Nhà ở liền kề kết hợp khu vực kinh doanh đang trở nên phổ biến trong đô thị. Yếu tố đa chức năng đã ảnh hưởng không nhỏ tới không gian kiến trúc nói chung cũng như việc tổ chức giao thông nói riêng trong thể loại nhà ở.
Việc đưa ra giải pháp tổ chức giao thông cần có sự tách biệt giữa các luồng giao thông với nhau, giữa giao thông cho chức năng ở bao gồm lối vào nhà để xe và lối lên sảnh tầng với giao thông cho chức năng kinh doanh. Trong một diện tích xây dựng nhỏ và mặt tiền hẹp, không gian sử dụng vẫn cần có sự linh hoạt, thông thoáng và tiện nghi.
Nhà ở liền kề đa chức năng nên kết hợp hài hòa kiến trúc truyền thống và hiện đại, sử dụng mái dốc truyền thống để hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam. Tầng áp mái là tầng đệm cho không khí xuyên qua, làm mát cho các phòng bên dưới. Nét kiến trúc hiện đại được thể hiện thông qua việc tạo hình khối màu sắc với cách sắp xếp “đặc” và “rỗng” hòa quyện vào nhau để toát lên các không gian đóng mở riêng biệt trong nội thất. Không gian đóng ở đây là không gian khép kín của các phòng ngủ, nhưng vẫn được mở khi cần cho gió xuyên qua bằng cửa sổ bên ngoài và cửa lùa áp trần để được thông gió với những “ống gió”, là các tầng xép của khu vệ sinh và giếng trời thang để rồi trả lại không khí ra ngoài.
Không gian mở là không gian của phòng khách và sinh hoạt chung, phòng bếp ăn với một điểm nhấn vườn cảnh, thác nước tạo nên không gian sống động thoáng mát của gió, ánh sáng và con người. Không gian riêng biệt là sự tách biệt giữa chức năng để ở và kinh doanh bằng việc thiết kế giao thông đứng và giao thông ngang của căn nhà song vẫn giữ nguyên giá trị của từng loại.
Giải pháp thứ nhất
Tách biệt lối giao thông kinh doanh và lối giao thông nhà ở. Khách hàng tiếp cận trực tiếp với không gian kinh doanh tầng một mà không ảnh hưởng tới hai luồng giao thông nhà ở là lối lên cầu thang ngoài trời để dẫn tới sảnh chính và lối vào của nhà để xe, rồi lên không gian nhà ở bằng đường giao thông đứng là cầu thang bộ. Tại đây cũng được thiết kế có một cửa ra gian kinh doanh trong trường hợp chủ nhà tự buôn bán.
Phương án này cũng có thể tạo thành một phương án khác nữa bằng cách gia tăng không gian kinh doanh ở tầng hai khi đặt một cầu thang bộ ở khoảng giữa của gian kinh doanh. Khi đó, không gian ở sẽ từ tầng ba trở lên, với 3 phòng ngủ, tính cả tầng áp mái. Hạn chế của phương án này là không có garage ôtô.
Giải pháp thứ hai
Phương án đã khắc phục được một số hạn chế của phương án 1. Garage ôtô xe máy ở tầng hầm, nửa nổi nửa chìm để rồi lên không gian nhà ở bằng đường giao thông đứng là cầu thang bộ. Tại đây cũng được thiết kế có một cửa ra gian kinh doanh trong trường hợp chủ nhà tự kinh doanh. Lối vào chung cho không gian kinh doanh và không gian nhà ở. Lối vào này sẽ dẫn tới một tiền sảnh có hai lối vào cho hai không gian kể trên.
Phương án này cũng có thể gia tăng không gian kinh doanh ở tầng 2 khi đặt một thang bộ ở khoảng giữa của gian kinh doanh. Khi đó, không gian ở sẽ từ tầng ba trở lên, số lượng phòng ngủ là ba phòng, tính cả tầng áp mái.
KTS Lê Sơn
Công ty CP Kiến trúc Đô thị VN