Ngoài việc tạo sự đồng bộ trong nội thất nhà ống hẹp, cũng còn cần tăng tính nổi bật nhằm tạo điểm nhấn để không gian cư trú thêm sống động. Một số giải pháp sau đây sẽ là câu trả lời phù hợp.
Nổi bật khí tại trung cung
Cách xác định trung cung của một ngôi nhà khá đơn giản, đó là điểm (hoặc vùng) trọng tâm của mặt bằng ngôi nhà. Trung cung ngôi nhà thường bố trí cầu thang hoặc giếng trời hay các không gian chung, từ đó tỏa đi các không gian riêng khác. Nếu bố trí chủ động ngay từ đầu thì ngôi nhà vừa tránh được tình trạng tối tăm ẩm thấp tại vùng hạt nhân, vừa dễ dàng thực hiện tiếp các giải pháp nổi bật - gia tăng khí.
Chính nhờ thủ pháp làm giếng trời ở giữa nhà mà nội thất luôn sáng sủa, gió phân bố theo cầu thang và trục giao thông. Các phòng trên lầu khi mở cửa ra cũng đều vướng vào trung cung - giếng trời này. Để gia tăng khí, trên tường dọc theo giếng trời có thể bố trí vài đèn pha, cây cối (loại sống trong nhà) cũng như các vật trang trí nhỏ nhưng có tác dụng nhấn mạnh. Trên chiếu nghỉ cầu thang, bạn có thể treo tranh hoặc mảng trang trí trên tường... nhằm thu hút sự chú ý và giảm hẳn sự nhàm chán khi đi lên cầu thang các tầng.
Nội bật khí tại góc nhà
Các góc nhà luôn là nơi tù hãm, ít lui tới nên tồn đọng bụi bẩn, ẩm thấp. Đặc biệt trong nhà ống hẹp, bạn thường có xu hướng kê nội thất sát tường để tiết kiệm không gian. Cách này càng làm cho các góc nhà trở thành những "góc chết", ảnh hưởng xấu đến trường khí toàn nhà. Cần tìm hiểu và nhận định vị trí, hình thế của từng không gian nhằm đề ra các biện pháp trang trí. Chẳng hạn, có thể đặt một đèn đứng tại góc phòng khách, tạo một tủ trưng bày nhỏ dưới gầm thang, treo gương phản quang... để giúp ngôi nhà trở nên rộng hơn. Từ đó, bạn có thể thấy, đối với nhà hẹp trong đô thị, giải pháp nội thất theo dạng đồ dùng đơn giản, ít chi tiết, số lượng chỉ vừa đủ dùng sẽ là phương hướng chủ đạo không chỉ làm thoáng đẹp mà còn giúp phong thủy trong nhà có điểm nhấn cần thiết, hợp lý và hài hòa.
(Theo Thanh Niên)