Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển nên những ngày trời quang mây tạnh, từ đây có thể phóng tầm mắt tới tận dãy núi Ba Vì, Hà Nội.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nằm trên độ cao khoảng 300m so với mực nước biển nên những ngày trời quang mây tạnh, từ đây có thể phóng tầm mắt tới tận dãy núi Ba Vì, Hà Nội. Đứng sau hậu cung chùa còn có thể nhìn rõ ba ngọn Tam Đảo quanh năm mây phủ.
Những ngày mùa xuân trời mưa phùn, những hạt mưa do mây nặng trĩu mà nên, từng hạt mưa bay bay ngoài trời đủ để làm tăng thêm cái rét cho du khách nhưng cái rét không làm mất đi cảm giác ấm áp, linh thiêng và thanh thản khi đặt chân đến miền đất Phật này.
Đường lên Thiền viện uốn lượn quanh co men theo các triền núi phủ bóng thông xanh. Càng lên cao, con người như càng đi sâu vào cõi thoát tục. Dưới chân núi, ruộng đồng, đường sá, nhà cửa bỗng như lùi lại vào một cõi xa xăm để nhường chỗ cho tiếng gió vi vu, tiếng chuông chùa ngân vọng... Thế mới biết, trải qua bao cuộc bể dâu, Phật giáo Việt Nam vẫn sáng mãi một dòng thiền - Thiền phái Trúc Lâm.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004, có diện tích rộng 4,5 ha, rừng ngoại vi rộng 50 ha. Sau gần 2 năm xây dựng, công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có toà Chánh điện cao 17 m, diện tích 673,2 m2, 4 trụ đỡ có đường kính gần 1 m, ở giữa là 3 tượng phật lớn, bên trái là nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Ngoài ra còn có cổng Tam quan, lầu Chuông, lầu Trống, nhà Tổ, Nội Viện...
Ở Việt Nam hiện có khoảng 20 Thiền viện Trúc Lâm, chủ yếu nằm ở phía Nam. Ngoài Bắc chỉ có 3 Thiền viện và Thiền tự là Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) và Sùng Phúc (Hà Nội).
Cùng Dothi.net chiêm ngưỡng Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên bình yên trong một ngày mùa xuân:
Đức Hải