Cây cảnh trong nhà - đó là góc thiên nhiên thu nhỏ trong gia đình. Những chậu cây xanh trong nhà đẹp mắt, tô điểm nhiều màu sắc và ngát hương hoa. Nó còn làm giảm bớt cảm giác nặng nề bởi những khối bê tông giúp cho con người gần gũi với thiên nhiên, cơ thể được thư giãn, tinh thần sảng khoái.
Giải trừ ô nhiễm
Với cuộc sống hiện đại, trong nhà ở hiện nay có rất nhiều những sản phẩm công nghiệp. Người ta đã nghiên cứu thấy trong phòng ở ô nhiễm nhiều chất hữu cơ bay hơi có thể đầu độc khí thở. Các chất này thoát ra từ các vật liệu như cao su, chất dẻo, vecni, xăng dầu, chất tẩy rửa, khói thuốc lá, hơi bếp gas, các loại giấy mực... Có hàng chục chất hóa học có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, trong số đó 4 chất tiêu biểu nhất là formaldehyd, trichloethylen, benzen, toluen. Với một chậu cây tốt tươi có thể giúp cho khoảng 9 - 10m2 diện tích phòng ở có không khí trong sạch, hạn chế các ô nhiễm nói trên.
Ý nghĩ dùng cây xanh thanh lọc không khí đã có từ thập niên 70, sang thập niên 80 (của thế kỷ 20) thì có những công bố rất thuyết phục. Tiêu biểu có nghiên cứu của William Wolverton (Mỹ) nghiên cứu trên những loại cây dùng trang hoàng trong các phòng làm việc và nhà ở. Từ nhiều lần thí nghiệm, ông xác định được là mỗi loài cây có khả năng hấp thu được một số hóa chất gây ô nhiễm. Sau 24 giờ trong điều kiện luôn luôn có ánh sáng một cây lô hội (Aloe vera) khử được đến 90% forrnaldehyd trong 1m3 không khí. Cũng trong điều kiện đó dây thường xuân (Lierre commun) hấp thu 90% và cây bồng bồng (Dracaena) hấp thu 79% benzen. Wolverton ước tính cứ 9m2 mặt bằng trong nhà thì cần có một cây xanh để duy trì chất lượng không khí có lợi cho sức khỏe và ông đã lập danh mục 15 loài cây có khả năng giải trừ ô nhiễm môi trường sống.
Theo kết quả nghiên cứu của NASA công bố năm 1989, thì có nhiều loại cây có triển vọng sử dụng hiệu quả trong việc thanh lọc không khí như lô hội, dây thường xuân, vạn niên thanh, cây đuôi hổ, bồng bồng, ráy thơm, sung, đa...
Nên và không nên trồng cây gì?
Cây cảnh là những cây đẹp, xanh tươi, được trồng trong chậu, dùng những thủ pháp để thu nhỏ, được cắt tỉa tạo dáng, bố cục hợp lý. Cây cảnh được chia ra cây nội thất và cây ngoại thất:
Cây ngoại thất: là cây không nên đưa vào trong nhà, mà trồng ở vườn quanh nhà. Nếu đưa vào trong nhà, cây không phát triển được, mà còn có hại cho sức khỏe. Ban đêm không có ánh sáng mặt trời để quang hợp. Cây nhả CO2 và thu O2, nếu trong một phòng kín sẽ gây thiếu oxy có hại cho người thở.
Cây nội thất: Là cây có thể trồng ở trong phòng. Về đêm chúng thu khí CO2 và nhả oxy làm tăng dưỡng khí, điều tiết và làm sạch không khí trong phòng ở.
Người xưa, cũng có nhiều kinh nghiệm chơi cây cảnh, đã chia 10 loại cây làm ba bộ: Bộ tứ quý là tùng, trúc, cúc, mai; ứng với tứ bình tứ thời xanh tốt: xuân tùng, hạ trúc, thu cúc, đông mai. Bộ tứ linh là đa, sung, sanh, si trồng hoặc đặt ở ngoại thất (thường ở các cửa, sân nhà). Bộ tam đa vạn tuế (hoặc thiên tuế, thanh tuế, sơn tuế...), lộc vừng, sung (đang ra quả), ứng với phúc, lộc, thọ, đều được đưa vào nội thất. Bộ tứ quý bay trong nhà: mặt trước là nam quân tử (tùng, trúc), mặt sau là nữ khuê phòng (cúc, mai). Nội thất, người xưa thường trồng các loại cây như thiết mộc lan, trúc nhật, vạn niên thanh, phất lộc. Còn ngoại thất thường trồng một số loài hoa thơm như ngọc lan, móng rồng, lan tiêu ở nơi đất rộng. Nếu đất hẹp thì trồng hoa sói, nhài, nguyệt quế, xen cạnh các cây có màu sắc rực rỡ như hồng, cẩm chướng, mẫu đơn...
Mấy năm trước đây, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật đã thử nghiệm nhiều loại cây cảnh để xác định cây nội thất hay ngoại thất, qua thử nghiệm hai loại cây trúc nhật và thiết mộc lan là những cây nội thất về đêm, hai cây này thu hút khí CO2 và nhả O2 làm tăng dưỡng khí, điều tiết và làm sạch không khí. Cũng qua thử nghiệm cây đa không phải là loại cây nội thất.
Trồng cây cảnh trong nhà cần phải biết đó là loại cây nội thất hay ngoại thất. Mặt khác, còn cần chú ý yếu tố hợp lý (hợp với phòng to, hay nhỏ), màu sắc hài hòa.
Đề phòng dị ứng
Có một số người có thể bị dị ứng do cây cảnh. Có bệnh nhân cho hay: "Khoảng 5-10 phút trong phòng khách tự nhiên mắt tôi bị cay ngứa và mũi chảy nước thành giọt. Và hiện tượng này chỉ chấm dứt khi tôi đi sang phòng khác. Phải hơn một năm sau bác sĩ mới tìm ra được nguyên nhân gây dị ứng là do cây sung trồng cạnh cửa sổ phòng khách". Có cháu bé 3 tháng tuổi vào viện trong tình trạng mẩn ngứa khó thở, suy hô hấp. Nguyên nhân được tìm ra là do mẹ cháu trồng rất nhiều cây cảnh, đúng lúc các cây (lan, nhài, quỳnh...) đua nhau nở hoa.
Dị ứng có thể là nổi mày đay, viêm mũi, chảy nước mắt và ngứa, hắt hơi, khó thở, thậm chí lên cơn hen phế quản. Bởi vậy, người ta cũng khuyên ai đó có những biểu hiện dị ứng mà chưa rõ "thủ phạm" thì cần chú ý ngay tới những cây cảnh trong nhà, hoặc bên cửa sổ phòng ngủ, kẻo rồi “giặc ở ngay sau lưng" mà không biết. Tuy nhiên, với người bình thường thì không hề dị ứng với cây cảnh. Tùy cơ địa từng người mà mức độ dị ứng đối với từng loại cây cảnh có khác nhau: có người chỉ dị ứng với cây này, nhưng không dị ứng với cây kia; với người khác thì ngược lại... Ngoài ra, những người có cơ địa dị ứng thì không chỉ cây cảnh, mà còn nhiều thứ khác. Đương nhiên với người dị ứng thì không nên trồng cây cảnh trong nhà.
(Theo SKĐS)