Phương án hướng tới sự hài hòa trong không gian, cảnh quan kiến trúc khu vực, hiện đại, độc đáo và đáp ứng yêu cầu cao về công năng sử dụng, đồng thời gắn liền với phương án bảo tồn di tích lịch sử tại chỗ.
Nhà Quốc hội mới nằm trong lô đất có diện tích 57.700 m2, giới hạn bởi bốn trục đường gồm Bắc Sơn, Độc Lập, Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ, có diện tích khoảng 12.000 m2, kích thước 106 m x 115 m, 6 tầng, trong đó có 1 tầng hầm, diện tích xây dựng 7.900 m2 với mật độ dưới 30%. Khẩu độ kết cấu chính là 8 x 8 m cho khu văn phòng. Riêng khu phòng họp và mái sảnh vào do yêu cầu về không gian kiến trúc nên có khẩu độ lớn hơn.
Công trình có bố cục cân xứng, đặt theo trục Bắc - Nam, hợp khối, hướng nhìn mở về đường Bắc Sơn. Trên tổng thể mặt bằng có công trình chính là nhà Quốc hội; ngoài ra còn có vườn Quốc hội (khu đất chuyển tiếp giữa nhà Quốc hội và khu di tích); khu di tích Hoàng Thành; mặt sau của Bộ Ngoại giao đã cải tạo; quảng trường Bắc Sơn; giao thông đi lại trên quảng trường; garage ngầm cho nhà Quốc hội.
Lối lên chính của nhà Quốc hội từ phía quảng trường đường Bắc Sơn được tổ chức lên thẳng tầng 2, dẫn vào đại sảnh 1.200 m2 thông tầng. Từ đây, dẫn vào phòng hội đàm, tiếp khách. Sảnh chính được tổ chức các bậc thang để chụp ảnh lưu niệm, tạo sự long trọng, bề thế cho công trình và điểm lùi về tầm nhìn cho công trình và một tầm nhìn cho đại biểu và khách từ sảnh chính nhìn ra quảng trường đẹp, rộng rãi. Giao thông đứng được bố trí thành 6 cụm (3 cụm cho mỗi bên) phục vụ cho 6 đơn nguyên, mỗi cụm gồm 2 thang máy và 1 thang bộ.
Công trình nằm trong khu Ba Đình lịch sử nên giải pháp kiến trúc phải hòa nhập với khung cảnh chung nhưng lại thể hiện cái riêng của một trụ sở công quyền cao nhất. Trong cái “tĩnh tại” chung của tổng thể có cái “động” của hình khối. Trong cái hài hòa chung với khu vực có cái nổi trội tạo thành biểu tượng cho nhà Quốc hội. Thiết kế hiện đại nhưng vẫn khai thác các bản sắc văn hóa, không gian Việt, hạn chế sử dụng hình khối, tỷ lệ, vật liệu và màu sắc quá nổi bật để tạo ra sự trang trọng, uy quyền.
Nhà Quốc hội có bố cục 3 tầng làm đế vững chắc, tầng thứ 4 thu lại để 2 tầng trên vươn ra giữa quảng trường. Nhìn tổng thể, công trình có độ lớn và hoành tráng nhưng không tạo ra những tỷ lệ và mảng khối đồ sộ trong không gian. Phạm vi đứng được chia thành 3 cấp thụt dần vào trong tạo ra tỷ lệ hài hòa về chiều cao. Phân vị ngang (mặt bên) được chia thành 4 đơn nguyên gắn với nhau bằng các vườn trong vì thế không tạo ra những mảng tường đồ sộ và kéo dài, không gây cảm giác nặng nề. Phòng họp hình trống đồng được phô diễn một phần trong không gian. Kiến trúc nhiệt đới Á đông đã đưa vào các vườn giữa các khối làm việc vừa tạo sự kín đáo, tránh hướng nắng đông - tây vừa tạo ra các vườn cảnh mang lại sự thư giãn trong công việc. Garage ôtô ngầm có thể chứa 800 xe ôtô và 200 xe máy được bố trí từ phía dưới đường Bắc Sơn.
Phần đất sau khi quy hoạch lại khu khảo cổ di tích Hoàng Thành sẽ dành phần lớn để tạo ra một “vườn Quốc hội”. Cây xanh sẽ được trồng mật độ dày phía ngoài và thoáng ở trục giữa tạo ấn tượng những mảng cây dày và lớn. Khu vườn này có thể khai thác làm nơi tiệc chiêu đãi ngoài trời.
Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long sau khi được quy hoạch và xây dựng sẽ nâng cao giá trị cho nhà Quốc hội. Các hố đào, dòng sông cổ, hiện vật tại chỗ sẽ được bảo tồn và trưng bày trong bảo tàng ngầm. Bảo tầng ngầm cho phép bảo quản hiện vật, di tích, có điều kiện đưa các thiết bị kỹ thuật để bảo quản như ánh sáng, điều hòa, an ninh..., không làm phá vỡ cảnh quan phía trên mặt đất, tạo thuận lợi cho người xem trong điều kiện thời tiết xấu. Bảo tàng nối liền tất cả các khu vực khai thác, bên cạnh đó mở rộng diện tích làm phòng trưng bày hiện vật tại chỗ để đa dạng bảo tồn tại đây, có lối ngầm dẫn sang thành cổ tạo thành một quần thể di tích.
Vật liệu kết cấu chính được chọn cho sàn và khối văn phòng là bê tông cốt thép đổ tại chỗ. Riêng phần mái khẩu độ lớn dùng kết cấu thép chịu lực. Để chịu tải trọng động đất và gió, tòa nhà được cấu tạo hệ thống lõi cứng bê tông cốt thép tại các khu kỹ thuật, thang máy và một số tường phòng nếu cần thiết. Những lõi cứng này được bố trí đối xứng và dàn đều trên toàn mặt bằng công trình. Phần tường bao hình chóp cụt của phòng họp chính cũng sẽ được cấu tạo bê tông cốt thép trên 8 cột chính để chịu tải ngang và tạo thành phần đế đỡ kết cấu mái thép bên trên. Khu văn phòng và các khu phụ trợ khác có khẩu độ tương đối đều do vậy có thể sử dụng kết cấu sàn không dầm hoặc dầm bẹt. Kết cấu này chiếm dụng tối thiểu không gian trần và cho phép các hệ thống kỹ thuật như điện nước điều hòa có thể triển khai thuận lợi.
Phần mái sảnh có khẩu độ 46 m chiều cao lớn, lợp bằng kính hoặc vật liệu trong nhằm lấy ánh sáng do đó yêu cầu hệ kết cấu cần nhẹ, khỏe và có tính thẩm mỹ. Kết cấu dàn thép không gian dùng ống hàn đối đầu là giải pháp đáp ứng được những yêu cầu này. Đây cũng là hệ kết cấu đẹp, hiện đại và thường thấy áp dụng cho nhưng công trình như nhà ga sân bay, triển lãm... Đối với mái phòng họp chính, mặt bằng kết cấu mái là hình tròn, tải trọng lớn hơn (bao gồm tấm lợp, trần, hệ thống kỹ thuật) và là kết cấu được bao che, do vậy tính hiệu quả được đặt trên yêu cầu thẩm mỹ. Hệ kết cấu mái này có thể sử dụng dàn thép không gian truyền thống hoặc giàn thép kết hợp hệ dây căng dưới.
Bên cạnh hệ thống kiểm soát vào ra, hệ thống chống xâm nhập cũng được triển khai. Với cùng những lý do như việc kiểm soát vào ra, hệ thống chống xâm nhập cũng được thiết kế tập trung cho toàn bộ các hạng mục với khả năng chương trình hóa các thiết bị bảo vệ và thu thập thông tin từ các khu vực cần đảm bảo an ninh.
Đ.T.