Có tuổi đời 4 thế kỷ, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi.
Ngày nay, làng cố Đường Lâm nổi tiếng khắp cả nước như một ngôi làng Việt còn “nguyên bản” với đầy đủ các yếu tố cổng làng, cây đa, bến nước, nhà cổ và những chiếc giếng làng.
Hiếm có ngôi làng nào ở xứ Đoài lại nhiều giếng như Đường Lâm. Tại đây, những chiếc giếng công cộng thường được đặt ở giữa các xóm để người dân thuận tiện qua lại như giếng xóm Đình, xóm Sải, xóm Giang... Bên cạnh giá trị sử dụng, có giếng còn mang ý nghĩa tâm linh như hai giếng bên đình Mông Phụ, tượng trưng cho đôi mắt rồng thiêng liêng của ngôi làng. Nhiều giếng đã có tuổi đời 4 thế kỷ.
Về mặt kiến trúc, những chiếc giếng ở Đường Lâm không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác do loại đá dưới lòng đất rất cứng. Miệng giếng ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất bền và vững chãi. Giếng thường rộng từ 3-5m, sâu trên 10m.
Theo năm tháng, đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao, giếng khoan và nước máy dần dần thay thế giếng cổ. Những chiếc giếng đá ong trăm tuổi trở nên hoang phế, cạn nước và bị cây cỏ dại bao phủ. Nhiều giếng bị biến dạng, bọc bê tông lên trên những khối đá ong cũ.
Thiết nghĩ, việc gìn giữ và bảo tồn hình ảnh những chiếc giếng cổ sẽ làm tăng thêm giá trị di sản của ngôi làng Việt cổ Đường Lâm. Điều này đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực của người dân cùng chính quyền địa phương.
(Theo Đất Việt)