Không có ngôi nhà nào xấu hay tốt hoàn toàn vì rất nhiều yếu tố chi phối như khí hậu, địa chất, kiểu dáng, người cư trú... Vì thế, khi xem xét điểm tốt hay xấu cho nhà đất, cần chú ý đến các quan hệ tổng thể để tránh tình trạng "nhìn đâu cũng thấy nhược điểm".
Nhiều gia chủ khi mua nhà hay chuẩn bị xây nhà thường lo lắng nhà mình có bị xấu về phong thủy không, muốn làm ăn thuận lợi nên sửa chữa như thế nào...
Khi lựa chọn nhà đất cư ngụ, cần phát hiện các điểm bất lợi (hung điểm) và ghi nhận những điều thuận lợi (cát tường) giống như ta nhìn ra ưu điểm của một con người. Các dáng vẻ tốt bên ngoài hay lợi thế về phong thủy có lúc bị che khuất, khó phát hiện ngay. Ví dụ trước nhà có công viên (tức là có khoảng minh đường thoáng đãng), cho dù bản thân ngôi nhà thuộc dạng xập xệ cũng không sao vì có thể xây mới lại.
Một nguyên lý nữa cần lưu ý là "đa cát" thắng "thiểu hung", tức là nhiều điểm tốt sẽ lấn át được một số điểm xấu. Mức độ và tỷ lệ này thế nào thì phải đánh giá đúng mức, như những trường hợp sau:
- Nhà đất bị thắt hẹp ở giữa, nhưng nếu có đủ chiều dài thì vẫn tốt. Vì ở dạng này, ta có thể phân thành hai khu vực trước - sau, dùng phần "thắt eo" đó làm khu vực sân trời - cầu thang hay vệ sinh. Cách làm này thường thấy ở nhà ống các khu phố cổ như Hà Nội, Hội An, đảm bảo trường khí tốt và có những khoảng đóng - mở, âm dương hài hòa.
- Nhà đất trước sau cao thấp, do địa hình sẵn có, do đường bị nâng lên nhiều lần hoặc ở cạnh cầu. Dạng nhà này nếu khéo có thể biến tầng trệt thành tầng hầm, vừa tận dụng được địa hình vừa tạo một phần "đế" cho nhà thêm tiện nghi. Còn không gian phòng khách hay sinh hoạt đặt ở tầng 2 sẽ có tầm nhìn thoáng hơn.
- Nhà đất có chiều ngang nhiều hơn chiều sâu, phong thủy xưa cho rằng không tốt vì thiếu độ dài, chưa đi đã hết. Nhưng trong đô thị hiện đại, nhà có chiều ngang lớn thì sẽ thuận tiện cho kinh doanh và giúp thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên vì mặt tiếp xúc bên ngoài nhiều, miễn là bố trí hợp lý thì còn thuận lợi hơn cả nhà ống dài mà bị hẹp.
(Theo Thanh Niên)