Nếu các công trình tuân thủ theo bản đồ phân vùng động đất để áp dụng những tiêu chuẩn kháng chấn thì có thể đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra.
Viện Vật lý địa cầu cảnh báo nhiều vùng ở nước ta có khả năng xảy ra động đất. Trước dự báo này, nhiều chuyên gia về xây dựng cho rằng, để giảm thiệt hại do động đất gây ra, cần thiết phải thiết kế công trình theo tiêu chuẩn kháng chấn.
Theo bản đồ dự báo phân vùng động đất, hầu hết các quận của thành phố Hà Nội có nguy cơ động đất cấp 7, cấp 8. Điều đáng lo ngại là hiện nay, Hà Nội còn nhiều nhà xây dựng đã lâu năm, bị sửa chữa, cơi nới, phá vỡ thiết kế xây dựng, do vậy nguy cơ thiệt hại khi động đất xảy ra là khó tránh khỏi.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, nếu các công trình xây dựng tuân thủ theo bản đồ phân vùng động đất để áp dụng những tiêu chuẩn kháng chấn thì có thể đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra. Hiện Bộ Xây dựng đã có bộ tiêu chuẩn về xây dựng số 375 năm 2006, trong đó có quy định xây dựng ở những khu vực có khả năng xảy ra động đất.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, việc áp dụng tiêu chuẩn kháng chấn trong xây dựng có nghĩa là gia tăng thêm sắt, thép, xi măng trong việc xây dựng nền móng công trình, xây dựng nhà khung bê tông để tăng phần vững chãi, ngoài ra còn nhiều biện pháp nữa để giảm rung lắc cho những toà nhà cao tầng mà thế giới đã áp dụng thành công.
Hiện nay, ở nước ta các toà nhà cao tầng, các công trình cầu cống, giao thông hầu hết các chủ đầu tư đều áp dụng kháng chấn để đảm bảo an toàn công trình khi động đất xảy ra. Tuy nhiê, đối với các công trình nhà dân dụng nhỏ lẻ, người dân thường chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, do vậy dù là công trình mới xây dựng nhưng cũng đáng lo ngại.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói: “Ở Hà Nội, những nhà cao tầng thì cần phải tính toán tới động đất. Bình thường toà nhà có một tần số giao động, nếu tần số giao động này cộng hưởng với tần số giao động của động đất thì sự giao động tăng lên rất nhiều. Do đó phải thiết kế thế nào để tránh được tần số nguy hiểm. Hiện nay, người ta đã nghiên cứu áp dụng thành công các giải pháp chống động đất trong công trình xây dựng ở những vùng cần thiết”.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi được dự đoán ít có khả năng xảy ra động đất như tại Hà Nội, vẫn có một số quận, huyện có khả năng xảy ra động đất cấp 6, cấp 7. Do vậy, việc áp dụng kháng chấn trong xây dựng ở những vùng có nguy cơ động đất theo quy định là hết sức cần thiết. Trên thực tế, có không ít chủ đầu tư và cả người dân đã không tính đến việc áp dụng các tiêu chuẩn này bởi vì chi phí vật liệu xây dựng sẽ tăng lên gần 1/4 so với không áp dụng biện pháp kháng chấn.
Ông Bá Văn Hùng, Trưởng phòng quản lý Kỹ thuật, Trung tâm Kiến trúc Miền Nam thuộc Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn nêu thực tế: “Riêng về mảng xây dựng dân dụng, cần đặt vấn đề với chủ đầu tư. Nếu như thật cần thiết thì đưa hệ số của động đất vào để tính làm cho công trình bền vững”.
Không chỉ có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều vùng khác trong cả nước có nguy cơ xảy ra động đất.
Tiến sỹ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết: “Một vài vùng mà có thể động đất lớn xảy ra là khu vực Tây Bắc như: Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn thuộc về đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên. Gần đây, ở Sông Mã, Quan Sơn, Thanh Hoá cũng xảy ra động đất do đới đứt gãy sông Cả. Một vùng nữa là Đô Lương, Nghệ An cũng trên đới đứt gãy sông Cả. Ngoài ra còn khu vực ngoài khơi ở Vũng Tàu - Phan Thiết có đới đứt gãy dọc theo kinh tuyến 109 – 110”.
Trước thực tế này, các ngành chức năng cần sớm rà soát và có biện pháp xử lý với những nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng do động đất đặc biệt là những khu nhà tập thể đông dân ở các khu đô thị lớn, đồng thời cần siết chặt quy trình kiểm tra giám sát các công trình xây dựng tại những vùng có nguy cơ động đất phải đảm bảo tiêu chuẩn kháng chấn phù hợp theo quy định để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.
(Theo VOV)