SearchNews

Xây nhà ở xã hội - Vấn đề "nóng" của nhiều quốc gia

03/03/2014 07:17

Nhà ở xã hội hiện đang trở thành một vấn đề quan trọng được các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm.

Bởi, hiện nay có đến gần 330 triệu hộ gia đình phải sống trong các khu nhà ổ chuột hoặc phải chi một khoản tiền quá lớn trong nguồn thu nhập của mình cho vấn đề “nơi ăn chốn ở”. Ước tính, con số này sẽ tăng lên 440 triệu hộ gia đình, tức 1,6 tỷ người trong năm 2025. 

Nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến vấn đề nhà ở xã hội
Ảnh minh họa, nguồn VTC.

Trung tâm Kinh tế thuộc trường Đại học Havard (Mỹ) trong một nghiên cứu đã cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước thực hiện 4 chính sách hoặc đồng thời áp dụng các chính sách một lúc để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội. Cụ thể: Tìm kiếm nguồn quỹ đất có mức giá phải chăng, cố gắng giảm chi phí vận hành và quản lý, áp dụng quy trình xây dựng có hiệu quả hơn, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính đối với người mua nhà. Song, để các chính sách này được thực hiện thành công thì phải phụ thuộc rất lớn vào khả năng xây dựng mô hình nhà ở xã hội phù hợp với các thành phố khác nhau, khi nhu cầu nhà ở tại những nước có nền kinh tế đang phát triển thường lớn hơn các quốc gia phát triển.

Với Mỹ, một đất nước có nền tảng vững chắc về thị trường bất động sản, về kinh tế, sẽ có đủ nguồn lực để xây dựng các dự án nhà ở mang tầm quy mô lớn. Vì vậy, Mỹ đã ưu tiên 2 vấn đề chính trong chính sách nhà ở của mình: Một là, khuyến khích các dự án nhà giá rẻ; Hai là, cung cấp hỗ trợ tài chính đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp để họ có cơ hội được sở hữu nhà ở.

Còn ở hầu hết các quốc gia thuộc châu Á, hệ thống phúc lợi xã hội còn yếu, trong khi số lượng các hộ gia đình có thu nhập thấp lại quá lớn, khoảng cách giàu nghèo rất rõ, thậm chí ngày càng gia tăng. Nhiều người có nguồn thu nhập thấp không đủ tiền mua nhà trong bối cảnh giá bất động sản và nhà ở thương mại lại quá cao.

Đất nước có mô hình giải quyết nhà ở thành công nhất ở châu Á có lẽ là Singapore. Mỗi năm, đất nước này đều có chương trình nhà ở công cộng và được điều hành bởi Hội đồng Phát triển nhà ở (HDB) với nguồn ngân sách Nhà nước khoảng 1,2 tỷ USD để xây dựng nhà ở xã hội. Trong khoảng tháng 2/1960 đến năm 2011, HDB đã xây dựng thành công trên 800.000 căn hộ các loại với tiện nghi cần thiết cho người ở theo từng đối tượng. Hiện có hơn 90% dân số của Singapore sống ở các chung cư cao tầng, trong đó, đến 81% mua nhà của HDB theo hình thức vay tiền trả dần với mức lãi suất căn cứ vào tình hình cụ thể theo từng giai đoạn.

HDB là tổ chức vừa có khả năng bảo đảm tốt quỹ đất, nguồn nguyên liệu, nhân lực cho các công trình xây dựng lớn vừa tiết kiệm chi phí và mang lại kết quả cao nhất. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý cũng giúp cho chương trình nhà ở xã hội của Singapore đi đúng lộ trình và đến được người có nhu cầu mua thực. Hệ thống tiết kiệm nhà ở là điều bắt buộc đối với các quốc gia như Singapore. Với hệ thống này, người mua nhà ở phải có một khoản tiền gửi tiết kiệm nhất định và được phép vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường. Nhờ quỹ tiết kiệm đó mà HDB có nguồn vốn để thực hiện các dự án nhà ở và người dân dễ dàng mua được nhà của cơ quan này.

Tại Thái Lan, để hình thành hệ thống tài chính nhà ở, đất nước này đã tổ chức mạng lưới nhận tiền đặt cọc. Theo đó, các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, công ty tín dụng, công ty bảo hiểm nhân thọ, Ngân hàng Tiết kiệm và Ngân hàng Nhà ở thuộc Chính phủ sẽ tiếp nhận các khoản tiền đặt cọc từ người dân, tổ chức và sử dụng vào việc cho vay (cả cho vay về nhà ở). Trong đó, Ngân hàng Nhà ở Chính phủ (GHB) là đơn vị giữ trọng trách phát triển mạng lưới dịch vụ trong nước, đồng thời, huy động nguồn vốn qua các khoản tiền đặt cọc tài khoản tiết kiệm đặc biệt và phát hành trái phiếu. GHB được quản lý với chi phí vận hành rất thấp, để có thể cung cấp các khoản vốn vay nhà ở có lãi suất thấp nhất trên thị trường, để thông qua đó, giúp người thu nhập thấp mua được nhà.

Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Công ty Cho vay vốn nhà ở (GHLC) nhằm đảm bảo cho người dân có nhà ở phù hợp với thu nhập của họ. Công ty này đã tạo ra các khoản cho vay dài hạn với lãi suất thấp dành cho người xây dựng hoặc mua nhà. Nguồn vốn này phần lớn  được huy động từ hệ thống trái phiếu tiết kiệm, "Ngân quỹ đầu tư và Chương trình cho vay" gồm Tiết kiệm bưu điện và tiền Trợ cấp Bảo hiểm hưu trí. Phần khác là từ nguồn tiền đền bù, sở hữu tích lũy khế ước nhà ở kết hợp với các khoản cho vay tư nhân và trợ cấp từ tài khoản ngân sách quốc gia. Số tiền mà GHLC cho vay chiếm đến 60% giá trị của căn hộ. GHLC cũng là đơn vị có số người vay thế chấp lớn nhất thế giới, với khoảng 30-40% tổng số khoản vay về nhà ở tại Nhật Bản. Từ khi thành lập đến nay, GHLC đã hoạt động được 45 năm, cung cấp cho thị trường 14,8 triệu căn hộ, chiếm 30% lượng nhà xây dựng từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II tại Nhật Bản. Đặc biệt, từ sau 1973, việc xây dựng nhà ở đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực khác như thị trường vật liệu xây dựng, sắt thép, công nghiệp hóa chất, máy móc, đồ điện tiêu dùng, đồ gỗ, công nghiệp dịch vụ và trang trí nội thất...; đã khiến GHLC không chỉ là một phần của chính sách nhà ở mà còn đóng vai trò chủ đạo trong việc ổn định cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước Nhật Bản.

Theo sự phân tích của chuyên gia, nhà ở xã hội phát triển, có thể tạo ra những cơ hội đáng kể cho ngành xây dựng toàn cầu cũng như các ngành cung cấp dịch vụ tài chính nhà ở khác. Theo như tính toán, việc xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp trên toàn thế giới có nguồn kinh phí ước tính lên tới 2.300 tỷ USD và nó có thể đem lại cho thị trường xây dựng nguồn doanh thu từ 200-300 tỷ USD/năm.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu