"Biệt phủ Thành Chương" là tên nhà văn Kim Lân và nhiều bạn bè đặt cho khu nhà vườn của con trai mình, hoạ sĩ Thành Chương, cách Hà Nội chừng 30 km ở Sóc Sơn.
Biệt phủ Thành Chương nằm trên khu đất rộng 10.000 m2 tại Sóc Sơn (Hà Nội) nằm sau lưng một quả đồi trọc. Toàn bộ khu đất được chủ nhân chia làm ba phần. Chính giữa là khu nhà 5 gian bằng gỗ lim đặc trưng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, được chính chủ nhân chuyển nguyên bản từ Nam Định về.
Tiếp đó là ngôi nhà sàn của người Mường ở Hoà Bình. Khu ở của gia đình hoạ sĩ là ngôi nhà cổ năm gian hai chái bằng gỗ lim rộng 120 m2 mang đậm dấu ấn của làng quê xưa. Phủ Thành Chương còn có một tháp nước trung tâm cao 25m được xây dựng theo kiến trúc chùa Dâu. Một trong những điểm nhấn cơ bản trong quần thể kiến trúc này là nhà nghỉ chân bên ao cá được làm bằng gỗ, lợp cói khô.
Đây như một làng quê Bắc Bộ thu nhỏ đang lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, giới thiệu với mọi người khá đầy đủ về cuộc sống của những người nông dân Việt Nam.
Ngay từ cổng vào phủ đã làm bạn gợi nhớ đến chiếc cổng làng Việt có từ hàng trăm năm trước với vòm cổng và các đường nét uốn lượn, hai bên có đôi lân chầu. Ẩn sau cánh cổng bạn sẽ bắt gặp ngay những nét quen thuộc của thôn quê: bên phải có hồ thả cá với chiếc cầu đá để ngồi câu, bên trái có một giếng nước cổ, nghe đâu hoạ sĩ Thành Chương đã săn lùng được từ Thanh Hóa. Con đường dẫn từ cổng chính đi vào khu nhà được lát bằng gạch Bát Tràng.
Một trong những nét đẹp của quần thể kiến trúc tại đây là những ngôi nhà được xây dựng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Một ngôi nhà bằng gỗ lim cổ theo kiểu truyền thống 5 gian, đặc trưng của người nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ với những nét chạm trổ công phu và trang trí cầu kỳ: hai bên cửa là hàng câu đối sơn son thiếp vàng cùng những hoành phi câu đối.
Đây là nơi trưng bày nhiều loại đồ cổ quý hiếm của hoạ sĩ và những bức tranh sơn mài với phong cách rất "Thành Chương". Nghe nói, một gallery trưng bày tranh đang được xây dựng tại đây để người xem có thể thưởng thức nhiều hơn những bức tranh của chủ nhân.
Bên cạnh đó là nhà sàn bằng gỗ của vùng cao được cải tạo cho phù hợp: tầng dưới tiếp khách, trên là nhà ở. Nằm ở giữa trung tâm là tháp nước cao 5 tầng mái cong tựa như kim tháp của các chùa, tạo cho cảnh quan một vẻ đẹp riêng vừa là nơi để du khách chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh.
Ở phía trái là ngôi nhà lớn, cao năm tầng có kiến trúc như ngôi chùa, tầng trên treo một cái chuông là nơi sinh hoạt của gia đình. Xuống một bậc cấp là vườn cây ăn trái. Xuống nữa là khu chăn nuôi bên cạnh khu nhà người làm ngay sát cổng.
Ngoài sân, còn có rất nhiều chum nước, vại sành. Đằng sau ngôi nhà chính là đống rơm được đánh cao. Cũng có lẽ nhờ những điều đặc biệt này mà hàng trăm du khách trong và ngoài nước đã đến thăm biệt phủ Thành Chương.
Xung quanh nhà được tô điểm bằng màu xanh mướt của các loại cây trồng quen thuộc: nào tre, chuối, cau, nhãn lồng, vải thiều, khế lúc lỉu quả trên cành, rồi các loại hoa, cây "cổ thụ", cây cảnh quý với nhiều dáng kỳ lạ.
Phủ Thành Chương mở cửa hàng ngày để bạn bè, khách thập phương đến thăm. Nếu thư thả, bạn hãy đọc quyển sổ lưu bút bằng giấy dó sẽ thấy, hầu như tất cả những dòng chữ ghi lại đều biểu thị sự ngưỡng mộ và khâm phục sự sắp đặt khéo léo, tài tình của chủ nhân khu biệt phủ.
Bất cứ ai đã từng đặt chân đến biệt phủ của Thành Chương đều cảm nhận được vẻ thanh bình, dân dã và những giây phút thư giãn hiếm có, điều khó có thể tìm thấy ở chốn đô thị bụi bặm và ồn ã.
Đến đây, người ta có thể tìm thấy lối kiến trúc đặc trưng của làng cổ người Việt với những cái cổng mang dáng dấp của làng Thổ Hà, Đường Lâm cùng nhiều kiến trúc của cung đình, lăng tẩm cố đô Huế... Chính vì vậy, Thành Chương coi biệt phủ của mình là trung tâm lưu giữ các giá trị tinh thần và những gì cổ xưa nhất của vùng đất này.
(Theo Archi.vn)