SearchNews

15 vật liệu xanh trong xu hướng xây dựng bền vững

28/12/2018 17:26

Xu hướng xây dựng bền vững khuyến khích sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường và các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm hạn chế tối đa tác động lên môi trường mà vẫn đảm bảo công năng, thẩm mỹ và hiệu quả kinh tế của công trình.

Công trình xanh (công trình bền vững) đang là xu thế tất yếu tại các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam, quốc gia nằm trong danh sách đứng đầu về mức độ chịu rủi ro của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới thì việc phát triển các công trình xanh càng cần được chú trọng và đẩy mạnh. Để đạt được điều đó, các sản phẩm xây dựng cần hướng tới và ưu tiên sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường.

Vật liệu xanh được định nghĩa là loại vật liệu có trách nhiệm với môi trường vì các ảnh hưởng của chúng được cân nhắc trong suốt vòng đời của vật liệu. Theo định nghĩa của Greenguide, các sản phẩm, vật liệu xây dựng xanh phải thỏa mãn ít nhất một trong những tiêu chí sau:

- Không độc hại

- Có hàm lượng tái chế

- Tiết kiệm tài nguyên

- Vòng đời sử dụng lâu dài

- Quan tâm đến môi trường

Xin giới thiệu tới bạn đọc những sản phẩm vật liệu xanh đang được đánh giá cao trên thị trường về tính hiệu quả và khả năng tiết kiệm chi phí.

Vật liệu có nguồn gốc từ đất

Các vật liệu có nguồn gốc từ đất như gạch không nung, hỗn hợp đất sét trộn với lõi ngô và vôi, đất nện từng được sử dụng cho mục đích xây dựng từ khi ra đời cho tới nay. Để gia tăng khả năng chịu lực và độ bền cho vật liệu, người ta có thể bổ sung thêm cỏ, rơm rạ hay các loại sợi cắt nhỏ khác. Các công trình được làm từ các vật liệu này có khả năng cách nhiệt rất cao và chi phí cạnh tranh.

gạch không nung
Sử dụng gạch không nung đang là xu thế tất yếu của thế giới.

Tre

Tre là vật liệu truyền thống được sử dụng trong các công trình xây dựng ở nhiều địa phương từ hàng nghìn năm qua. Ngày nay, cùng với xu thế phát triển công trình xanh, tre thực sự là vật liệu xây dựng đầy hứa hẹn cho các công trình hiện đại trên thế giới. Loại vật liệu này có ưu điểm về độ bền, trọng lượng và khả năng tái tạo nhanh chóng. Tre có thể được dùng làm khung cho các công trình, thay thế vai trò của bê tông cốt thép, nhất là tại các vùng có nguồn tre dồi dào, giao thông khó khăn, cần tái thiết sau thảm họa thiên nhiên.

Xốp XPs

Từ lâu, tấm xốp XPs là vật liệu cách âm, cách nhiệt được sử dụng trong nnhiều công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và công cộng. Nhiều nghiên cứu gần đây về các tòa nhà xây dựng mới cho thấy rằng, những công trình sử dụng tấm xốp cách nhiệt có độ dày 15-18cm có khả năng tiết kiệm lượng điện tiêu thụ từ 343-344Wh/m2.

Bê tông nhẹ

Bê tông nhẹ có trọng lượng chỉ bằng ½ gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm chi phí làm nền móng. Với cấu trúc có độ rỗng cao, bê tông nhẹ cách nhiệt tốt, giúp giảm khoảng 30% điện năng sử dụng cho máy lạnh. Ngoài ra, bê tông nhẹ còn có khả năng cách âm cao, chống cháy được khoảng 4 giờ. Sử dụng bê tông nhẹ cũng giúp giảm chi phí cho vữa trát tường do bề mặt bê tông bằng phẳng.

Dù có giá thành cao hơn gạch thông thường khoảng 10-15% nhưng bù lại, bê tông nhẹ giúp giảm chi phí làm nền móng, vữa trát, điện năng và còn là vật liệu xanh được khuyến khích sử dụng vì quá trình sản xuất ít phát thải.

Sơn không chứa VOC

Thuật ngữ VOC (volatile organic compounds) thường dùng để chỉ hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay trong không khí. VOC tồn tại trong hầu hết các loại sơn nội thất, ngoại thất, keo dính, sản phẩm lau chùi… VOC rất dễ bay hơi và kết hợp với các chất vô cơ vô hại tạo thành hợp chất mới gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây kích ứng mắt, mũi, đau đầu, chóng mặt, các bệnh về hô hấp, làm tổn thương phổi và hệ thần kinh.

Do vậy, khi chọn sơn tường, bạn nên quan tâm đến chỉ số VOC của sơn. Những loại sơn có hàm lượng VOC thấp thường đắt hơn nhưng sẽ an toàn hơn. Để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, bạn nên chọn sơn không chứa VOC (0g/lit) hoặc có hàm lượng VOC dưới 50g/lit.

Kiện rơm

Kiện rơm là vật liệu xanh được sử dụng nhiều trong các nông trại bởi tính sẵn có và khả năng cách âm, cách nhiệt cao. Ngoài ra, kiện rơm cũng có khả năng chống cháy bởi khi sản xuất, rơm được ép chặt nên không khí không thể lọt qua. Do kiện rơm không có khả năng chịu lực, chịu tải nên chỉ phù hợp làm vật liệu lấp đầy giữa các cột hay trong các khung, dầm.

vật liệu xanh
Khả năng cách nhiệt của kiện rơm không thua kém gì vữa trát tường hay thạch cao.

Bao cát

Công nghệ xây dựng sử dụng bao đất, cát (earthbag) đang được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ chi phí thấp, thời gian hoàn thiện nhanh mà vẫn đảm bảo độ kiên cố, vững chắc cho công trình. Xu hướng này khởi nguồn từ các quốc gia châu Phi như Zimbabwe, Nam Phi, Mozambique, Madagascar, Namibia.

Cách xây nhà bao cát rất đơn gảin, những bao cát được xếp chồng lên nhau và cố định bằng dây thép để không bị trượt xuống. Tại một số quốc gia, chẳng hạn như Colombia, ngoài nguyên liệu chính là cát, người ta còn trộn thêm một số chất như vôi, xi măng, đất sét, đồng thời trét thêm một lớp gạch sống hay thạch cao ở bên ngoài để bảo vệ công trình khỏi tác động của ngoại cảnh. Cấu trúc này thậm chí còn có thể chịu được động đất.

Đá chẻ (slate)

Đá chẻ là đá tự nhiên, được chẻ từ một khối đá lớn. Nhờ vậy mà đá có màu sắc đồng đều, dễ dàng ốp lát. Với đặc tính chịu được nhiệt độ cao, độ lạnh tốt; khả năng chịu lực ca, có nhiều màu sắc, vân đá tự nhiên, đá chẻ mang đến cho công trình độ bền vĩnh cửu và vẻ đẹp tinh tế. Bên cạnh đó, đá chẻ được sản xuất bằng công nghệ không nung nên ít gây tác động lên môi trường, chi phí cũng thấp hơn so với nhiều vật liệu ốp lát khác.

Tuy nhiên, do có khối lượng rất nặng và thi công khó khăn nên vật liệu này chủ yếu được sử dụng ở gần các khu vực khai thác, chủ yếu là các công trình gần với khoảng cách không quá 100km.

Tôn lợp sinh thái

Tôn lợp sinh thái được sản xuất từ sợi hữu cơ cellulose, acrylic và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp. Nhờ vậy mà tấm lợp có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt, không bị ăn mòn trong môi trường muối nên rất phù hợp với các công trình ven biển. Loại tấm lợp này có khả năng chống nóng, cách âm và cách điện giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao.

Mái lợp tổng hợp

Các tấm mái lợp làm bằng vật liệu tổng hợp như mút xốp cách nhiệt hay lớp cellulose kẹp giữa hai tấm kim loại hoặc hai tấm nhựa được liệt kê vào danh sách những vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Loại vật liệu này khá nhẹ, chi phí hợp lý và có khả năng cách nhiệt rất tốt cho cấu trúc, từ đó giúp giảm lượng điện tiêu thụ.

Vật liệu cách nhiệt lạnh PU

Tấm cách nhiệt PU (PolyUrethane) có khả năng cách nhiệt hoàn hảo, chống ẩm, chống cháy tốt, không bị lão hóa, khả năng chịu lực và có độ bền cao. Trong xây dựng, tấm cách nhiệt PU được ứng dụng để làm nhà tiền chế, nhà lắp ghép, bệnh viện, trường học…

Panel cách nhiệt SIPs

Thành phần chính tạo nên SIPs là xốp và tấm sợi (OSB). Loại vật liệu này mất ít nguyên liệu và năng lượng để sản xuất hơn so với các hệ thống kết cấu khác. Không chỉ có khả năng cách nhiệt tốt, panel cách nhiệt SIPS còn giúp các kiến trúc sư đạt được chứng chỉ năng lượng LEED Platinum và tiêu chuẩn Nhà thụ động.

Sợi tự nhiên

Sợi tự nhiên như bông, len cũng là vật liệu cách nhiệt phổ biến cho các công trình xây dựng. Sợi bông hay len lái chế sẽ được ép thành tấm và lắp đặt vào các bức tường hay khung gỗ.

Sợi thủy tinh

Sợi thủy tinh cũng được sử dụng cho mục đích cách nhiệt dưới dạng các tấm thủy tinh. Mặc dù trong sợi thủy tinh có chứa một số thành phần độc hại nhưng nhờ đặc tính siêu cách nhiệt và giá thành rẻ nên nó vẫn được coi là một loại vật liệu xây dựng xanh.

Vật liệu xây dựng tái chế

Việc sử dụng vật liệu xây dựng tái chế có tác dụng làm giảm nhu cầu vật liệu mới, giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển, chi phí xử lý chất thải…

các vật liệu xanh
Cửa sổ gỗ từ công trình cũ làm nên diện mạo ấn tượng cho ngôi nhà mới.

Bạn có thể tận dụng vật liệu tái chế theo gợi ý dưới đây để tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo được chất lượng công trình:

- Gạch: Sử dụng những viên gạch lành cho tường chắn, các công trình phụ; gạch vỡ làm nền móng, lối đi.

- Bê tông: Bê tông vụn sau khi phá dỡ có thể được tận dụng để làm nền nhà, san lấp công trình hoặc làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung.

- Kim loại: Phế thải xây dựng được tái sử dụng nhiều nhất là thép. Vật liệu này được tái chế gần như hoàn toàn, cho phép tái chế lặp đi lặp lại.

- Gỗ: Gỗ tái chế được tận dụng từ nhà kho, nhà cổ, những thùng rượu, thùng chở hàng. Gỗ dư thừa từ các công trình xây dựng và phá vỡ có thể được tái sử dụng cho các dự án xây dựng khác sau khi làm sạch.

- Nhựa: Chất thải nhựa có thể tái chế tốt nhất khi các phế liệu này được thu gom riêng, không pha trộn với các chất thải khác. Chất thải nhựa sau khi được làm sạch có thể được tái sử dụng trong các sản phẩm được thiết kế đặc biệt như ống dẫn cáp, cửa sổ PVC, mái nhà hay sàn nhà.

- Nề: Nề tái chế tổng hợp có thể được sử dụng thay thế vai trò của bê tông cách nhiệt.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu