Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại hối hả, con người càng muốn tìm về những gì bình yên, thân thuộc nhất. Do đó, phong cách nội thất Chinoiserie dần trở lại trong thiết kế kiến trúc nhà ở. Phong cách thiết kế có nguồn gốc Á Đông này hướng về tự nhiên, nguyên bản từ màu sắc, chất liệu, ánh sáng tới phụ kiện trang trí.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những đặc trưng cơ bản mang tính "bản quyền" của thiết kế nội thất phong cách Chinoiserie, mà trước hết là nguồn gốc hình thành.
|
Phong cách nội thất Chinoiserie lấy cảm hứng từ văn hóa mỹ thuật gốm sứ Trung Hoa với những điểm nhấn họa tiết chim muông, hoa lá tinh tế, hút mắt. |
Phong cách nội thất Chinoiserie hình thành như thế nào?
Vào thế kỷ XVIII, giao thương giữa Trung Hoa và các nước châu Âu nở rộ. Theo đó, một xu hướng nội thất mới ra đời mang tên Chinoiserie. Từ tiếng Pháp "Chinoiserie" được phát âm là "Shen-wah-seh-ree", mang ý nghĩa là phong vị Trung Hoa. Điểm nhấn của phong cách này là phong cảnh hoa lá lấy cảm hứng từ các họa tiết gốm sứ Trung Hoa.
Tuy có nguồn gốc từ văn hóa mỹ thuật gốm sứ Trung Hoa nhưng phong cách nội thất Chinoiserie lại được tạo ra và ứng dụng phổ biến tại châu Âu, nhất là ở Vương quốc Anh. Thời kỳ đầu, phong cách Chinoiserie chỉ dừng lại ở việc sao chép các họa tiết trên sản phẩm gốm sứ, may mặc xuất xứ từ phương Đông. Sau đó, chúng dần hòa trộn với tư duy thẩm mỹ phương Tây để trở thành "đứa con lai" đẹp đẽ và giàu cảm xúc.
Dù đậm chất truyền thống nhưng phong cách này vẫn dễ dàng kết hợp với chất cổ điển và hiện đại để tạo ra không gian sống lãng mạn, cực kỳ quyến rũ.
|
Nội thất phong cách Chinoiserie được ví là "đứa con lai" đẹp đẽ và giàu cảm xúc. |
Hiện nay, phong cách Chinoiserie đã qua thời kỳ cực thịnh, không còn lộng lẫy, choáng ngợp như trước mà được biến tấu ít nhiều để phù hợp với lối sống hiện đại. Hình dáng nội thất vì thế cũng đã gột bỏ đi các chi tiết uốn lượn phức tạp hay nhũ vàng son thiếp, chỉ còn lại những đặc điểm tượng trưng như phần tay nắm hoặc viền trang trí mang màu sắc Trung Hoa.
Trong những căn hộ hiện đại, nội thất Chinoiserie xuất hiện với những đường nét, màu sắc, họa tiết trang nhã, mềm mại hơn nhiều. Tuy vậy, những đặc trưng mang tính "hồn cốt" của nó vẫn được lưu giữ, mê hoặc giới đam mê thiết kế nội thất.
Nội thất Chinoiserie hiện nay là sự kết hợp hoàn hảo giữa dáng hình phương Đông trên nền cổ điển và phong cách Mid-century với điểm nhấn họa tiết hoa lá, màu sắc tươi mới, trẻ trung.
Những đặc trưng nổi bật của phong cách Chinoiserie trong thiết kế nội thất
Với những đặc điểm nổi trội về chất liệu sử dụng, cách phối màu, họa tiết cũng như tính nghệ thuật cao, phong cách nội thất Chinoiserie vẫn luôn nguyên vẹn giá trị trong giới mộ điệu.
Nội thất phong cách Chinoiserie hướng về cổ điển
Đây là đặc điểm lý giải vì sao phong cách Chinoiserie luôn được ưa chuộng bởi những người thích vẻ đẹp truyền thống, chất hoài niệm trong từng bản thiết kế. Phong cách này hướng về yếu tố cổ điển nhiều hơn, nhưng đường nét đơn giản, tinh xảo, thanh lịch có khả năng vượt thời gian. Các họa tiết cách điệu nhẹ nhàng thường được sử dụng trên các loại hàng dệt may như rèm cửa, vỏ chăn, ga, gối hoặc trên giấy dán tường. Thậm chí, chúng còn được vẽ trực tiếp lên các mảng tường trong nhà.
Các bản in trên vải, trên tường nhà thường kết hợp giữa kiến trúc những tòa nhà truyền thống hoặc các loài động vật kỳ lạ. Những hình ảnh như cây cọ, các loài chim, hoa nhài, mái nhà uốn cong... tạo sự độc đáo, lạ mắt cho ngôi nhà phong cách Chinoiserie.
|
Trong thiết kế và bài trí nội thất theo phong cách Chinoiserie, các yếu tố cổ điển về hình dáng, họa tiết xuất hiện với tần suất dày đặc. |
Kết hợp nét hiện đại, tinh tế
Để tạo sự tươi mới, độc đáo hơn cho ngôi nhà phong cách Chinoiserie đậm chất truyền thống, hãy thêm vào những yếu tố hiện đại hoặc đương đại như rèm cửa hai lớp tông màu trung tính nhã nhặn, đèn thả mặt dây chuyền, đèn hoa tulip, ga trải giường hoa văn, táp đầu giường tối giản, ghế thư giãn kiểu dáng độc đáo... Theo đó, không gian phòng sẽ bớt đơn điệu, một màu, trở nên thú vị, hút mắt hơn rất nhiều.
Cách kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại tạo nên nét tinh tế, cuốn hút cho không gian sống. Bạn nên ưu tiên sử dụng bảng màu trung tính như xám nhạt, be, kem, trắng ngà... làm phông nền tổng thể của ngôi nhà hoặc căn hộ, tạo điều kiện cho sự kết hợp đó phát huy hết vẻ đẹp của nó.
|
Một phòng ngủ kết hợp hài hòa giữa họa tiết Chinoiserie cổ điển và đồ nội thất, phụ kiện theo phong cách hiện đại, tối giản. |
Họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên
Một đặc điểm nổi bật khác của phong cách nội thất Chinoiserie là họa tiết chủ yếu lấy cảm hứng từ thiên nhiên, tuy nhiên vẫn hướng về yếu tố cổ điển. Thời kỳ đầu, họa tiết trung tâm thường là phong cảnh Trung Hoa với tòa tháp mái nhọn uốn cong, nhành liễu rũ, long phụng cầu kỳ, đôi chim uyên ương... Tuy nhiên, sau những biến chuyển của thời gian, họa tiết Chinoiserie được giản lược, tinh chỉnh cho phù hợp với lối sống hiện đại.
|
Họa tiết hoa lá xinh tươi, hình ảnh những chú chim chuyền cành vui hót là đặc trưng nổi bật của phong cách nội thất Chinoiserie. |
Hiện nay, họa tiết phổ biến nhất của phong cách nội thất này là những cành cây mềm mại, chùm hoa thanh tú, điểm thêm nét sống động gồm những chú chim nhỏ vui hót. Ví dụ, khi trang trí phòng ngủ, nhiều gia chủ có xu hướng tạo điểm nhấn bằng rèm lụa in họa tiết hoa lá hoặc bày thêm một bộ ấm trà với họa tiết lá trà xanh, hoa nhài.
Dễ dàng nhận thấy, họa tiết hoa nở dường như được yêu thích nhất khi trang trí nhà theo phong cách Chinoiserie. Vẻ đẹp tinh tế của loại họa tiết này thể hiện qua sự mềm mại, uyển chuyển trong quá trình phát triển từ lúc còn là chiếc nụ nhỏ xinh cho đến khi e ấp nở và nở rộ.
Nếu không chuộng họa tiết cổ điển thì bạn có thể chọn những họa tiết cách tân, kết hợp giữa chút hiện đại pha lẫn truyền thống để tạo điểm nhấn sang trọng, đầy tính nghệ thuật cho không gian sống.
|
Phông nền trang trí đầu giường mang đến vẻ đẹp lãng mạn, ngọt ngào cho không gian phòng ngủ phong cách Chinoiserie. |
>>> Xem thêm:
Chuộng chất liệu tơ lụa mềm mại
Sự mềm mại, quyến rũ của phong cách nội thất Chinoiserie đến từ chất liệu tơ lụa. Vải satin và tơ tằm là hai chất liệu chính của phong cách này. Những chất liệu cao cấp mang đến cho không gian sống vẻ đẹp sang trọng, mềm mại, thể hiện đẳng cấp cũng như sự quyền quý và tinh tế của gia chủ.
Bạn hoàn toàn có thể sử dụng chất liệu tơ lụa, satin ở rèm cửa, vỏ chăn, ga, gối ngủ, gối tựa sofa. Tính năng phản chiếu ánh sáng tơ lụa giúp nâng cao giá trị thẩm mỹ cho căn phòng, tạo cảm giác thoáng đãng hơn.
|
Chất liệu tơ lụa, satin được sử dụng phổ biến trong phong cách Chinoiserie, nhất là
với không gian ngủ nghỉ. |
Tạo điểm nhấn với chất sơn mài
Phong cách nội thất Chinoiserie thường sử dụng chất sơn mài để tạo điểm nhấn ấn tượng. Chất sơn mài được thể hiện trên giấy dán tường màu đỏ - đen hoặc dùng đồ nội thất đậm chất truyền thống Trung Hoa. Thường thì màu đỏ được sử dụng nhiều hơn, trong khi màu đen lại trở nên sang trọng, bí ẩn nếu kết hợp với màu xanh hoàng cung, màu vàng ánh kim hoặc hồng.
Theo đó, một chiếc tủ sơn mài phong cách Trung Quốc đặt trong phòng khách, phòng ăn hoặc phòng làm việc sẽ luôn là tiêu điểm hút mọi ánh nhìn, góp phần tạo chiều sâu cho không gian (nếu sử dụng màu trầm tối). Tủ sơn mài càng thêm nổi bật nếu được đặt cạnh bức tường màu trung tính nhã nhặn.
|
Phòng ăn đậm chất Chinoiserie khi sử dụng chất liệu sơn mài và màu đỏ đậm. |
|
Sự kết hợp của tủ gỗ sơn mài màu đen, những chiếc ghế màu xanh da trời cùng điểm nhấn màu hồng và vàng ánh kim mang đến cái nhìn hiện đại, mới mẻ hơn cho không gian nội thất được bài trí theo phong cách Chinoiserie. |
Sử dụng đồ gốm sứ Trung Hoa
Đồ gốm sứ Trung Quốc cũng là phụ kiện trang trí tạo cảm giác khác biệt, độc đáo cho ngôi nhà phong cách Chinoiserie. Những chiếc bình lớn hoặc lọ hoa nhỏ xinh được sử dụng khá phổ biến trong phong cách nội thất này. Trên những kệ mở tối giản, bạn hãy thử phối kết bộ sưu tập lọ/bình gốm sứ màu xanh - trắng thanh lịch. Giá kệ bày đồ gốm cùng rèm cửa hoa văn tạo nên không gian mang hơi hướng hoài cổ, nhẹ nhàng, an yên.
|
Các lọ, bình gốm màu xanh- trắng bày trên kệ kết hợp cùng đèn chùm treo thấp và rèm cửa hoa văn tạo cảm giác hoài cổ, nhẹ nhàng cho không gian phòng bếp - ăn. |
Phông nền trung tính chủ đạo
Để làm nổi bật họa tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên như động vật, chim muông, hoa lá kiểu Trung Hoa... phong cách nội thất Chinoiserie thường chọn phông nền màu trầm tối chủ đạo. Thay vì nhồi nhét cả căn phòng với họa tiết và phụ kiện trang trí, bạn nên đầu tư vào một vài chi tiết nổi bật như mảng tường điểm nhấn trong phòng khách, phòng ăn, đầu giường ngủ... Theo đó, không gian nội thất sẽ tựa như một tác phẩm nghệ thuật tinh tế, giàu giá trị thẩm mỹ.
|
Với phong cách Chinoiserie, phông nền trung tính chủ đạo được sử dụng để giúp làm nổi bật họa tiết lấy cảm hứng từ thiên nhiên. |
Với những thông tin mà Dothi.net chia sẻ trên đây, hẳn bạn đã có được cái nhìn tổng thể về phong cách nội thất Chinoiserie. Nếu lựa chọn thiết kế nhà theo phong cách này, tổ ấm của bạn chắc chắn sẽ rất khác biệt, đậm chất nghệ thuật.
Lam Giang (TH)
>> Phong cách nội thất Japandi tinh giản nhưng không nhàm chán
>> "Thoát tục" và an lạc với phong cách nội thất Zen
>> Phong cách nội thất Eco - "sàn diễn" của vật liệu tự nhiên