Nằm trong khu vực suối nước nóng Xin Beitou (Tân Bắc Đầu) xanh tươi ở chân núi lửa Datun, “Din-a-ka”, một ngôi nhà tối giản được thiết kế bởi Hiệp hội Thiết kế quốc tế Wei Yi phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng của cặp vợ chồng già đã về hưu. “Din-a-ka” trong tiếng Anh có nghĩa là “con đường có mái vòm”, vốn được sử dụng như một không gian kết nối cộng đồng ở các vùng nông thôn nhằm gợi lại ký ức về nền kinh tế nông nghiệp của Đài Loan trước đây.
|
Ngôi nhà có tầm nhìn ra thiên nhiên tươi xanh dưới chân núi Datun, gần đó là suối nước nóng Xin Beitou nổi tiếng. |
Để làm được điều đó, nhà thiết kế Fang Shin-yuan đã phát triển một ngôn ngữ thiết kế tối giản theo phong cách hiện đại của riêng mình bằng cách kết hợp phong cách kiến trúc hiện đại, nét thẩm mỹ tinh tế của Triều đại nhà Tống (Trung Quốc), tính thẩm mỹ truyền thống của người Nhật, đồng thời lấy cảm hứng từ môi trường xung quanh.
Sống tại đây, cặp vợ chồng đã về hưu không chỉ được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên bao quanh ngôi nhà thông qua ban công hay khung cửa sổ rộng mở mà còn qua các vật liệu làm nội thất chiếm ưu thế trong nhà. Có thể kể đến như gỗ tái chế, sàn và trần bê tông lộ thiên, đá mài terrazzo và chiếu tatami được dệt từ cói của người Nhật.
|
Trải dài trong ngôi nhà rộng 160m2, không gian sinh hoạt chung gồm tổ hợp bếp, phòng khách, phòng ăn và một số khu vực chức năng khác. |
|
Khu vực này có tầm nhìn thoáng mở nhờ ban công rộng và hệ cửa kính lớn. |
|
Không gian trải dài có thể được phân chia thành hai phòng riêng rẽ nhờ hệ cửa gỗ cánh gấp. |
|
Trong khi đó, khu vực ban công được trang bị cửa kính cánh gấp và có thể được che kín hoàn toàn nhờ một lớp rèm nhằm đảm bảo sự riêng tư cho không gian bên trong. |
Ván gỗ phong hóa, tường đổ bê tông cùng sàn và trần xi măng lộ thiên không chỉ phản ánh nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào tại địa phương mà còn giúp ngôi nhà trở nên thông thoáng, dễ chịu và tạo cảm giác chào đón hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện đúng tinh thần của phong cách Wabi – sabi: tôn trọng vẻ đẹp không hoàn hảo, vô thường và không trọn vẹn. Tập trung vào chấp nhận sự không hoàn hảo và tính phù du, Wabi – sabi hoàn toàn nắm bắt được cảm xúc hoài niệm, hoài cổ của những người lớn tuổi.
Không gian nội thất tuân theo sự thanh lịch tối giản với đường nét rõ ràng, hình dáng đơn giản, tiết chế trong việc sử dụng các đồ trang trí – nét đặc trưng trong kiến trúc thời Tống và mang cảm hứng hoài cổ cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của người già.
|
Chiếc tủ gắn tường màu xanh nhã nhặn chặn ngay phía trước lối vào như báo hiệu rằng bạn sắp bước vào một không gian đầy thơ mộng. |
|
Bức tường ngăn cách phòng khách với hành lang dẫn lối tới phòng ngủ cũng được tích hợp tủ lưu trữ tiện dụng là nơi đặt tivi và các thiết bị giải trí. |
|
Mặt tường còn lại được phủ một lớp kim loại gỉ sét ánh vàng. |
|
Hành lang được ốp gỗ bách đã phong hóa mang đến cảm giác hoài cổ. |
|
Phòng thiền cũng chính là khu vực thưởng trà, được thiết kế và bài trí theo phong cách tối giản của người Nhật, tiết chế trong việc sử dụng nội thất và trang trí, đồng thời tập trung vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt sắc qua khung cửa rộng. |
|
Tương tự như vậy, phòng ngủ cũng được bài trí thanh lịch nhằm tạo ra không gian ngủ nghỉ đúng nghĩa. |
|
Phòng tắm đơn giản nhưng không đơn điệu với sự kết hợp của các vật liệu như đá cẩm thạch trắng, bê tông và đá mài terrazzo. |
|
Phòng tắm của khách sang trọng và ấn tượng với ánh đèn ấm áp, tường vữa mộc mạc và bàn gỗ hồ đào. |