Công ty chúng tôi xây nhà cao tầng và gây một số thiệt hại cho 3 hộ gia đình liền kề. Vụ việc được đưa ra tòa án. Xin cho biết trường hợp nào được tòa xem xét, chấp nhận cho giảm mức bồi thường? Nếu các gia đình không đưa ra các chứng cứ về thiệt hại cụ thể, có được tòa chấp nhận không?
Trả lời:
Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được giải quyết theo các quy định tại các điều từ 604 đến 630 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 8/7/2006. Theo đó, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
- Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ, nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại cần phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó.
- Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau:
a. Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại.
b. Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó.
Công ty của bạn chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện nói trên.
Khi khởi kiện ra Tòa án đề nghị giải quyết, người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường (nguyên đơn) phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý, về thu nhập của người bị thiệt hại. Người gây thiệt hại (bị đơn) có yêu cầu giảm mức bồi thường phải có tài liệu, chứng cứ về khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình không đủ để bồi thường toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đã xảy ra.
Luật sư Nông Thị Hồng Hà
Công ty Luật Hồng Hà