Nếu gia chủ là người có địa vị trong xã hội, phòng khách không đơn thuần là phòng tiếp khách mà còn là nơi trao đổi, bàn bạc công việc, thể hiện sự bề thế, sang trọng và thịnh vượng của gia đình.
Ngoài sự ấm cúng, gần gũi với thiên nhiên như một phòng khách thông thường, phòng khách cho gia chủ này phải đáp ứng được sự sang trọng, thuận tiện cho công việc. Không gian đẹp và sang trọng, gần gũi sẽ tạo được sự kính nể trong con mắt đồng nghiệp và cộng sự.
1. Sang trọng
Trang trí phòng khách có thể đi theo 2 xu hướng, hiện đại hoặc cổ điển. Những đường nét cong và mềm mại chính là hiện thân của nét đẹp cổ điển. Nếu bạn là người thích phong cách cổ điển, có thể trang trí cho trần nhà, hay đồ đạc, bàn ghế theo những đường cong. Về trang trí, phòng khách cổ điển thường có nhiều chi tiết như bàn ghế, phào, chỉ với nhiều đường cong; thước cột cổ điển, đèn được trang trí diêm dúa, cầu kỳ. Màu tường, ánh đèn thường có tông màu ấm
Các vật liệu phong cách cổ điển thường dùng là gỗ với nhiều chi tiết, sắc sảo và công phu. Ngoài ra, tranh đá, đồng hồ gỗ lớn, tượng, vv… cũng là những họa tiết trang trí làm cho phòng khách mang phong cách thêm phần sang trọng hơn.
Với những người trẻ trung, năng động có thể thích phong cách hiện đại, với những đường nét khỏe khoắn (hiện thân của vẻ đẹp hiện đại). Về màu sắc, phòng khách hiện đại thường dùng màu sắc trung tính như màu kem, màu trắng, ghi, vv…; các trang trí đơn giản, ít chi tiết. Phong cách hiện đại thường có những nét phá cách, chấm phá ấn tượng. Tuy nhiên, với sự bề thế của địa vị gia chủ, đôi khi sự phá cách kia phần nào sẽ giảm đi sự tôn nghiêm, trang trọng của không gian này. Vì vậy cần chú trọng, cân nhắc trong thiết kế.
Sự kết hợp giữa nét cổ điển và hiện đại là một phong cách nhiều gia chủ lựa chọn. Sự kết hợp giữa 2 tông màu, đen và trắng làm cho không gian kiến trúc này vừa mang nét cổ điển, vừa mang nét hiện đại. Khi thiết kế theo phong cách này, thì việc phối hợp màu sắc, kết hợp đồ đạc với chi tiết trang trí phải khéo léo, tránh sự bài trí kệch cỡm, gò ép không phù hợp với hoàn cảnh, địa vị của gia đình.
Nhằm tôn thêm nét sang trọng của phòng khách, đèn chùm đóng vai trò như một điểm nhấn lôi cuốn. Đèn chùm pha lê có đặc tính phản chiếu ánh sáng, với cấu tạo đối xứng tâm, nhiều vòng, nhiều tầng tạo nên sự biến đổi trong không gian nên rất thích hợp cho phòng khách lớn. Để tạo điểm nhấn cho những mảng tường, người ta thường dùng loại đèn ốp tường (có thể kết hợp cùng với tranh treo tường).
2. Thuận tiện cho công việc
Không gian kiến trúc này là nơi thường phải tiếp các đồng nghiệp, nhân viên nên cách bố trí sao cho hợp lý, tiện lợi cho công việc khi cần thiết là yếu tố đáng lưu ý. Những chiếc ghế sofa dài, với họa tiết hiện đại, màu sắc nhẹ nhàng đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nếu là quan khách, phòng khách có thể là những chiếc ghế riêng tạo sự tôn nghiêm.
Kết hợp phòng khách và phòng đọc là cách liên thông không gian nhằm tiết kiệm diện tích và cũng để thuận tiện khi cần lấy tài liệu, sách, thể hiện dân trí của gia chủ.
3. Không gian mở gần gũi thiên nhiên
Dù đáp ứng nhu cầu nào đi nữa, phòng khách vẫn phải là nơi đối thoại được với thiên nhiên. Không gian thoáng mát, chan hòa với thiên nhiên sẽ đem lại cảm giác thư thái, phấn chấn cho người trong đó. Màu sắc cho tường và trần nên chọn màu sắc nhẹ nhàng, tạo cảm giác rộng.
Cửa sổ nên dùng những vách kính lớn, cho tầm view đẹp nhất ra những cảnh quan đẹp. Khách có thể vừa ngồi chơi, vừa chiêm ngưỡng khu vườn dưới bàn tay khéo léo của gia chủ.
Hoa tươi trong phòng là yếu tố không thể thiếu vì nó tạo ra khí dương, đem lại sinh khí cho ngôi nhà. Với nhu cầu tiếp khách nhiều, có thể trồng thêm một số cây hút bụi và lọc không khí để mang lại bầu không khí trong lành. Khu vực cầu thang có thể bố trí tiểu cảnh, vòi phun nước, hay thác nước, vv…Thiên nhiên trong và ngoài sẽ hòa nhập tạo sự liên thông, thoáng đãng. Nó đóng vai trò như một điểm dừng của thị giác khi ta quan sát từ phòng khách.
KTS. Đỗ Tất Kiên
Công ty cổ phần ASpace