Nhà ở qua một thời gian dài sinh hoạt sẽ có những hiện tượng xuống cấp, tuy nhỏ và không ảnh hưởng tới độ an toàn cũng như kết cấu nhưng nếu không được khắc phục kịp thời sẽ biến ngôi nhà trở nên cũ kỹ và mất đi tính thẩm mỹ.
Vết nứt trên tường:
Các vết nứt nghiêng trên tường là loại vết nứt "khó chịu" nhất và sẽ khó sửa nhất nhưng lại khá phổ biến trong nhà ở hiện nay. Thường thì những vệt nứt đó có thể xuất hiện tại nhiều diện tường, ở nhiều tầng với các vệt dài ngắn khác nhau. Quy luật là xuất hiện sát mép sàn, gần các cột và xiên dần vào giữa mảng tường hoặc xuất hiện ở các góc dưới của bậu cửa sổ, xiên xuống dưới.
Nguyên nhân gây ra các vết nứt này là do đã bị lún ít nhiều, muốn xử lý phải chống lún bằng nhiều giải pháp khác nhau đều có khó khăn và tốn kém. Việc đục rỗng vết nứt, đóng "gông" (đinh đỉa) để vá vết nứt lại chỉ tạm thời, không hiệu quả vì không ngăn chặn được nguyên nhân gây ra và sẽ bị nứt lại, có thể là chỗ cũ hay quanh đó.
Những loại vết ban đầu có thể nhỏ như đường chỉ nhưng lâu ngày sẽ càng mở rộng hơn do vậy chủ nhà nên tìm đến những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm để nhờ sự giúp đỡ cần thiết, chính xác. Lưu ý rằng, việc đầu tiên, chủ nhà, khi phát hiện vết nứt là phải đánh dấu (tốt nhất là bút chì), bằng nét gạch thẳng góc với phương khe nứt, ghi lại ngày tháng và theo dõi qua thời gian, các vết nứt có vượt điểm đánh dấu hay không.
Sàn gỗ công nghiệp phát ra tiếng kêu:
Sàn gỗ công nghiệp dùng lâu ngày khi đi phía trên phát ra tiếng cọt kẹt. Nguyên nhân thường là do phần đệm của các mảnh ván sàn phía dưới sàn bị lệch nhau. Cách khắc phục cho sự cố này khá đơn giản, chủ nhà có thể sửa theo 2 cách: mở sàn nhà từ phía dưới và chỉnh lại những phần nối và giá đỡ ở dưới sàn nhà hoặc nếu không thể tiếp cận sàn nhà từ phía dưới thì có thể dùng đinh đóng trực tiếp trên sàn. Tuy nhiên, trước khi đóng, nên khoan những lỗ định hướng trước để tránh làm nứt sàn gỗ. Đóng đinh xong thì dùng những loại keo và mạt gỗ để lấp lại lỗ do đinh tạo ra.
Cửa gỗ cong vênh:
Cửa gỗ dùng lâu năm hay bị sệ cánh, vênh, co ngót gây ra tình trạng rất khó đóng hoặc mở, gây mất thẩm mỹ. Nguyên nhân là do nước ta có khí hậu nóng ẩm hanh khô nên độ ổn định của cửa gỗ kém, hay bị biến dạng co giãn, cong vênh nứt nẻ hoặc bị mối mọt, mục nát theo thời gian.
Trước tiên, để tránh hiện tượng vênh, co ngót, rạn nứt cửa cần lựa chọn loại gỗ tốt để làm cửa. Gỗ tốt được hiểu là các gỗ nhóm 1, 2 hoặc 3, được xử lý ngâm tẩm chống giãn nở, cong vênh kỹ bằng các hoá chất chuyên dụng, có thời gian phơi khô đủ theo tiêu chuẩn.
Cửa khi tiếp xúc với nắng mưa thường xuyên cũng rất dễ bị cong vênh, co ngót. Nên ở các hướng nắng lắm mưa nhiều nên làm thêm phần ô văng che mái cửa.
Để tránh cửa bị sệ cánh nên lưu ý một số điểm: cánh cửa không nên làm quá lớn. Thường cánh cửa sổ nên rộng từ 60 - 80 cm là vừa. Ở các góc cửa nên có các ke vuông bằng thép chống gỉ, nhằm đỡ cho các khung cửa luôn ở dạng vuông góc với nhau, tránh sệ cánh. Ở các vị trí bản lề, nếu cửa bị sệ có thể chỉnh bằng các long đen đệm.
Kính bị mốc:
Nguyên nhân là do vữa chảy vào kính, dầu bôi trơn, một số chất tẩy, bụi tại công trình xây dựng hay đơn giản bụi bám lâu ngày vào kính. Kính có thể bị nước làm hỏng vì bề mặt kính có thể hấp thụ một lớp ẩm mỏng. Do đó các ion sodium trong thuỷ tinh sẽ trao đổi với nguyên tử hydro trong nước để tạo thành lớp alkaly mỏng. Nếu lớp này không được lau đi nó sẽ tạo thành vết nước trên bề mặt kính rất khó lau và có thể trở thành vết bẩn vĩnh viễn khiến bề mặt kính trở nên ráp, sờ tay vào thấy không nhắn.
Trong quá trình lưu chứa giữa các tấm kính có thể hình thành một lớp ẩm mỏng. Nếu kính bị ẩm hoặc ở trong môi trường có độ ẩm cao dễ tụ sương sẽ gây hỏng do ẩm. Kính cũng dễ bị xước và vỡ trong quá trình sản xuất, vận chuyển, ghép, lắp dựng và làm sạch. Ngoài ra đĩa mài, hay hàn cũng có thể tạo thành lỗ trên mặt kính. Kính cũng dễ bị nứt do nóng lạnh đột ngột bởi nó dẫn nhiệt kém. Tuy nhiên riêng với kính tôi hoặc kính gia nhiệt không dễ bị nứt.
Muốn kính bền cần rửa sạch và lau khô. Dung dịch rửa phải phù hợp hàm lượng chất tấy thấp. Điều quan trọng cần nhớ là lau khô kính sau khi rửa bằng khăn sạch. Nên nhớ để kính ướt tức là làm bẩn kính.
Vết dầu và hợp chất dán kính phải được lau sạch bằng dung dịch phù hợp như xylen, toluên hoặc meths trước khi rửa xả. Cần lưu ý rằng chất tẩy dùng được cho sơn hoàn thiện cửa sổ, miếng đệm hoặc sealant của hệ cửa.
Lau cửa sổ tốt nhất không để ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào; khu vực nông thôn 6 tháng lau một lần, còn thành thị 3 tháng một lần. Với vùng biển và khu công nghiệp lau 1 đến 2 tháng /lần. Đối với công trường xây dựng cần lau ngay khi quan sát thấy có lớp bụi hình thành nhưng không bao giờ ít hơn hai tháng
Nếu bề mặt bị vết không rõ lắm dùng nước tẩy vết bẩn chuyên dùng. Đó là giẻ ráp và dung dịch có chứa cerium oxit, tuy nhiên vẫn cần phải thử lên một vùng nhỏ trước khi làm sạch để tránh bị xước. Nếu bề mặt bị bẩn, hỏng nhiều, cần dùng dung dịch đặc biệt như Antiris hoặc Clearshield. Nếu những thứ trên không có tác dụng thì nên thay tấm kính khác.
Silicone sealant có thể làm sạch bằng chất tẩy silicone chuyên dùng hoặc một dung dịch đặc biệt như Solvit NC, tuy nhiên cần lưu ý rằng chất tẩy trên không ảnh hưởng đến sơn hoàn thiện cửa sổ, miếng đệm hoặc sealant của hệ cửa.
Sắt bị gỉ:
Nhiều gia đình sử dụng cửa chính, cửa cổng bằng sắt có hoa văn thường thấy hiện tượng sắt bị gỉ, ăn mòn do tác động của môi trường, không chỉ mất thẩm mỹ mà còn rất nguy hiểm. Nguyên nhân có thể do sắt thép không được sơn phủ kỹ, tiếp xúc với không khí, nước (đặc biệt là nước mưa) nên bị ôxi hoá mạnh, gây ra hiện tượng gỉ, ăn mòn. Đối với kết cấu chịu lực có thể gây nguy hiểm cho cả căn nhà
Biện pháp chống gỉ, ăn mòn tốt nhất là cách ly sắt thép với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường. Thông dụng nhất là dùng sơn. Đầu tiên là sơn lót chống gỉ. Ta thường dùng một loại sơn chống gỉ trong đó có Dioxit chì nên có màu da cam sẫm. Sau đó mới phun lớp sơn trang trí theo ý các nhà thiết kế. Sơn là để tránh ôxy hoá mà ôxy hoá mạnh nhất là nước mưa.
Mai Hà (TH)