Nếu như trước năm 1954 và Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô dăm, sáu năm những quán trà vỉa hè thường chỉ có ở những ngã tư, bến tàu, bến xe.
Nghĩa là ở những chỗ đông người qua lại. Tuy nhiên khu vực bệnh viện và đặc biệt cạnh các trường học thường không có các quán trà vỉa hè. Hình như do quy định thì phải. Riêng ở những quán trà có cửa hàng, người bán thường là phụ nữ đã đứng tuổi. Trà ở những quán này thường ngon hơn, đậm đà hơn. Chỗ ngồi của khách có vẻ cũng đàng hoàng hơn. Không chỉ bán trà mạn.
Còn bán thêm cả thuốc lá, kẹo vừng, kẹo lạc và trứng chim nữa (vốn là lạc được bọc đường). Thuốc lá được đựng trong khay. Các loại kẹo được đựng trong những lọ thủy tinh mờ. Cũng ở những quán này còn có thêm một vài... khẩu “ca nông” tức là điếu cày. Có điếu ắt phải có thuốc lào Vĩnh Bảo, có đóm và đương nhiên có cả một chiếc đèn dầu mà ta quen gọi là đèn Hoa Kỳ. Khách ở những quán trà này đa phần là khách quen ở cuối phố, cơ quan ngay đó, hoặc mấy phố lân cận. Ít có khách vãng lai. Đã uống trà ắt phải hút thuốc.
Thuốc lá, khách thường mua lẻ. Hiếm có người mua cả bao. Còn những khẩu đại bác (tức điếu cầy) vốn là sự thích thú của những người nghiền món đặc sản này. Khách chiêu một vài ngụm nước chè nóng rẫy, thơm lựng rồi chậm rãi mồi thuốc vào lõ điếu, rồi chậm rãi thong thả lấy đóm châm vào đèn và rồi một lần nữa lại chậm rãi cho que đóm đang có lửa phừng phừng ấy vào lõ điếu rồi rít một hơi dài. Tiếng điếu kêu cùng với khói, cùng với ánh mắt lim dim quả là không còn gì sung sướng, mãn nguyện hơn trong một khung cảnh êm ả thanh bình.
Những quán trà có cửa hàng, cửa hiệu như vậy mặc nhiên là một địa chỉ không chỉ của khách vãng lai mà còn là nơi gặp gỡ để hàn thuyên, trao đổi công việc của không ít cán bộ, công chức và cả những nhà báo, văn nghệ sĩ nữa...
Những quán trà như vậy, giờ Hà Nội không còn nhiều. Lý do cũng đơn giản. Xét về mặt kinh tế, những quán này dành cho những người thu nhập thấp. Người đến đã đành, chủ cũng vậy. Bởi thế chủ nhân phải tận dụng địa điểm, mặt phố chuyển mặt hàng kinh doanh thu lời nhiều hơn.
Nhưng cũng ở Hà Nội giờ lại nhan nhản những quán trà, đúng hơn là “trà vỉa hè”. Những trà vỉa hè này có nhiều điểm khác biệt hơn so với những quán trà xưa. Ví dụ: Không có điếu cày (vì không còn mấy người còn nghiện món này).
Thay vì mấy cái ghế băng cho khách ngồi, giờ là những chiếc ghế con bằng nhựa. Không chỉ bán trà, thuốc, mà còn bán cả trà đá và cả rượu nữa. Riêng khách đa phần lại là thanh niên. Người già, người đứng tuổi không có mấy. Hoặc nếu có chỉ xong chén trà, điều thuốc là họ đứng dậy. Còn phần đồng khách thuộc giới trẻ kia còn tụ ba ở đấy lâu lâu. Và đủ thứ chuyện tào lao, trên trời dưới biển một khi rượu vào.
Cũng cần nói thêm, không ít quán trà vỉa hè này giờ càng pha tạp, biến chất. Nhiều quán còn có thêm một nghề nữa, đó là ghi lô, đề. Đa phần là đề. Mà người đánh, chán và tiếc làm sao lại chính là đám thanh niên kia, là dân xe ôm và người ngoại tỉnh nườm nượp đổ vào Hà Nội mưu sinh.
Mưu sinh là điều cần thiết. Nhưng mong đổi đời bằng vận may đỏ đen từ những quán trà vỉa hè là điều không tưởng.
(Theo PLXH)