Trước khi bàn tới các ý tưởng bài trí ban công, bạn nên hiểu rõ khái niệm ban công là gì. Đây là từ vay mượn tiếng Pháp "balcon". Ban công là không gian theo chiều ngang nhô ra, được nối liền với một bức tường và gắn lan can để đảm bảo an toàn cho người dùng. Ban công thường được xây từ tầng 2 trở lên với mục đích che mưa, nắng cho cửa ra vào. Phong cách chung của ngôi nhà sẽ quyết định hình thức của ban công. Ví dụ, nếu những ngôi nhà mang phong cách châu Âu thì ban công được điểm thêm các đường gờ, phào, chỉ khá cầu kỳ và sử dụng lan can sắt/thép với họa tiết tinh tế. Trong khi đó, ban công theo phong cách hiện đại được thiết kế đơn giản, có thể sử dụng lan can kính cường lực trong suốt tạo điểm nhấn sang trọng cho ngoại thất công trình.
Ngày nay, ban công là chi tiết rất quan trọng trong thiết kế nội-ngoại thất, đặc biệt là với căn hộ nhỏ hẹp. Không chỉ là nơi đón nắng gió vào nhà, ban công còn giúp gia tăng diện tích sử dụng một cách hiệu quả nếu bạn biết cách sắp xếp, thậm chí nó còn mang đến cảm giác căn hộ như thoáng rộng hơn so với thực tế. Những ý tưởng thiết kế ban công chung cư dưới đây rất đáng để bạn tham khảo, áp dụng cho không gian sống nhà mình.
Bài trí ban công thành góc thư giãn, đọc sách
Vốn là nơi ngập tràn nắng gió, ban công có thể trở thành không gian thư giãn lý tưởng sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Không quá khó khăn để sở hữu góc nghỉ ngơi, giải tỏa muộn phiền ngay trong chính căn hộ của mình. Bạn chỉ cần đặt ở ban công một bàn trà nhỏ, thêm vài ghế tựa, gối ôm, xung quanh treo/đặt những chậu cây hoa xinh xắn... Thật tuyệt khi vừa nhâm nhi thưởng thức tách cà phê, vừa ngắm nhìn khung cảnh thành phố nhộn nhịp. Tuy nhiên, nếu là người hướng nội và thích sự riêng tư, bạn có thể sử dụng lan can kính cường lực bao quanh tựa như một căn phòng nhỏ kín đáo.
Riêng với ban công nhỏ hẹp, thay vì bàn ghế cồng kềnh, hãy đặt 2 ghế tựa kiểu dáng thanh mảnh, trồng vài chậu hoa nhỏ gắn trực tiếp vào lan can, thêm dải đèn LED trang trí... cũng đủ để tạo nên góc ngồi thư giãn thoải mái và đẹp mắt. Nếu yêu thích sự lãng mạn, hãy lắp một chiếc võng nhỏ/xích đu hoặc ghế treo kết hợp đèn trang trí kiểu dáng độc đáo. Thậm chí, bạn có thể đặt ở ban công ghế nệm dáng dài để nằm đọc sách, thư giãn vào những ngày đẹp trời. Lưu ý, bạn nên chọn những bộ bàn ghế có kích thước vừa phải, phù hợp với diện tích ban công, dễ dàng xếp gọn và di chuyển khi thời tiết xấu để tránh hư hại.
|
Điểm nhấn ấn tượng của góc đọc sách, thư giãn ngoài ban công là bộ ghế lạ mắt, tông màu vàng cam nổi bật. |
|
Góc thưởng trà, ngắm cảnh lý tưởng ngoài nơi ban công nhà phố. |
|
Ý tưởng bài trí ban công dành cho những ai thích sự lãng mạn, phá cách. |
Vườn rau mini
Đây là lựa chọn phổ biến đối với ban công nhà phố. Nếu bạn muốn trồng rau sạch, cung cấp cho bữa ăn hàng ngày thì ban công có thể trở thành địa điểm lý tưởng để hiện thực hóa mong muốn này. Không chỉ mang đến nguồn rau quả tươi ngon, vườn rau mini còn điểm tô cho ban công thêm xanh mát, tươi mới quanh năm. Tuy nhiên, việc trồng rau trên ban công sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với sân vườn thông thường, đòi hỏi bạn phải thật sự khéo léo và biết cách chọn đất trồng, chậu, giống cây, chăm bón phù hợp...
|
Nếu có thời gian và chịu khó chăm sóc, bạn có thể sở hữu vườn rau mini ở ban công. |
-
Đất trồng: Tốt nhất nên trồng rau trên đất hữu cơ nhưng nếu điều kiện không cho phép thì bạn có thể sử dụng đất trồng thông thường và bổ sung thêm các chất hữu cơ. Trên thị trường hiện có rất nhiều loại đất đóng gói với thành phần gồm tro, than bùn, phân hữu cơ, xơ dừa... trộn lẫn theo tỷ lệ nhất định.
-
Chậu trồng rau: Để chọn được chậu trồng rau phù hợp bạn nên căn cứ vào kích thước cũng như khả năng sinh trưởng của từng loại rau củ. Ví dụ, với rau gia vị sẽ chọn chậu nhỏ để tiết kiệm diện tích. Trong khi đó, loại chậu to phù hợp với những loại cây cần nhiều dinh dưỡng để phát triển như khoai tây, cà chua, bầu bí... Chất liệu chậu cũng khá đa dạng gồm chậu sứ, chậu xốp, chậu nhựa. Loại chậu thông minh với tính năng ưu việt như thoát nước, không làm bẩn sàn hiện rất được ưa chuộng.
-
Loại cây phù hợp: Trước hết, bạn nên ưu tiên loại rau củ có kích thước vừa phải, dễ sống, dễ phát triển và tốn ít diện tích. Mặt khác, để cây sinh trưởng một cách hoàn thiện nhất thì loại rau mùa nào nên trồng vào mùa đó. Với rau ăn lá, hãy trồng các loại rau gia vị, rau cải, xà lách, mồng tơi... Nếu diện tích đủ rộng có thể trồng thêm khoai lang, khoai tây, cà chua, ớt...
-
Vị trí đặt chậu cây: Tùy vào đặc tính của cây trồng để chọn vị trí đặt chậu phù hợp. Trước khi trồng, bạn nên tìm hiểu về đặc tính phát triển của chúng như rau nào ưa bóng râm, rau nào ưa sáng...
"Phòng khách" ngoài trời
Ban công dù rộng rãi hay chật hẹp thì bạn đều có thể bài trí thành góc tiếp khách ngoài trời thoáng mát chỉ với bàn trà nhỏ xinh, vài ba ghế tựa lót nệm êm ái, trang trí thêm cây hoa, đèn thắp sáng. Không gian này sẽ là nơi bạn tiếp đãi bạn bè, các vị khách thân quen. Không cần quan tâm tới diện tích, gia chủ có thể thoải mái trang trí "phòng khách" ngoài trời mà vẫn đảm bảo sự thông thoáng, gần gũi với thiên nhiên để nghỉ ngơi, trò chuyện thoải mái.
Hiện nay, phần lớn các gia đình đều sử dụng phòng khách giống như phòng sinh hoạt chung. Thế nhưng, phòng khách đơn thuần có thể không đảm bảo tính riêng tư cần thiết. Thế nên, bạn hoàn toàn có thể bài trí ban công thành nơi chuyện trò thân mật của cả gia đình. Trong trường hợp này, gia chủ nên sử dụng thêm mái bạt, ô dù lớn để che chắn, đảm bảo "phòng khách" nơi ban công luôn mang đến cho người dùng cảm giác thoải mái, tiện nghi nhất có thể.
Góc làm việc ngoài ban công
Xu hướng thiết kế góc làm việc ngoài ban công khá mới mẻ đối với các gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, xu hướng này ngày càng được ưa chuộng. Đây là giải pháp thiết kế hữu hiệu giúp tối đa hóa diện tích sử dụng trong nhà phố, căn hộ chung cư nhỏ chật.
>> Xem thêm: 6 nguyên tắc thiết kế phòng làm việc tại nhà hoàn hảo
Nếu diện tích nhà hạn chế thì phòng/góc làm việc trước đây thường được tích hợp trong phòng khách, phòng ngủ, thậm chí là cả trong gian bếp để tiết kiệm không gian. Tuy nhiên, bạn có thể khó tập trung khi ngồi làm việc tại các khu vực này vì bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thường nhật khác. Để khắc phục, hãy thử bài trí ban công thành góc làm việc thoáng đãng, ngập tràn cây xanh, ánh sáng.
Những ban công rộng rãi cho phép bạn thoải mái đặt bộ bàn ghế, giá kệ lưu trữ sách báo lớn. Thế nhưng, cũng không cần phải quá lo lắng khi ban công nhỏ chật. Với trường hợp này, bạn nên ưu tiên sử dụng loại bàn ghế có thể gấp gọn khi không sử dụng, bàn nối liền giá sách gắn trực tiếp vào tường, bàn vát góc... sao cho vừa vặn với diện tích ban công, đồng thời mang đến cái nhìn độc đáo, cá tính. Cùng với đó, hãy chọn bảng màu sáng để trang trí góc làm việc nhỏ nhằm tạo cảm giác thoáng rộng hơn.
Khi thiết kế góc làm việc ngoài ban công, gia chủ lưu ý lắp đặt hệ thống rèm che dày dặn để tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp cũng như đảm bảo cho người ngồi làm việc tập trung hơn, tránh bị phân tâm. Ngoài ra, để tạo cảm giác thư giãn và gần gũi với thiên nhiên, có thể bài trí thêm một vài chậu hoa, cây cảnh xung quanh góc làm việc hoặc tường cây xanh (tường được bao phủ một phần hoặc hoàn toàn bởi thực vật gồm cả chất nuôi sống cây như đất, tích hợp hệ thống tưới cây...).
|
Với góc làm việc ở ban công, bạn nên thiết kế bàn, giá kệ gắn trực tiếp vào tường để tiết kiệm diện tích. |
|
Nếu diện tích đủ rộng, bạn hoàn toàn có thể bài trí ban công thành góc làm việc kết hợp tiếp khách, thư giãn... |
Phòng giặt, phơi kết hợp
Ban công chung cư, nhất là với những căn hộ có diện tích hạn chế thường được tận dụng làm phòng giặt sấy kết hợp sân phơi quần áo cho các thành viên gia đình. Ý tưởng lắp đặt máy giặt sấy, dây/giàn phơi ở ban công đã và đang được nhiều gia đình áp dụng bởi đây là khu vực không gian mở thoáng mát, đón được nắng gió tối đa giúp quần áo nhanh khô, thơm tho hơn. Chưa kể, ban công thường có sẵn hệ thống thoát nước nên việc giặt giũ cũng thuận tiện hơn.
Khi bài trí ban công chung cư thành khu giặt phơi kết hợp, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
-
Đặt máy giặt ngay ngắn vào góc ban công để đảm bảo việc di chuyển được thuận tiện, dễ dàng.
-
Lắp đặt giàn phơi quần áo áp trần thay vì móc/giá treo di động chiếm diện tích.
-
Tận dụng mảng tường trống bố trí giá kệ, tủ treo để cất gọn móc phơi, nước giặt, nước xả...
-
Sử dụng lưới thép bao bọc khoảng không phía trên lan can để đảm bảo an toàn, tránh quần áo bị bay mất.
-
Dùng vải hoặc áo trùm chuyên dụng che chắn máy giặt khỏi mưa, nắng.
-
Trồng thêm hoa, cây cảnh nhỏ xinh như dạ yến thảo, sen đá, xương rồng... tạo cảnh quan xanh mát.
|
Mẫu thiết kế phòng giặt kết hợp sân phơi nơi ban công đơn giản, gọn đẹp. |
Nhà cho thú cưng
Tuy không được ứng dụng phổ biến nhưng đây cũng là một trong những ý tưởng đáng để bạn tham khảo nếu nhà có nuôi thú cưng. Hiện nay, một số gia đình thiết kế "phòng ngủ" cho chó, mèo ngoài ban công để tiết kiệm diện tích bên trong nhà. Ban công là nơi thông thoáng, thích hợp để nuôi chim cảnh. Với ý tưởng này, gia chủ nên trồng thêm hoa, cây xanh để tạo cảnh quan tự nhiên, tốt cho vật nuôi. Đặc biệt, hãy chú ý che chắn ban công bằng rèm che, kính cường lực để chúng không bị dính mưa, gió lạnh vào mùa đông hay nắng nóng mùa hè.
|
"Dinh thự" đầy đủ tiện ích cho thú cưng nhà bạn. |
Một số lưu ý khi thiết kế và bài trí ban công
Thứ nhất, xác định rõ phong cách thiết kế: Phong cách ban công nên đồng nhất và hài hòa với thiết kế chung của ngôi nhà hoặc căn hộ chung cư. Ví dụ, ban công kiểu Á Đông nên ưu tiên yếu tố nước, đá, cây xanh. Ban công phong cách châu Âu chú trọng đường nét mạnh mẽ, vuông vắn, cây xanh cắt tỉa gọn gàng.
Thứ hai, chọn vật liệu phù hợp nhất: Là nơi chịu tác động trực tiếp của điều kiện thời tiết, nắng mưa nhiều nên vật liệu thiết kế ban công cần được cân nhắc, lựa chọn kỹ. Chẳng hạn, với vật liệu lát sàn, bạn có thể chọn sàn gỗ tự nhiên/công nghiệp đã qua xử lý chống ẩm mốc, trơn trượt hoặc sàn nhựa giả gỗ để chúng luôn khô thoáng, sạch sẽ. Điều này được áp dụng tương tự với bàn ghế, phụ kiện trang trí ban công.
Thứ ba, chú trọng yếu tố an toàn: Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng khi bài trí ban công, nhất là đối với gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già. Theo đó, hệ thống thoát nước cần đảm bảo hoạt động tốt, không bị đọng nước khi trời mưa; tay vịn ban công chắc chắn, sàn ban công cần có độ ma sát cao...
Thứ tư, trồng quá nhiều cây: Trồng quá nhiều cây ở ban công không đồng nghĩa với việc làm cho không gian này trở nên đẹp hơn. Thay vì thế, hãy lựa chọn loại cây phù hợp, số lượng cây vừa phải phù hợp với diện tích ban công và đảm bảo khoảng cách nhất định giữa các cây. Nên bố trí cây ưa bóng dưới tán của cây lớn hơn.
Thứ năm, sử dụng quá nhiều chậu nhỏ: Ban công nhà bạn sẽ trở nên lộn xộn, không có điểm nhấn nếu sử dụng quá nhiều chậu cây nhỏ. Có thể dùng một chậu lớn và trồng xen kẽ vài ba loại cây cao/thấp, màu sắc khác nhau để mang đến cái nhìn thú vị hoặc treo chậu cây lên lan can, làm tường cây.
Thứ sáu, chỉ trồng mỗi hoa: Nếu chỉ trồng mỗi hoa thì ban công có thể thiếu đi sự hài hòa. Vì thế, hãy trồng thêm một vài loại cây cảnh với lá bản rộng hoặc cây cho quả như cà chua, ớt...
Lam Giang
>> Tham khảo 3 ý tưởng làm đẹp ban công nhà phố
>> Tổng quan về kiến thức phong thủy ban công