Theo bản thiết kế, ngôi nhà sẽ được tiến hành trong 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, xây dựng hai khối không gian nối nhau bởi một chiếc cầu. Giai đoạn sau, ông sử dụng tiếp khoảng đất kế cận và lúc này ngôi nhà là một tổ hợp gồm 4 khối nhà nối với nhau qua ba cây cầu nội bộ nhìn xuống khoảng sân trong. Lối kiến trúc này gợi cho người ta nghĩ đến phong cách Bali hiện đại.
Trong quá trình thiết kế, trở ngại lớn nhất với KTS David Hertz là ở giai đoạn sau. Việc thêm vào những khối nhà trên khuôn viên cũ dường như thật khó khăn, thậm chí là phiền toái với ông khi mà khối xây dựng mới đã lấn chiếm những khoảng diện tích xanh quý giá. Tuy nhiên, David Hertz đã tìm ra giải pháp làm “xanh hóa” kiến trúc của mình.
Giải pháp của vị KTS tài năng đưa ra là làm cho ngôi nhà xanh hơn so với diện tích quy định. Ông dùng ngôi nhà của mình như một trường hợp thí nghiệm cho kỹ thuật xây dựng xanh. Trên mái nhà được đặt 20 tấm lợp giúp thu năng lượng mặt trời, có thể cung cấp khoảng 70% năng lượng điện sử dụng trong nhà. Những phần còn lại của mái nhà được đặt những tấm thu năng lượng khác nhằm cung cấp nước nóng vào hệ đun, từ đó, truyền tới hệ thống tỏa nhiệt bố trí ở phần nền nhà bê tông.
David Hertz dùng ngôi nhà của mình như một trường hợp thí nghiệm
cho kỹ thuật xây dựng xanh.
Để hỗ trợ cho căn nhà phát triển bền vững với môi trường và đạt được mục tiêu thiết kế đã đề ra, David Hertz đã lựa chọn vật liệu hết sức kỹ lưỡng. Gỗ sử dụng cho căn nhà là loại gỗ được chứng nhận của FSC, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực khuyến khích phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và các loại gỗ được sử dụng ở các mục trong nhà hầu hết là những loại gỗ có thể tái chế như gỗ ipe, gụ, linh sam.
Bê tông phần lớn là loại bê tông Syndecrete® tổng hợp từ khoáng chất tự nhiên với 41% thành phần nguyên liệu có thể tái chế, trọng lượng nhẹ bằng phân nửa nhưng độ cứng lại gấp đôi loại bê tông thông thường. Vật liệu được sử dụng trong nhà hết sức thông minh, nó có vai trò như một “phễu mặt trời” giúp thu nhận và chuyển đổi những nguồn năng lượng mặt trời thu động trong ban ngày, giữ cho nội thất không quá nóng và rồi dần dần thải chúng ra vào ban đêm.
Loại sơn mà KTS dùng là sơn ZeroVOC, một loại sơn có gốc nước, không dung môi, chống thấm tốt, có tác dụng bảo dưỡng chất lượng không khí bên trong nội thất và loại trừ hệ thống cấp khí bắt buộc.
Ngôi nhà này là một nghiên cứu thành công về mặt kiến trúc mang tính
trách nhiệm với môi trường và đáp ứng cả yếu tố thẩm mỹ cho một
công trình phục vụ cuộc sống cá nhân
Giới chuyên môn đánh giá, thiết kế ngôi nhà này đã thêm vào bộ sưu tập những thiết kế đương đại của KTS David Hertz một hình ảnh đẹp. Thiết kế đã nhận được giải thưởng Sustainable Living Award của tổ chức Eco Home Network và được giới thiệu trên nhiều tạp chí kiến trúc uy tín như Global Architecture 81; LA Architect Magazine; Venice, CA Magazine; Dwell, The New York Times…
Thiết kế ngôi nhà này đã thêm vào bộ sưu tập những thiết kế đương đại của
KTS David Hertz một hình ảnh đẹp.