Quy tắc chung
Bí quyết để làm rộng một căn phòng chật chội chính là tối đa hóa không gian lưu trữ. Thông thường, những ngôi nhà nhỏ nên tận dụng khoảng không gian ở tầng áp mái hay gầm cầu thang để cất đồ.
|
Ngôi nhà có diện tích khiêm tốn 41m2 tận dụng gầm cầu thang để thiết kế tủ lưu trữ đồ. Ảnh: Minimal Design. |
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng những góc kém vuông, góc thừa trong nhà để lưu trữ đồ, giúp giải phóng không gian cho những khu vực khác. Sáng tạo trong cách tận dụng không gian sẽ giúp bạn có cảm giác ngôi nhà rộng thoáng hơn. Nhờ vậy, bạn có thể mua một ngôi nhà nhỏ hơn nhằm cắt giảm chi phí.
Các thiết kế tủ âm tường cũng rất hữu ích trong việc mang lại cảm giác rộng rãi cho không gian. Bạn nên chọn những loại tủ có thiết kế đơn giản, không rườm rà.
|
Căn phòng trở nên gọn gàng hơn nhờ tủ âm tường. Ảnh: Strachan Furniture. |
Ngôi nhà nhỏ không nên có quá nhiều đồ đạc. Do vậy, bạn nên hạn chế sắm sửa đồ đạc, thay vào đó, hãy chọn nội thất thông minh, đa năng.
Trước khi bắt tay vào sắp xếp, hãy dành thời gian để cân nhắc xem cần lưu trữ những gì, từng không gian sẽ được sử dụng như thế nào. Máy hút bụi, cây lau nhà và bàn ủi nên đặt ở đâu? Xe đạp, dụng cụ thể thao, vali và áo khoác thì sao? Quy hoặch không gian càng tỉ mỉ, ngôi nhà sẽ càng gọn đẹp. Đừng ngại dành một số không gian sàn cho kệ hay tủ chén bát.
Những gam màu sáng có thể tạo cảm giác không gian như rộng hơn so với thực tế. Nên phối kết hợp các gam màu sáng, đảm bảo sự đồng bộ giữa màu tường, cửa tủ. Nội thất sáng màu cũng cho phép ánh sáng tự nhiên có thể phản chiếu lại khiến căn phòng rộng rãi hơn.
|
Nên sử dụng những gam màu nhạt cho căn phòng có diện tích khiêm tốn. Ảnh: ccstasteofsoul. |
Tất nhiên, bạn không phải bó buộc mình trong gam màu kem, trắng mà có thể chọn những màu khác ở sắc độ nhạt hơn như hồng nhạt, xám nhạt, xanh nhạt…
Cuối cùng, trang trí nhà với những bức tranh, ảnh nghệ thuật khổ A1 cũng là một cách đánh lừa thị giác cực kỳ hiệu quả. Khi đó, đôi mắt sẽ bị phân tâm khỏi tỷ lệ nhỏ của căn phòng.
Phòng ngủ
Thiết kế tủ quần áo cao kịch trần là ý tưởng tuyệt vời nhằm tối đa hóa không gian theo chiều dọc. Nếu phòng ngủ quá nhỏ, hãy chọn tủ quần áo hẹp và cao để tận dụng không gian phía trên cao.
Ngoài ra, một chiếc giường thông minh với thiết kế ngăn kéo phía dưới để cất đồ hay chiếc bàn đầu giường dạng hộp đều là những ý tưởng thông minh giúp bạn có thêm không gian chứa đồ linh hoạt. Việc sử dụng các loại tủ nhiều ngăn kéo góp phần tăng không gian lưu trữ mà không làm ảnh hưởng đến thiết kế chung.
|
Giường thông minh tích hợp ngăn kéo cho phép bạn cất giữ rất nhiều đồ đạc. Ảnh: Insearchof. |
Phòng tắm
Tủ bồn rửa là lựa chọn lý tưởng với các phòng tắm hẹp – nơi khó để cất giữ đồ được sạch sẽ. Không nên lắp đặt tủ treo tường ngay phía bồn rửa vì sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các bức tường, tạo cảm giác không gian thêm phần ngột ngạt. Thay vào đó, hãy lắp đặt tủ dưới chậu bồn rửa để giấu đi những món đồ kém thẩm mỹ.
|
Tủ bồn rửa là thiết kế đáng giá cho những phòng tắm chật. Ảnh: Bathstore. |
Bạn cũng có thể đặt các kệ đựng đồ ở góc phòng tắm nhằm hạn chế sự lộn xộn ở khu vực này. Bình chứa nước, bồn cầu hay chậu rửa nên có kích thước nhỏ để tối đa không gian sàn mà không ảnh hưởng đến trải nghiệm khi sử dụng. Kiến trúc sư cũng khuyên dùng cửa trượt nhằm đem đến cảm giác rộng rãi, liền mạch.
Phòng bếp
Nếu góc bếp nhà bạn có diện tích nhỏ, hãy lắp đặt kệ/giá đựng đồ ở phía trên bếp thay vì sử dụng tủ nhiều ngăn. Điều này nhằm tạo cảm giác thoáng đãng và việc lấy đồ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Chúng ta thường bỏ phí khoảng không từ mái kệ/tủ đến trần nhà. Bạn có thể loại bỏ điều này bằng cách thiết kế kệ/tủ cao kịch trần. Nên đặt đồ dùng ở phía trên cao bề mặt nấu ăn nhằm tối đa hóa không gian bếp.
|
Với không gian bếp chật, hãy lắp đặt giá để đồ thay vì lắp tủ đồ nhiều ngăn. Ảnh: Ionny. |
Việc quy hoạch đồ dùng trong bếp là rất cần thiết. Do vậy, hãy ghi lại chiều cao của đồ gia dụng, cốc, ly, lọ đựng gia vị để chắc rằng tủ/kệ có thể chứa chúng.