Khi chiều ngang nhà hẹp mà lại dài, bạn cần tìm cách đảm bảo nối kết các khoảng thông thoáng, chiếu sáng cho các không gian chung và riêng, trên và dưới của nhà ống.
Khéo mở cửa và tạo vách ngăn
Khi một cảnh cửa đóng mở, luôn có một dòng khí thay đổi, tác động vào không gian căn phòng. Phòng càng nhỏ và kín, cảm nhận về điều này càng rõ. Do vậy, bố trí nội thất nên giảm thiểu số lượng các cánh cửa đóng mở liên tục (chỉ dùng cho các phòng riêng hoặc vệ sinh). Khi đó, trường khí toàn nhà được liên kết qua các khoảng trống mang tính ổn định và cân bằng hơn. Các dạng cửa lá sách, cửa nan chớp gỗ hoặc kính, cửa xoay... cũng có tác dụng tương tự tùy theo vị trí và cách thức lắp đặt.
Trong nhà ống, những vách ngăn lửng, vách có đục lỗ hoặc xây giật cấp... giúp cho các luồng thông gió sát trần được lưu thông liên tục, tránh quẩn khí và giảm nhiệt độ trong phòng, tạo sự che chắn tốt hơn nhiều so với vách ngăn đặc hoặc vách ngăn kính cố định. Sử dụng hoa tường, gạch đục lỗ hoặc lam thông gió trên tường còn giúp tạo nên những mảng trang trí không cầu kỳ nhưng đậm nét truyền thống, đặc biệt hữu dụng đối với các không gian nối kết nhiều thế hệ như phòng sinh hoạt chung, phòng ăn, phòng thờ...
Liên kết khí các tầng
Những không gian tập trung nhiều người, nội thất hay xáo trộn thì nên làm cao như phòng khách, bếp ăn, sảnh chính... Còn các không gian riêng tư như phòng ngủ, phòng làm việc, nhà vệ sinh... cần tương ứng với tỷ lệ người sử dụng. Có thể tính toán vật dụng tỷ lệ theo chiều cao như phòng ngủ cao có thể dùng giường tầng hoặc làm như một gác lửng bên trên để ngủ bên dưới là bàn làm việc để tận dụng không gian, còn phòng ngủ thấp thì ngủ trên sàn hoặc dùng giường thấp. Có thể thay đổi độ cao toàn nhà bằng các khoảng thông tầng hay làm lệch tầng để tạo sự liên kết và luân chuyển gió theo phương chéo, đi kèm với giếng trời sẽ giúp ánh sáng phân bố đều hơn, dương khí tăng và tạo các tầm nhìn phong phú.
(Theo Thanh Niên)