SearchNews

Nấu ăn và ô nhiễm không khí trong nhà

29/09/2020 11:13

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nấu nướng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà. Vậy làm thế nào để cải thiện chất lượng không khí trong nhà bạn?

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tới mọi ngành nghề kinh tế mà còn thay đổi thói quen hàng ngày của rất nhiều người. Chẳng hạn, bình thường bạn chủ yếu ăn uống bên ngoài thay vì nấu nướng ở nhà. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đều dành thời gian ở nhà nhiều hơn. Theo đó, thời gian và tần suất chuẩn bị bữa ăn cũng gia tăng. 

Sự gia tăng nấu nướng này được xem là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí trong nhà.

Một nghiên cứu từ đại học King’s College London cho biết, nếu chúng ta dành thêm 1 giờ mỗi ngày để nấu ăn thì các thành viên gia đình có thể tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao hơn 19%.

Các phương pháp nấu nướng như chiên và quay tạo ra một số lượng lớn các hạt nhỏ. Khi bạn hít vào, những hạt này có thể đi vào phổi, máu và tim của chúng ta. Các tác động lâu dài có thể bao gồm tăng cân, hen suyễn, trầm cảm hoặc bệnh tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 3,8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm là do ô nhiễm không khí hộ gia đình và hơn 3 tỷ người thường xuyên tiếp xúc với bầu không khí này.

hình ảnh minh họa cho việc nấu nướng bằng bếp ga gây ô nhiễm không khí trong nhà
Nấu ăn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Năm ngoái, Viện Y tế Quốc gia về Chất lượng điều trị, Vương quốc Anh (NICE) đã kêu gọi công chúng và chính quyền địa phương giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong nhà, đồng thời tăng nhận thức sâu sắc về chất lượng không khí trong nhà. 

Ngoài việc xem xét các chất ô nhiễm từ nấu nướng, NICE cũng chỉ ra rằng, các hoạt động như phơi quần áo trong nhà, sử dụng các sản phẩm tẩy rửa, một số loại sơn và vật liệu khác cũng có thể giải phóng các hạt nguy hiểm tiềm ẩn.

Tuy nhiên, chất lượng không khí trong nhà kém không phải chỉ do tác nhân từ bên trong nhà. Bởi lẽ, không khí từ bên ngoài đi vào có thể mang theo các chất ô nhiễm từ các nguồn khác như khói bụi xe cộ.

Các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để cải thiện chất lượng không khí trong nhà

Có một số giải pháp đơn giản mà mọi người có thể thực hiện để cải thiện chất lượng không khí trong nhà, chẳng hạn như mở cửa sổ hoặc sử dụng quạt thông gió khi nấu ăn, phơi quần áo, tắm hoặc thậm chí dùng nến. Khi mua các sản phẩm như sơn để trang trí nhà cửa, người tiêu dùng cũng có thể tìm kiếm các sản phẩm có hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

Bạn cũng có thể mua máy lọc không khí giúp lọc và làm sạch không khí, loại bỏ các hạt, mùi có hại. Giữ nhà cửa sạch sẽ bằng cách hút bụi, lau nhà và quét bụi thường xuyên có thể hữu ích. Đặc biệt, có nhiều loại cây trồng trong nhà có thể giúp cải thiện chất lượng không khí hiệu quả.

hình ảnh minh họa cho việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà
Nên xem xét một cách tổng thể hơn khi thiết kế, xây dựng để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp khắc phục trong ngắn hạn. Chúng ta cần phải nhìn xa hơn, cách mọi người "sử dụng" nhà của mình hàng ngày và xem xét một cách tiếp cận tổng thể hơn khi thiết kế, xây dựng nhà ngay từ đầu.

Các kiến trúc sư, nhà thầu hoặc nhà phát triển khi tham gia vào các dự án xây dựng mới hoặc tân trang, đều nên lưu ý một số vấn đề sau đây để góp phần cải thiện chất lượng bầu không khí trong nhà.

  • Vật liệu xây dựng: Nên ưu tiên sử dụng các vật liệu xây dựng, các sản phẩm thải ra hàm lượng VOC và formaldehyde thấp.

  • Hệ thống sưởi và thông gió: Hệ thống thông gió cơ học nên được xem xét, thay vì chỉ dựa vào các tùy chọn thủ công (ví dụ như mở cửa sổ). Cần phải suy nghĩ về vị trí của cửa sổ, cửa ra vào và quạt thông gió trong thiết kế.

  • Phương pháp lọc: Lọc không khí có thể loại bỏ vật lý các chất ô nhiễm có hại. Hệ thống lọc có thể được tích hợp vào hệ thống thông gió cơ học.

  • Độ kín: Tăng độ kín khí của lớp bao tòa nhà, công trình sẽ giúp giảm mức độ ô nhiễm tích hợp vào nhà từ các nguồn bên ngoài.

 

Lam Giang

 

>> 6 loại cây cảnh giúp thanh lọc không khí trong nhà tốt nhất

>> Thanh lọc không khí phòng tắm với 10 loại cây cảnh phổ biến

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu