồi mới hiểu quan niệm về công dung ngôn hạnh của anh Sơn rất cần cho hạnh phúc. Mạ dạy chị em tôi nấu cơm Tây, cơm Tàu, cơm Việt. Trong nhà hồi xưa cũng có một bà đầu bếp Tây giỏi lắm. Mỗi lần vào bếp với bà nhẹ nhàng như thực hiện một tác phẩm nghệ thuật vậy. Dù bận rộn mà trông bà lúc nào cũng tươm tất, xinh đẹp, phong cách thì rất…Tây. Chị em tôi ảnh hưởng rất nhiều từ bà ấy. Mạ tôi thường dặn dò: “Bạn bè đến chơi mình mời ăn cơm mà họ ở lại là nhà mình có lộc đó”. Câu nói đó đã thấm vào nếp sống của gia đình tôi. Nhớ ngày xưa, thời còn khốn khó, bạn bè anh Sơn đông lắm, mỗi khi có bạn ở lại bất thường là chị em tôi phải nhịn lại phần mình cho anh đãi bạn, nhưng ngoài miệng vẫn cười tươi “chúng em ăn rồi”…
Những truyền thống xưa ấy chị có muốn truyền lại cho con, dù các cháu đều sống nhiều năm ở nước ngoài, ảnh hưởng mạnh lối sống phương Tây?
Tôi vừa muốn giữ lại nếp xưa của mẹ và anh Sơn đã dạy, nhưng cũng rất thoáng trong cách dạy con.
Hát, vẽ và sưu tầm đồ cổ dường như đã giúp chị nguồn năng lượng bất tận để tạo dựng phần hồn cho ngôi nhà, vượt qua những sóng gió của cuộc đời?
Hát và vẽ giúp tôi sống hạnh phúc hơn với chính mình. Từ ngày anh Sơn ra đi đến nay đã mười năm rồi, mười năm hụt hẫng, trống vắng, cuộc đời chẳng còn vui như xưa nữa. Tôi cũng rất muốn vượt qua nỗi hụt hẫng đó để hát trở lại, nhưng sao khó khăn quá... Anh Trực chính là người khiến tôi biết cười trở lại, khuyến khích tôi hát, thu âm, và học vẽ nữa. Những đêm mất ngủ để hoàn thiện một bức tranh cũng hạnh phúc y như khi ở trong phòng thu vậy. Có lẽ hội hoạ và âm nhạc đã giúp tôi tự tin, có cảm xúc hơn khi xây căn nhà này. Tôi thích hát từ nhỏ, người đầu tiên dạy tôi học hát chính là mạ tôi. Tôi mê nhiều thứ, nhất là những gì liên quan đến cái đẹp, mê đồ cổ, mê trang trí nhà cửa, mê đèn, mê vẽ, mê giày…
Hội hoạ có chất thiền, nó giúp tôi tĩnh lặng và mạnh mẽ hơn về nội tâm. Nhưng hát và vẽ cũng đều là amater thôi. Hồi trẻ, tôi ít suy nghĩ về mình, nhưng càng lớn, mỗi ngày mỗi lúc đều soi xét lại mình, suy nghĩ về thế giới xung quanh, để tự sửa mình, để biết sống nhiều hơn cho mọi người. Đó chính là cách để tôi vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Người đàn bà ở bất cứ tuổi nào cũng đều phải học hỏi, tìm kiếm những cái đẹp cho mình và cho đời, vì nuôi dưỡng tâm hồn thì không bao giờ là đủ hết.
(Theo SGTT)