Cầu thang là phần quan trọng liên quan đến nhiều yếu tố cả về kiến trúc cũng như phong thủy trong một ngôi nhà. Cách thiết kế rất đa dạng tùy thuộc vào vị trí địa lý, sở thích hay dựa trên quy luật Ngũ hành Âm dương.
Là khu vực kết nối giữa các không gian trong nhà nên cầu thang cũng được chăm chút khá tỉ mỉ. Đặc biệt, nhà phố có diện tích hạn hẹp nên thường thiết kế cầu thang nhỏ và có độ dốc cao hơn so với những ngôi nhà có diện tích lớn. Với trường hợp này đa phần chủ nhà lựa chọn vách kính để giúp không gian thoáng và rộng hơn. Ngoài ra có thể tạo không gian xanh ở khu vực này bằng cách thiết kế những góc nhỏ tiện cho việc bài trí tiểu cảnh làm duyên cho ngôi nhà.
Không đơn thuần là nút giao thông giữa các tầng trong nhà, cầu thang còn góp phần tạo nên nét thẩm mỹ nội thất, tô điểm thêm nét duyên dáng cho nhà ở. Trong kiến trúc hiện đại, các gia đình thường kết hợp cầu thang cùng giếng trời để làm đẹp thêm ngôi nhà và giúp khí lưu thông từ tầng một lên các tầng trên trong nhà được thông suốt. Một số gia chủ còn tận dụng gầm cầu thang làm nhà vệ sinh hoặc nhà kho, kệ TV, kệ sách... Nếu diện tích này được thay bằng mảnh vườn khô có sỏi trắng với vài chậu cảnh nhỏ sẽ khiến góc chết trở thành điểm nhấn sinh động và đẹp mắt.
Tương tự như vậy, với các diện tường của thang chất liệu có thể là gỗ, đá ốp hoa văn đẹp mắt, treo tranh hoặc bố trí đèn tạo hiệu ứng thị giác. Kết hợp cây xanh ở chiếu nghỉ hoặc dọc thang tạo thành khoảng không gian tươi vui trong nhà của bạn.
Cầu thang được xem là phương tiện dẫn khí từ tầng này lên tầng kia nên thường phải được thiết kế sao cho rộng rãi, sáng sủa và không bị tù túng nhằm kích thích năng lượng tốt lên theo đường cầu thang đến tận vùng không gian sống của các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy có những nguyên tắc nhất định phải tuân theo khi đặt cầu thang như: không đặt ở vị trí trung cung của ngôi nhà, thang không hướng thẳng ra cửa chính, không nên bắt đầu hoặc kết thúc ở trước nhà vệ sinh….
KTS Lưu Giang Nam